Nga chính thức quốc hữu hóa tài sản của hãng xe Pháp
Công nhân Nga trong một nhà máy sản xuất của hãng Renault tại Nga (Ảnh: AFP). |
Tass đưa tin, Bộ Công nghiệp và Thương mại Liên bang Nga cho biết cổ phần của nhà sản xuất ô tô Renault của Pháp tại Nga đã được chuyển giao cho chính quyền thành phố Moscow và NAMI, một trung tâm nghiên cứu được nhà nước hậu thuẫn.
Theo quyết định trên, chính quyền thủ đô Moscow sẽ sở hữu 100% cổ phần của Renault tại Nga. Trong khi đó, 67,69% cổ phần của Renault trong Avtovaz sẽ được chuyển giao cho NAMI.
Được biết, Avtovaz là một nhà sản xuất ô tô nổi tiếng của Nga và là hãng đã chế tạo ra dòng xe ô tô Lada huyền thoại dưới thời Liên Xô. Hiện tại, Renault đang là chủ sở hữu của Avtovaz khi sở hữu gần 70% cổ phần của nhà sản xuất ô tô Nga này.
Sau khi số cổ phần của Renault được chuyển giao về NAMI, Avtovaz vẫn sẽ tiếp tục lắp ráp toàn bộ dòng sản phẩm xe Lada tại các nhà máy của hãng. Bên cạnh đó, hãng cũng sẽ cung cấp dịch vụ bảo hành và bảo dưỡng cho các dòng xe Renault tại thị trường Nga.
Bộ Công nghiệp và Thương mại Liên bang Nga cũng tiết lộ thỏa thuận chuyển giao cổ phần cho NAMI có bao gồm một quyền lựa chọn kéo dài 6 năm để mua lại cổ phần của Renault tại Avtovaz.
"Bằng cách chuyển cổ phần của Tập đoàn Renault sang quyền sở hữu nhà nước, Nga sẽ có thể duy trì quyền kiểm soát Avtovaz và đảm bảo khả năng hoạt động của công ty trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang ngày một gia tăng", Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov cho biết. Động thái này cũng sẽ cho phép công ty duy trì năng lực chính, chu kỳ sản xuất và việc làm cho người lao động, ông nói thêm.
Renault SA là một hãng xe lâu đời của Pháp với bề dày hơn 120 năm lịch sử. Được thành lập vào ngày 25/2/1899 bởi gia đình Renault, công ty này được biết đến với nhiều mẫu thiết kế và công nghệ mang tính cách mạng, đặc biệt là công nghệ động cơ xe đua F1. Doanh thu năm 2021 của hãng đạt hơn 46 tỷ euro và lợi nhuận đạt 970 triệu euro.
Hiện nay, Renault đã có mặt tại 118 quốc gia với 5 thương hiệu: Renault, Alpine, Dacia, Samsung Motors và Lada. 5 thị trường lớn nhất của Renault là: Pháp, Brazil, Đức, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù Nga là một trong những thị trường lớn nhất của hãng, Renault vẫn quyết định dừng mọi hoạt động kinh doanh và rút khỏi thị trường này để hưởng ứng các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Được biết, chính phủ Pháp có sở hữu khoảng 15% cổ phần của nhà sản xuất xe hơi này.
Theo Dân trí
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí