Tin tức kinh tế ngày 6/9: Trung Quốc tăng nhập khẩu, giá lợn hơi tăng phi mã
Giá xăng dầu hôm nay 6/9 tiếp tục xu hướng tăng mạnh |
Giá vàng hôm nay 6/9: Như quả bóng xì hơi, giá vàng rơi tự do |
Quả nhãn tươi Việt Nam sẽ có mặt tại thị trường Australia
Nhãn chín muộn Hà Nội xuất khẩu đi Australia. (Ảnh minh họa) |
Ngày 6/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xuất khẩu nhãn chín muộn Hà Nội và công bố nhãn chín muộn Hà Nội xuất khẩu đi Australia.
Trong dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức công bố nhãn chín muộn Hà Nội xuất khẩu đi Australia năm 2019. Theo đó, lô hàng nhãn đầu tiên từ huyện Hoài Đức, Hà Nội đã được chuyển vào Nam để chiếu xạ rồi xuất sang Australia. Dự kiến trong ngày 9/9, những quả nhãn của Việt Nam sẽ chính thức có mặt trên các kệ hàng tại Melbourne, Australia.
Như vậy, quả nhãn tươi Việt Nam đã có mặt tại hàng chục quốc gia trên thế giới; trong đó, có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Quả nhãn cũng là loại trái cây thứ 4 của nước ta được Australia cấp phép nhập khẩu sau quả vải, xoài và thanh long. Bộ Nông nghiệp Australia đã sang làm việc trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để hoàn thành nốt các thủ tục cuối cùng.
Trung Quốc tăng nhập khẩu, giá lợn hơi tăng phi mã
Giá lợn hơi tại các địa phương trên cả nước có xu hướng tăng mạnh. (Ảnh minh họa) |
Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 8, giá lợn hơi tại các địa phương trên cả nước có xu hướng tăng mạnh so với cuối tháng 7 do nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu thị trường tăng.
Tại miền Bắc, giá lợn hơi tiếp tục duy trì mức cao, ngày càng có nhiều địa phương xuất hiện mức giá trên 50.000 đồng/kg, tập trung ở khu vực đồng bằng sông Hồng, do nguồn cung ngày càng khan hiếm. Hiện giá lợn hơi tại miền Bắc trung bình nằm trong khoảng từ 45.000 đồng/kg – 50.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng trong xu hướng tăng mạnh so với cuối tháng 7, tăng khoảng 5.000 – 8.000 đồng/kg. Hiện giá lợn hơi dao động quanh mức 35.000 - 47.000 đồng/kg, nhiều nơi đang được đẩy lên cao ngang bằng so với miền Bắc.
Tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, giá lợn trung bình ở mức 39.000 đồng/kg – 41.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, hiện giá lợn dao động trong khoảng từ 36.000 - 42.000 đồng/kg.
Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, giá lợn sẽ tiếp tục tăng do Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt của Hoa Kỳ và có xu hướng chuyển qua nhập từ các nước khác trong đó có Việt Nam. Trong khi, lượng lợn thịt trong dân không còn nhiều. Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, với đà tăng này, giá thịt lợn hơi có thể lên mức 60.000 đồng/kg trong năm nay.
Ngành cao su gặp khó do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung
Hết tháng 8, xuất khẩu cao su ước đạt 963 nghìn tấn và 1,32 triệu USD. (Ảnh minh họa) |
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính tới hết tháng 8, xuất khẩu cao su ước đạt 963 nghìn tấn và 1,32 triệu USD, tăng 9,7% về khối lượng và tăng 7,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 1.376 USD/tấn, giảm 3,66% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc vẫn là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm thị phần lần lượt là 63%, 8,9% và 3,4%. Có thể thấy, thị trường Trung Quốc này thường xuyên chiếm hơn 60% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Trung Quốc hiện sử dụng khoảng 70% cao su tự nhiên cho ngành công nghiệp sản xuất lốp xe. Việc Mỹ áp thuế lên lốp xe nói riêng và các sản phẩm làm từ cao su nói chung của Trung Quốc khiến nhập khẩu cao su của nước này có xu hướng giảm.
Về thị trường cao su thế giới nói chung, Cục Xuất nhập (Bộ Công Thương) thông tin: Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường cao su tự nhiên thế giới thời gian tới vẫn khó khăn, đang bước vào chu kỳ giảm giá, đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết. Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ kéo kinh tế toàn cầu suy yếu, đồng nghĩa với nhu cầu hàng hóa giảm, trong đó có các sản phẩm cao su.
Xuất khẩu xơ sợ, nông sản sang Trung Quốc tụt dốc
Sản lượng xơ sợi xuất sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm đạt 531.230 tấn. (Ảnh minh họa) |
Trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước xuất khẩu 947.000 tấn xơ sợi dệt các loại, thu về gần 2,4 tỷ USD, tăng 11% về lượng, nhưng chỉ tăng 2,6% về kim ngạch. Riêng sản lượng xuất sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm đạt 531.230 tấn, kim ngạch trên 1,37 tỷ USD, giá xuất khẩu sang Trung Quốc giảm gần 10% so với cùng kỳ.
Chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của xơ sợi Việt Nam, nên khi Trung Quốc giảm nhập sợi, giá trị xuất khẩu xơ sợi của nước ta sụt giảm mạnh. Nguyên nhân suy giảm xuất khẩu của ngành sợi Việt Nam vào Trung Quốc thời gian vừa qua là do các nhà nhập khẩu sợi của Trung Quốc lập tức cắt giảm lượng sợi nhập khẩu để nghe ngóng tình hình, chỉ nhập khẩu số lượng tối thiểu, chứ không mua tích lũy như trước.
Số liệu xuất khẩu 8 tháng năm 2019 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy những nốt trầm của một số ngành hàng vốn phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Hầu hết mặt hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thủy sản đạt 5,4 tỷ USD, giảm 2,6%; rau quả đạt 2,5 tỷ USD, giảm 6%, gạo dù tăng nhẹ về lượng, nhưng giảm 14,2% về giá trị, đạt gần 2 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê chỉ đạt 2 tỷ USD, giảm tới 20%.
Việt Nam đóng góp tích cực vào hợp tác kinh tế khu vực
Sáng 6/9, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 51 (AEM 51) và các hội nghị liên quan đã khai mạc tại Bangkok. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự chuỗi các hội nghị.
Tại Hội nghị này, Việt Nam sẽ ký Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA). Trừ Philippines, đến nay đã có 9 nước ASEAN ký kết Hiệp định này nhằm tự do hóa sâu rộng hơn nữa lĩnh vực thương mại dịch vụ trong khối ASEAN.
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, sau 24 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, khu vực này đã trở thành một trong những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực ASEAN đã tăng hơn 9,5 lần, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên gần 56,3 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó kim ngạch xuất khẩu là 24,5 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 31,8 tỷ USD trong năm 2018.
Bên cạnh lợi ích về tăng trưởng kinh tế, việc hội nhập vào khu vực kinh tế ASEAN còn đem lại những tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN và cơ hội kinh doanh từ bên ngoài; tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học - công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lâm Anh (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 2/11: Chỉ số PMI ngành sản xuất tăng trưởng trở lại
-
Tin tức kinh tế ngày 1/11: Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt
-
Tin tức kinh tế ngày 31/10: Thị trường chứng khoán hồi phục bất ngờ
-
Tin tức kinh tế ngày 30/10: Phấn đấu CPI năm 2024 không vượt quá 4%
-
Tin tức kinh tế ngày 29/10: Giá vé máy bay Tết 2025 tăng 8 - 10%