Động lực nào khiến giá vàng tăng "phi mã"?
Giá vàng đã tăng khoảng 35% trong năm nay (Ảnh: Kitco) |
Giá vàng tiếp tục đà tăng lịch sử hôm nay (30/10), với giá tương lai tháng 12/2024 tăng 30,10 USD lên 2.785 USD/ouce, sau khi chạm mức cao trong ngày là 2.787,30 USD/ounce. Kim loại quý này đã chứng minh sức mạnh phi thường trong năm nay, với mức tăng khoảng 35% trong bối cảnh hội tụ nhiều động lực thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư.
Đợt tăng giá này diễn ra khi giá vàng giao ngay tăng hơn 31 USD lên 2.772,67 USD/ounce, phản ánh tâm lý thị trường đầy lạc quan, trong khi chỉ số USD về cơ bản vẫn đi ngang ở mức 104,363, chỉ giảm 0,02%.
Việc tăng giá lịch sử khoảng 35% của vàng trong năm nay là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố tạo nên một “cơn vũ bão”. Xung đột chính trị địa chính trị, bình thường hóa lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhu cầu tích trữ vàng mạnh mẽ kéo dài từ các ngân hàng trung ương toàn cầu, sự không chắc chắn về kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới và khả năng có thêm các biện pháp kích thích kinh tế mới là những động lực chính thúc đẩy giá vàng tăng cao.
Sự bất ổn địa chính trị đã làm gia tăng mối lo ngại của các nhà đầu tư. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra có một bước ngoặt mới với việc Triều Tiên được cho là đã triển khai 10.000 binh lính để hỗ trợ lực lượng Nga. Trong khi đó, căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang, với việc Quốc hội Israel gần đây đã cấm cơ quan cứu trợ Palestine của Liên Hợp Quốc hoạt động tại quốc gia này - một quyết định có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người Palestine dưới sự chiếm đóng của Israel.
Theo Dow Jones Newswires, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, đã tích cực mua vào khi họ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Nhu cầu bền vững của các tổ chức này đã hỗ trợ đáng kể cho giá vàng trong suốt cả năm.
Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ - thước đo lạm phát ưa chuộng của FED, sẽ được công bố vào tuần tới, vì các nhà đầu tư dự đoán FED sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong mỗi cuộc họp còn lại của Ủy ban Thị trường mở Liên bang trong năm nay. Sự điều chỉnh chính sách tiền tệ dự kiến này đã góp phần làm tăng sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn một tuần nữa, sự bất ổn chính trị đã nổi lên như một động lực chính khác thúc đẩy giá vàng. Cuộc đua căng thẳng giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đã tạo ra sự lo ngại đáng kể. Các nhà đầu tư đặc biệt tập trung vào những tác động tiềm ẩn về mặt tài chính, vì cả hai nhà lãnh đạo đều có thể thực hiện các biện pháp kích thích sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách và thúc đẩy lạm phát trong tương lai.
Sự kết hợp giữa bất ổn địa chính trị, dự kiến nới lỏng chính sách tiền tệ, nhu cầu mạnh mẽ của ngân hàng trung ương và bất ổn chính trị của Hoa Kỳ đã tạo ra điều mà các nhà phân tích gọi là "cơn vũ bão" đối với giá vàng. Khi các động lực này tiếp tục tiếp diễn, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ liệu giá vàng có thể vượt qua mốc tâm lý 2.800 USD/ounce trong thời gian tới hay không.
D.Q
Kitco
-
Động lực nào khiến giá vàng tăng "phi mã"?
-
Áp thuế GTGT 5% không có nghĩa sẽ làm tăng giá phân bón
-
Apple bị “soán ngôi” công ty giá trị nhất thế giới
-
Nông dân sẽ có lợi ích lâu dài khi doanh nghiệp phân bón phát triển ổn định
-
Chuyên gia thuế chỉ cách đo lường tác động áp 5% thuế GTGT đối với phân bón