Cần những kỹ năng nào để làm việc trong môi trường đa văn hóa?
Nền kinh tế nước ta đang bước vào chu kỳ phát triển nhanh chưa từng thấy, mở ra hàng ngàn cơ hội việc làm với thu nhập ngày càng cao trong các doanh nghiệp có yếu tố đa văn hoá (doanh nghiệp FDI, văn phòng đại diện tổ chức quốc tế...). Theo báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm đối với thanh niên giai đoạn 2020-2023 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội, năm 2021 bình quân mỗi lao động Việt Nam làm ra 171,8 triệu đồng, tăng 2,5 lần so với 10 năm trước đó (70,3 triệu đồng), tốc độ tăng trưởng năng suất lao động đạt 6%.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Loan tại Diễn đàn quốc gia thường niên về văn hoá kinh doanh Việt Nam năm 2024. |
Mặt khác, với nỗ lực không ngừng trong cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt là định hướng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp chất lượng cao (công nghệ thông tin, bán dẫn…) trong những năm tới sẽ thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng như tạo thêm lượng việc làm có thu nhập cao hơn cho người Việt. Chính vì vậy, việc đặt ra những mục tiêu, định hướng cụ thể cho thị trường lao động nói chung, giới trẻ Việt Nam nói riêng để làm việc và tồn tại trong môi trường đa văn hoá là rất cần thiết.
Tại diễn đàn quốc gia thường niên về văn hoá kinh doanh năm 2024 vừa qua, PGS. TS Nguyễn Thị Bích Loan - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại đã chia sẻ, nhân lực là hồn cốt trong sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt trong môi trường đa văn hóa thời đại công nghiệp 4.0, yếu tố nhân lực là hết sức quan trọng. Môi trường đa văn hóa trong đó các nền văn hóa cùng tồn tại và tương tác, chính vì vậy việc đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu cũng như thích ứng môi trường đa văn hóa là yêu cầu bức thiết được đặt ra với ngành giáo dục.
Trong nhiều năm qua, các trường đại học đã nỗ lực triển khai đổi mới toàn diện giáo dục để có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xã hội, trong môi trường đa văn hoá. Trong đó, nhiều trường đại học đã thành công đóng góp cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao được sử dụng hiệu quả trong môi trường kinh doanh các doanh nghiệp trong môi trường đa văn hoá. Cùng với sự phát triển của đất nước và các doanh nghiệp hiện nay, cần phải có rất nhiều giải pháp khác nhau để phát triển nguồn nhân lực trong nước cũng như quốc tế.
Trước tiên phải có nhận thức đúng đắn về môi trường đa văn hoá, chấp nhận thách thức đa văn hoá mang lại và coi đó như một cơ hội, động lực cho sự phát triển. Chúng ta cũng cần có sự đầu tư, chiến lược dài hơi. Đơn cử, những năm qua, trường Đại học Thương mại đã có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các trường đại học nước ngoài để có thể đào tạo nhân lực có tính toàn cầu. Tập trung phát triển các chương trình đào tạo có tính hoà nhập cao, tiên tiến, quốc tế.
Trước đây, khi xây dựng chương trình đào tạo chúng ta thường lấy của nước ngoài làm mẫu. Nhưng bây giờ thì khác, chúng ta chấp nhận các chương trình học các nước vào Việt Nam đồng thời cũng lồng ghép những đặc trưng của môi trường kinh doanh của nước ta vào bài giảng, đồng thời cập nhật kiến thức tiên tiến để các sinh viên có thể tiếp cận ngay kiến thức mới trên thế giới từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Mỗi doanh nghiệp đều có những nét văn hoá riêng, người lao động chính là hiện thân của văn hoá đó. |
Được biết, bên cạnh các giáo trình giảng dạy, các trường Đại học Việt Nam cũng hướng tới các chuẩn hoá mang tính toàn cầu, hệ thống đào tạo mở cho sinh viên như vừa học vừa làm, tự học là chính, phát huy tự do sáng tạo… Rất nhiều trường đại học liên kết đào tạo theo chuẩn quốc tế dạng học từ xa, đảm bảo chất lượng đào tạo để sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, giảm chi phí đào tạo lại. Đáng lưu ý là một số trường đại học đã quan tâm đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên.
Cũng theo TS Bích Loan, những năm vừa qua Đại học Thương mại tập trung đào tạo các kỹ năng quan trọng như giao tiếp bởi đây chính là điều bất lợi của người Việt Nam khi làm việc trong môi trường Đa văn hoá. Tiếp theo là kỹ năng làm việc nhóm, cần phải có sự hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau dẫn tới sự hoà hợp văn hoá. Ngoài các kỹ năng chung trên, chúng tôi cũng phát triển cho sinh viên những năng lực đặc biệt như lãnh đạo, quản lý, quản trị.
Đặc biệt là kỹ năng thích ứng và quản trị sự thay đổi trong môi trường đa văn hoá khi thị trường có nhiều yếu tố biến động rất lớn đối với các doanh nhân. Kỹ năng đặc biệt nữa là xử lý xung đột và quản trị rủi ro trong môi trường đa văn hoá. Đơn cử như trong môi trường đa văn hoá là sự khác biệt giữa ngôn ngữ, phong tục tập quán… có thể tạo ra rào cản, sự xung đột. Bởi vậy, nếu không có khả năng quản trị, xử lý những xung đột nêu trên thì sự hoà nhập của nhân sự vào doanh nghiệp rất khó khăn, thiếu hiệu quả.
Có thể thấy rằng, kinh tế nước ta đang phát triển nhanh theo hướng toàn cầu hoá nên các doanh nghiệp mang yếu tố đa văn hoá sẽ ngày càng nhiều. Bởi vậy, việc trang bị kiến thức, kỹ năng để làm việc, kinh doanh hiệu quả trong các doanh nghiệp đa văn hoá là thực sự cần thiết đối với từng người, đặc biệt là giới trẻ.
Bùi Công