Tin tức kinh tế ngày 4/9: Việt Nam sản xuất hơn 1,8 triệu tấn nhựa mỗi năm
Giá dầu thế giới 4/9 đồng loạt giảm sâu |
Giá vàng hôm nay 4/9: Lo ngại tăng cao, giá vàng nhảy vọt lên đỉnh 6 năm |
Việt Nam sản xuất hơn 1,8 triệu tấn nhựa mỗi năm
Hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra tại Việt Nam mỗi năm. (Ảnh minh họa) |
Theo một báo cáo mới được công bố bởi công ty nghiên cứu thị trường Ipsos (Pháp), hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra tại Việt Nam mỗi năm và chỉ có 27% túi nhựa được tái chế. Cùng với đó, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ trở thành "bãi rác toàn cầu", với lượng rác thải nhựa nhập khẩu tăng 200% trong năm 2018.
Ông Quách Tấn Phong, Giám đốc bộ phận tư vấn kinh doanh Ipsos Việt Nam dẫn chứng số liệu từ báo cáo, tiêu thụ nhựa Việt Nam bình quân đầu người tăng đáng kể từ 3,8kg lên 41kg trong giai đoạn 1990-2015 (tăng 10% mỗi năm liên tục) khiến chất thải nhựa ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới.
“Đến năm 2050, biển Việt Nam có nguy cơ chứa nhiều rác thải nhựa hơn cả cá nếu không có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn tình trạng này”, ông Quách Tấn Phong nói và kỳ vọng vào mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã đặt ra khi loại bỏ nhựa sử dụng một lần bằng cách cấm túi nhựa sử dụng một lần tại tất cả các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống vào năm 2021 và trên cả nước vào năm 2025.
Trái cây Việt mất giá vì Trung Quốc siết đầu vào
Giá dưa hấu và thanh long đã giảm 50% so với tháng trước. (Ảnh minh họa) |
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tháng 8 vừa qua, tỉnh Tiền Giang có 3 loại trái cây bị mất giá nặng nề là dưa hấu, dừa xiêm và thanh long. Tại thời điểm này, giá dưa hấu và thanh long đã giảm 50% so với tháng trước. Dừa xiêm từ 90.000 đồng/chục giảm xuống còn 40.000 đồng/chục.
Cơ quan này cho biết, nguyên nhân giảm giá là nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc không ổn định, đồng thời kiểm soát chặt chẽ vận chuyển qua lại cửa khẩu khiến cho đầu ra của trái cây bấp bênh. Phía Trung Quốc đã siết thêm các quy định về bao bì và truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu của Việt Nam như dưa hấu, thanh long, vải, chuối, nhãn, mít, xoài, chôm chôm, khiến cho trái cây Việt Nam xuất qua thị trường này gặp nhiều khó khăn.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam - trong tháng 7 vừa qua giảm tới 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 144,2 triệu USD.
Theo dự báo, năm 2019 thị trường Trung Quốc sẽ nhập khẩu trái cây với giá trị vượt 10 tỉ USD. Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu rau quả của thị trường Trung Quốc đã tăng lên 3,1 tỉ USD, vượt 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm
Tính chung 8 tháng năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 5.228,6 nghìn tấn. (Ảnh minh họa) |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2019, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 712,6 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 502,3 nghìn tấn, tăng 5,1%; tôm đạt 103,2 nghìn tấn, tăng 6,1%; thủy sản khác đạt 107,1 nghìn tấn, tăng 2,4%.
Tính chung 8 tháng năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 5.228,6 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.727,5 nghìn tấn, tăng 6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.501,1 nghìn tấn, tăng 4,8% (sản lượng khai thác biển đạt 2.380,7 nghìn tấn, tăng 4,9%).
Mặc dù có thế mạnh về nuôi trồng, khai thác và xuất khẩu thủy sản, song đến nay Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực, do đó sản phẩm thủy sản Việt Nam lệ thuộc nhiều vào biến động thị trường, lợi nhuận thấp và chịu sức ép cạnh tranh lớn.
Năm 2018 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9 tỉ USD, đây là động lực để Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD trong năm 2019. Tuy nhiên, đến nay, điều khá quan ngại là trong 8 tháng, hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng lĩnh vực thủy sản đạt 5,4 tỉ USD, giảm 2,6%. Điều này đang làm dấy lên không ít lo ngại về việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đề ra cho cả năm 2019.
3,45 tỉ USD kiều hối chảy về TP. Hồ Chí Minh
Ước tính 8 tháng đầu năm 2019, nguồn kiều hối chảy về TP HCM đạt 3,45 tỷ USD. (Ảnh minh họa) |
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, ước tính 8 tháng đầu năm 2019, nguồn kiều hối chảy về TP HCM đạt 3,45 tỉ USD và dự kiến cả năm nay, nguồn kiều hối chuyển về thành phố đạt trên 5 tỉ USD.
Theo đó, kiều hối vẫn đổ mạnh về Việt Nam do kinh tế vĩ mô trong nước thời gian qua ổn định và sức ép tăng tỷ giá do tâm lý thị trường bị loại bỏ, nên người nhận kiều hối dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng và gửi tiết kiệm.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2018, lượng kiều hối về Việt Nam đạt gần 16 tỉ USD, trước đó, năm 2017 là 13,8 tỉ USD, năm 2016 là 11,88 tỉ USD .
Theo tính toán của WB, kiều hối gửi về nước ta có xu hướng tăng mạnh, mức độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 10%.
Dự báo trong năm nay, lượng kiều hối sẽ tiếp tục chảy mạnh về Việt Nam dù thế giới có nhiều biến động. Nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm nay được giới phân tích tài chính tiếp tục đánh giá tích cực do chính sách điều hành tỷ giá ổn định.
Mỗi ngày Hải quan thu gần 800 tỉ đồng cho ngân sách
Báo cáo vừa công bố của Tổng cục Hải quan cho biết, ước thu ngân sách Nhà nước toàn ngành tính đến hết tháng 8/2019 đạt 233.100 tỉ đồng, bằng 77,6% dự toán, đạt 73,88% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, trung bình mỗi ngày đơn vị này thu về cho ngân sách khoảng gần 800 tỉ đồng.
Vẫn theo báo cáo, trong tháng 8, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 47,3 tỉ USD, tăng 3% so với tháng trước. Với kết quả này, ước tính 8 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước dự kiến đạt 336,56 tỉ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ 2018.
Cán cân thương mại xuất siêu khoảng hơn 3,4 tỷ USD, giảm 29,9% so với con số của 8 tháng năm trước.
Tổng cục Hải quan cũng cho hay, để đảm bảo thu đạt chỉ tiêu dự toán (300.500 tỉ đồng) và chỉ tiêu phấn đấu được giao năm 2019 (315.500 tỉ đồng), toàn ngành Hải quan sẽ tập trung nhiệm vụ chống thất thu và thu hồi, xử lý nợ thuế, giám sát chặt chẽ các tờ khai xuất nhập khẩu, không để nợ mới phát sinh.
Lâm Anh (t/h)
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11