Tin tức kinh tế ngày 11/9: Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng ấn tượng
Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng ấn tượng
Doanh nghiệp Việt Nam khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng ổn định gần 14%. |
Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã tăng 13,9% (đạt 52,04 tỷ USD), cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỷ USD, tăng 4,6%.
Thống kê vừa được Bộ Công Thương công bố, trong 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 - 2018 (tăng tương ứng 19,9% và 16,7%) nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biễn phức tạp.
Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của khu vực kinh tế trong nước tăng 13,9% (đạt 52,04 tỷ USD), cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỷ USD, tăng 4,6%, qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,8%).
Doanh nghiệp FDI tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy). |
Ngày 11/9, Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức lễ khai mạc Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) năm 2019.
Hội nghị thu hút sự tham gia của 25 doanh nghiệp (DN) FDI, DN sản xuất kinh kiện đầu cuối, trong đó có các DN lớn như Samsung, Daeyong Harness, Nipro, Panasonic, Bosch… với 220 chi tiết linh kiện sản phẩm, điện tử, cơ khí, tự động hoá, máy bay, ô tô, xe máy, y tế… đang tìm nhà cung cấp sẽ kết nối với 70 DN CNHT của Việt Nam. Dự kiến sẽ có khoảng 300 cuộc kết nối trực tiếp tại hội nghị.
Theo Sở Công Thương TPHCM, hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 với sự tham gia của 17 DN FDI sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối thuộc lĩnh vực ô tô, điện tử và cơ khí, tham gia kết nối với khoảng 80 DN CNHT của Việt Nam với 242 cuộc kế nối trực tiếp.
Theo thông tin từ 80 DN CNHT tham gia kết nối trong năm 2018 có 92% nhà cung cấp đánh giá nhà mua hàng là khách hàng tiềm năng; 36,4% nhà mua hàng đề nghị nhà cung cấp gửi bảng báo giá; 47,5% nhà mua hàng đề nghị đi thăm nhà máy của nhà cung ứng; 85,8% đồng ý tiếp tục gặp gỡ trao đổi sau cuộc tiếp xúc tại hội nghị và trên 95% đánh giá hài lòng về công tác tổ chức.
Về phía 17 DN đầu cuối đánh giá có 62% nhà cung cấp tiếp xúc trực tiếp là có tiềm năng; 51% được đi thăm nhà máy sau cuộc tiếp xúc.
Chốt đề xuất phương án nghỉ 7 ngày Tết nguyên đán 2020
Chốt đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. |
Nếu Chính phủ chấp thuận, người lao động sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán 2020 tổng cộng 7 ngày, gồm 2 ngày cuối năm Kỷ Hợi, 3 ngày đầu năm Canh Tý và 2 ngày nghỉ bù do trùng thứ bảy, chủ nhật.
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, Cục đã trình Chính phủ duy nhất phương án 1 nghỉ Tết Nguyên đán năm 2020. Với phương án này cùng với 2 ngày nghỉ bù, dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý (2020) kéo dài 7 ngày.
Người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay 100% vốn ưu đãi
Công dân Việt Nam thuộc địa phương nghèo đi xuất khẩu lao động sẽ được ưu tiên vay vốn. |
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 27/2019/QĐ-TTg về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020.
Cụ thể, điều kiện cho vay gồm: Người lao động có hộ khẩu thường trú từ 12 tháng trở lên tại các huyện nghèo, có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc và đã ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định của pháp luật; Mức vốn vay tối đa bằng 100% chi phí người lao động đóng theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật. Người lao động được vay vốn theo quy định nêu trên mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Về lãi suất cho vay, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; người lao động khác tại huyện nghèo được vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% so với lãi suất vay vốn quy định nêu trên.
Khuyến cáo doanh nghiệp cẩn trọng với Công ty Eden Agro Food Sarl của Maroc
Giao thương quốc tế cần sự cẩn trọng và chắc chắn. |
Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, DN Việt không giao dịch với Công ty Eden Agro Food Sarl của Maroc.
Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Moroc, Công ty Eden Agro Food Sarl có biểu hiện không trung thực trong giao dịch nhập khẩu, đưa ra nhiều yêu sách đối với bên xuất khẩu và tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng đã ký kết. Có biểu hiện cấu kết với ngân hàng chi nhánh để lảng tránh nghĩa vụ thanh toán.
Cho đến nay, 01 công ty của Việt Nam đã gặp trục trặc do bán hàng cơm dừa cho Công ty này. Khi hàng đến cảng Maroc, Công ty Eden từ chối nhận hàng. Bằng các nhiều biện pháp, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc đã thuyết phục được Công ty này lấy hàng và thanh toán 50% số tiền.
Theo thỏa thuận giữa hai bên doanh nghiệp, số tiền còn lại được ký quỹ tại ngân hàng thu hộ. Tuy nhiên, Công ty Eden tiếp tục tìm mọi cách gây khó dễ, có biểu hiện cấu kết với ngân hàng chi nhánh lẩn tránh nghĩa vụ thanh toán, trái lại với thông lệ giao dịch quốc tế.
Xét thấy đây là trường hợp nghiêm trọng, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Moroc khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam biết và không giao dịch với công ty Maroc nêu trên, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.
Tùng Dương
-
Xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng bứt phá
-
Tin tức kinh tế ngày 5/11: Xuất nhập khẩu gạo 10 tháng lập kỷ lục
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 9 tháng năm 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 3/10: Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 18/11: Cua ghẹ Việt Nam “đắt hàng” tại Trung Quốc
-
Vì sao vàng không còn “lấp lánh” sau chiến thắng của Donald Trump?
-
VPBank lọt Top 10 Doanh nghiệp vốn hóa lớn có Quản trị công ty tốt nhất năm 2024
-
Agribank đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn - tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng
-
Bắc Giang dẫn đầu về tốc độ tăng IIP 10 tháng