Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí
Trước đó, Dự thảo Luật này đã đề xuất quy định thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập từ các hoạt động báo chí ngoài báo in, trong khi đối với báo in, mức thuế suất ưu đãi 10% sẽ được duy trì như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã đưa ra các ý kiến, đề xuất bổ sung chính sách thuế nhằm hỗ trợ các lĩnh vực động lực, trong đó có báo chí và văn hóa.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, khi điều chỉnh các chính sách thuế, cơ quan soạn thảo cần hết sức thận trọng để đảm bảo sự cân đối giữa phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội. Ông đề nghị, đối với các lĩnh vực có tính động lực tăng trưởng như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số, văn hóa, báo chí, cần phải có chính sách ưu đãi thuế cụ thể.
Theo đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất giảm thuế TNDN đối với hoạt động báo chí và văn hóa xuống còn 10%, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, truyền thông có thể đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số.
Theo đại biểu Ngân, báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong thời bình. Báo chí không chỉ là công cụ đấu tranh với các thông tin giả, xấu độc mà còn góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời phản ánh các mô hình hay và thông tin tích cực. Do đó, ông Ngân nhấn mạnh rằng, trong giai đoạn đầu, các lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số, văn hóa và báo chí nên được miễn thuế TNDN hoặc chịu mức thuế thấp nhất.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP HCM) cho rằng việc áp dụng ưu đãi thuế cho lĩnh vực văn hóa và báo chí là phù hợp, đặc biệt là đối với các đơn vị báo in. Ông đề nghị dự thảo Luật cần xem xét giảm thuế sâu hơn đối với các đơn vị báo in, xuống mức khoảng 5%, để hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của các đơn vị này, nhất là trong bối cảnh độc giả ngày càng chuyển sang sử dụng báo điện tử nhiều hơn.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) |
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cũng đồng tình với việc áp dụng mức thuế TNDN 10% đối với tất cả các loại hình báo chí. Theo đại biểu Nghĩa, báo chí không chỉ là một ngành kinh doanh thuần túy mà còn là hoạt động chính trị - xã hội có vai trò và tính định hướng rất lớn đối với xã hội. Do đó, báo chí cần được hỗ trợ để duy trì sự phát triển và hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Đại biểu Nghĩa cũng cho biết, các cơ quan báo chí hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo đang dần chuyển sang các nền tảng mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến khác, khiến đời sống của các phóng viên gặp nhiều vất vả. Nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời, việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và phát triển ngành báo chí sẽ gặp khó khăn.
Huy Tùng
-
Sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế
-
Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi mở rộng đất làm nhà ở thương mại
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Tin tức kinh tế ngày 22/11: Thép nhập khẩu giá rẻ liên tiếp "đổ" về Việt Nam
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí
-
Sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế
-
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 23,28 tỷ USD
-
[Infographic] Hàng không Việt "cất cánh" trong quý III/2024