Tin tức kinh tế ngày 10/9: Dự báo nhập siêu ô tô năm 2019 sẽ cán mốc 3,4 tỉ USD
Tỷ lệ hộ nghèo mới phát sinh cao
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát trình bày tại cuộc họp |
Chiều 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”.
Kết quả giám sát cho thấy, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản địa bàn khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Đến nay, đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm trung bình khoảng 3,5%/năm.
Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy, kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững, một số kết quả chưa thực chất, chất lượng giảm nghèo chưa cao. Giai đoạn 2016-2018, số huyện được công nhận thoát nghèo đạt tỷ lệ thấp 8/64 huyện (12,5%); 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; tuy nhiên giai đoạn này lại phát sinh, bổ sung 13 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a.
Hàng Việt trước cơ hội bứt phá xuất khẩu vào Mỹ
Nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội nhận được đơn hàng lớn từ Mỹ |
Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là các thị trường như EU đạt 27,7 tỷ USD, giảm 0,5%; Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD, giảm 2,5%...
Điểm dễ nhận thấy là, tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt.
Bộ Công Thương đánh giá, những tháng cuối năm sẽ là giai đoạn cao điểm cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử tiêu dùng (điện thoại, ti vi...) khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Các dòng sản phẩm điện thoại của Samsung dự kiến ra mắt vào quý III/2019 sẽ hỗ trợ cho ngành sản xuất điện thoại và linh kiện trong khi giai đoạn Lễ Tạ ơn và Giáng sinh (quý IV) là cao điểm cho mua sắm tiêu dùng.
Riêng đối với thị trường Mỹ, Bộ Công Thương dự báo: Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng tích cực khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, chiếm lĩnh thị phần, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu và tăng khả năng xuất khẩu thì sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề cập tới việc, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ. Theo đó, 31 doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%. Trong danh sách có rất nhiều doanh nghiệp lớn như Minh Phú, CP Việt Nam, Camimex...
Mức thuế 0% này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu sang thị trường Mỹ, kỳ vọng các đơn hàng sẽ nhiều hơn trong thời gian tới.
Dự báo nhập siêu ô tô năm 2019 sẽ cán mốc 3,4 tỉ USD
Ô tô nhập khẩu vẫn tăng mạnh trong những tháng qua |
Thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giá giảm đối với tất cả các phân khúc do nguồn cung từ nhập khẩu, cũng như sản xuất trong nước đang dồi dào.
Bộ Công Thương mới đây đã có đánh giá về sản xuất ô tô nói riêng và thị trường ô tô nói chung. Về sản xuất ô tô, Bộ cho biết sản lượng sản xuất ô tô tháng 8 đạt 30.400 chiếc, giảm 3,7% so với tháng trước và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung cả 8 tháng, sản lượng sản xuất ô tô tăng 10,7% so với cùng kỳ khi đạt khoảng 15.600 chiếc.
Bộ dự báo sang quý 4 thị trường ô tô sẽ ổn định để đón dịp cao điểm mua sắm ô tô cuối năm. Từ đâu năm đến nay, lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng liên tục, có thời điểm tăng trên 600% với xe 9 chỗ ngồi trở xuống.
Trước dự báo về việc nhập siêu của ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, không chỉ các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu mà còn là thách thức trong kiểm soát thị trường nội địa và kiểm soát nhập siêu.
Trong thời gian tới, khi EVFTA được thông qua, các sản phẩm ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên của hiệp định này cũng sẽ có giá cạnh tranh hơn nhờ các ưu đãi thuế quan. Điều này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng, cần phải tính toán tất cả các phương án, dư địa có thể sử dụng kể cả các sắc thuế nội địa trên cơ sở phù hợp với các cam kết hội nhập… để có chính sách đồng bộ, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia gắn với bảo vệ thị trường nội địa, doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng, nhằm phát triển được ngành công nghiệp ô tô trong nước - một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm được xác định ưu tiên phát triển.
Ô tô hiện là 1 trong 33 mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD trong 8 tháng qua. Trong giai đoạn này, kim ngạch nhập khẩu ô tô đạt 4,9 tỷ USD, tăng 60,3% so với cùng kỳ năm trước.
Sửa đổi Nghị định 116
Trên cơ sở thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP (NĐ 116) thời gian qua, để quản lý ô tô nhập khẩu hợp lý trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, đề xuất mới nhất của Bộ Công Thương lên Chính phủ là “duy trì thực hiện NĐ 116”. Tuy nhiên sẽ có những điểm trong nghị định này được sửa đổi.
Ngày 17/10/2017, Chính phủ đã ký ban hành NĐ 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Thực hiện NĐ 116, tính đến hết tháng 6/2019, Bộ Công Thương đã cấp 46 Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, (trong đó có 30 doanh nghiệp Việt Nam và 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và 36 Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô cho 29 doanh nghiệp (riêng Thaco 6 giấy và Hyundai Thành Công 3 giấy).
Theo Bộ Công Thương, các vướng mắc liên quan đến quy định NĐ 116 thuộc chức năng của Bộ Công Thương đã được giải quyết. Đơn cử như việc nhập khẩu xe chở tiền theo thiết kế ngân hàng, hay ô tô nhập khẩu về cảng trước ngày ban hành NĐ 116…
Dự thảo sửa đổi, bãi bỏ các quy định về điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, an toàn phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy (khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP). Như vậy việc quản lý nhà nước sẽ chuyển hướng từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các điều kiện này mà sẽ không đặt ra trong điều kiện cấp giấy phép kinh doanh.
Nhu cầu tiêu thụ than cuối năm tiếp tục ở mức cao
Nhu cầu than sử dụng cho các nhà máy điện vào cuối năm vẫn ở mức cao |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình khai thác than trong 8 tháng đầu năm 2019, sản lượng than sạch ước đạt 31,58 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ.
Lượng than cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều đạt ở mức cao so với kế hoạch năm và vượt so với cùng kỳ năm 2018 do nhu cầu than của các nhà máy nhiệt điện được huy động phát ở mức cao.
Quý III và các tháng cuối năm nhu cầu về than vẫn ở mức cao, trong khi điều kiện sản xuất sẽ khó khăn hơn do bước vào mùa mưa bão.
Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất than lớn tiếp tục chủ động, linh hoạt trong điều hành, tập trung sản xuất, chế biến than đáp ứng yêu cầu thị trường; đặc biệt là đảm bảo than cho điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; tăng cường cơ giới hóa tự động hóa, đồng bộ dây chuyền sản xuất để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ tài nguyên trong ranh giới đã được cấp phép khai thác và ranh giới quản lý tài nguyên, kiên quyết chống thất thoát than từ bên trong mỏ, siết chặt quản lý than đầu nguồn.
Thành Công
-
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt
-
Tin tức kinh tế ngày 1/11: Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh cho doanh nghiệp
-
Lệnh tạm dừng cấp phép LNG của Hoa Kỳ thúc đẩy bùng nổ xuất khẩu ở Canada và Mexico
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11