Tin tức Kinh tế ngày 9/9: Đề xuất giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ lễ
Giảm giờ làm việc, thêm ngày nghỉ lễ
Hàng trăm ngàn người lao động Việt Nam vẫn làm việc hơn 40 giờ/tuần. |
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất liên quan đến giảm giờ làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi cho người lao động trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
Sáng 9/9 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 7 (khóa XII). Tại hội nghị, một số vấn đề lớn trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần 3 đã được thảo luận.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian để người lao động chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.
Hiện nay, quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 48 giờ/tuần, số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần” và đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để Quốc hội thảo luận và biểu quyết.
Hiện nay, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. Cụ thể, Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 12 ngày; Myanmar là 14 ngày; Philippines là 12 ngày; Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày; trong khi tổng số ngày nghỉ lễ, tết hiện nay của Việt Nam là 10 ngày. Bởi vậy Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giữ nguyên đề xuất cho người lao động cả nước được nghỉ thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm.
Đề xuất bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương
Phòng chống thiên tai luôn là việc làm cần thiết đối với Việt Nam khi hàng năm phải đối mặt với hàng chục cơn bão, lũ quét, sạt lở đất... |
Chính phủ đề nghị bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Sáng ngày 9/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 37.
Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo thực thi có hiệu quả pháp luật về phòng, chống thiên tai và đê điều.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự luật là việc đề xuất bổ sung Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương.
Xây dựng tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng tại miền Bắc
Các kho xăng dầu khu vực miền Bắc đang dần không thể đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. |
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, theo Đề án nghiên cứu phát triển tổng thể hạ tầng nhập khẩu LNG (Viện Năng lượng), hiện tại, khu vực các tỉnh Bắc Bộ (từ Ninh Bình trở ra) vẫn có nhu cầu bổ sung khí hóa lỏng LNG cho các hộ tiêu thụ ngoài điện khoảng 0,1 - 0,2 triệu tấn/năm, Mức này sẽ tăng tới 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Đến năm 2029, cùng với việc đưa vào vận hành nhà máy điện LNG miền Bắc đầu tiên, kho cảng LNG để cung cấp nhiên liệu cho nhà máy sẽ được vận hành và cho các hộ công nghiệp quy mô 2 triệu tấn/năm.
TP. Hải Phòng cũng là trung tâm phụ tải khí của các hộ tiêu thụ ngoài điện, từ đây có thể cấp đi các tỉnh trong bán kính 100km như: Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội,… Do đó, việc hình thành kho cảng LNG tại khu vực Hải Phòng với công suất khoảng 2 triệu tấn/năm là nhu cầu tất yếu để phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 3 và các hộ tiêu thụ ngoài điện thuộc các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ”, đại diện này cho hay.
Cũng theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, cùng với việc hình thành kho cảng LNG, nhu cầu xây dựng kho cảng khí hóa lỏng LPG (khí gas) cũng đang hiện hữu tại khu vực miền Bắc.
“Theo nghiên cứu, dự báo tổng nhu cầu tiêu thụ LPG tại khu vực miền Bắc vào khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Thực tế, khu vực miền Bắc chưa có cảng LPG chuyên dùng và thường làm hàng kết hợp với các bến xăng, dầu. Theo nhu cầu vận tải thực tế, cỡ tàu vận tải LPG có xu hướng lớn hơn, khai thác hiệu quả với cỡ tàu từ 40.000 - 50.000 DWT. Do vậy, cần thiết có bến hàng lỏng chuyên dùng LPG với công suất thông qua 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 2030”, đại diện này nói.
Xuất khẩu "hụt hơi" khi loạt khó khăn bủa vây
Nông sản Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường Trung Quốc siết chặt nhập khẩu. |
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa có tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn, chưa bằng 1/2 so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Dự báo, từ nay tới hết năm, tình hình vẫn khá ảm đạm khi xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đối diện nhiều khó khăn chất chồng.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương: Tính tới hết tháng 8, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng này khá thấp so với con số 19,9% và 16,7% của cùng kỳ năm 2017, 2018.
Bộ Công Thương đánh giá, thời gian tới, còn rất nhiều yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu. Đứng đầu danh sách chính là diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Qũy Tiền tệ Quốc tế đều cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang khiến tăng trưởng kinh tế thế giới, Trung Quốc và Mỹ bị chậm lại và có thể suy giảm mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế khác bị chịu nhiều ảnh hưởng vì cả hai đều là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước.
Bộ Công Thương cũng chỉ ra, thời gian tới, xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách nhà nước 8 tháng tăng 12,4%, tiếp tục có thặng dư
Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 1 triệu tỷ đồng. |
Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 8 ước đạt 100,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu NSNN 8 tháng ước đạt 997,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70,7% dự toán, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2018.
Ước tính cả nước có 55/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 65%) và 59 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Cân đối NSNN 8 tháng tiếp tục có thặng dư, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Tổng số đã phát hành được 152 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân là 13,48 năm, lãi suất bình quân là 4,89%/năm.
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đem về 33 tỷ USD
Điện thoại và linh kiện dẫn đầu nền kinh tế về giá trị xuất khẩu. |
Trong 8 tháng có 26 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước ước đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 8 tháng có 26 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD.
Thống kê cho thấy, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14,3%; hàng dệt may đạt 21,7 tỷ USD, tăng 9,8%; giày dép đạt 12 tỷ USD, tăng 13,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 11,3 tỷ USD, tăng 5,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7%.
Thành Công
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Tin tức kinh tế ngày 17/10: Việt Nam xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn phân bón trong 9 tháng
-
BRICS hấp dẫn thế nào mà hơn 30 quốc gia "săn đón"?
-
Tổng thống Putin đề xuất chiến lược kinh tế mới cho BRICS
-
[Infographic] Vì sao nói áp thuế VAT phân bón 5% nông dân được thụ hưởng?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 24/10: Giá dầu thế giới lấy lại đà tăng
-
Giá dầu hôm nay (24/10): Dầu thô tăng trong phiên