TKV và áp lực gia tăng sản lượng
Nhu cầu than bắt đầu tăng mạnh
Sau 20 năm, TKV đã có bước phát triển vượt bậc về công tác quản lý cũng như đổi mới công nghệ khai thác. Theo báo cáo, sản lượng hằng năm của ngành than đã tăng gấp 7 lần, năng suất cũng tăng gấp 4 lần so với khi mới thành lập TKV, đáp ứng đủ nhu cầu than trong nước và dành một phần hợp lý để xuất khẩu. Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm TKV sản xuất khoảng 40 triệu tấn than sạch. Tuy nhiên, than xuất khẩu lại giảm dần qua từng năm để phục vụ nhu cầu trong nước. Do nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện là rất lớn nên trong giai đoạn 2016-2020, sẽ phải nhập khẩu khoảng 20-30 triệu tấn than.
Theo tính toán, số than phải nhập khẩu này ước gấp 2-3 lần năng lực sản xuất của toàn ngành than hiện tại. Điều này khiến Việt Nam đang đứng trước thách thức sẽ phải nhập khẩu 40-50 triệu tấn/năm trước khi bước sang năm 2020. Bên cạnh đó, việc gia tăng sản lượng cũng tạo sức ép không nhỏ cho TKV khi khai thác ngày càng xuống sâu, nguy cơ bục nước, khí, cháy nổ cao, cung độ vận chuyển tăng, hệ số đất tăng; các chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió, an toàn bảo hộ lao động, môi trường đều tăng cao. Cộng thêm các loại thuế, phí ngày càng tăng, khiến giá thành tăng cao.
Dưới góc nhìn của các nhà khoa học, Việt Nam không phải là quốc gia có tiềm năng lớn về khoáng sản năng lượng, trong đó có than đá, mặc dù có trữ lượng nhiều tỉ tấn nhưng ngày càng phải khai thác sâu hơn. Bể than sông Hồng chẳng hạn, tuy được dự báo vài trăm tỉ tấn, nhưng nằm ở độ sâu hàng ngàn mét dưới lòng đất, điều kiện khai thác cực kỳ khó khăn, phức tạp cả về công nghệ, an sinh xã hội lẫn môi trường.
Nhân lực và nguồn than
Để vượt qua thách thức đó, những năm gần đây, TKV đã có chủ trương tập trung cho phát triển ngành than. TKV đã thoái vốn tại nhiều ngành nghề khác để đi vào mũi nhọn sản xuất than. Nhiều mỏ than mới đã được TKV khởi công xây dựng, đang trong quá trình đào lò xây dựng cơ bản như: Dự án mỏ than hầm lò Núi Béo, khai thác xuống đến mức -400, có sản lượng khai thác 2,5 triệu tấn với mức đầu tư trên 5.000 tỉ đồng; Dự án Khe Chàm II-IV khai thác xuống đến mức -500, sản lượng thiết kế 3,5 triệu tấn với mức đầu tư lên đến gần chục ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, TKV cũng đang mở rộng các mỏ than Mạo Khê, Mông Dương, Quang Hanh, Dương Huy, Thống Nhất, Hà Lầm xuống khai thác đến mức -300. Riêng đối với dự án xuống sâu của Hà Lầm cũng đang vào giai đoạn hoàn thiện, có thể ra than trong 1,2 năm tới.
Mặc dù TKV đầu tư nhiều dự án như vậy, nhưng sản lượng khai thác không phải là sẽ tăng cao ngay trong những năm tới, vì trên thực tế nhiều mỏ đã đi vào giai đoạn khấu vét theo thiết kế cũ. Những dự án này nhằm duy trì được sản lượng của đơn vị đó như: Mỏ than Khe Chàm III ra đời thay thế cho mỏ than Khe Chàm I; Dự án Khe Chàm II-IV thay thế cho các mỏ nhỏ của Công ty Than Hạ Long đã dần cạn kiệt; Mỏ than hầm lò Núi Béo thay thế cho mỏ lộ thiên Núi Béo hiện nay v.v… Còn các dự án khác đều mang tính mở rộng mỏ, duy trì sản lượng.
Một yếu tố khác cũng là thách thức của TKV trong việc gia tăng sản lượng khai thác than như: Về nhân lực, do ngành than như đã nói ở trên, có đặc thù là ngành công nghiệp nặng nhọc, nguy hiểm, nên mặc dù ngành than đã chi phí nhiều trong việc chăm lo đến người lao động về nhà ở, đi lại, ăn uống, thu nhập… nhưng vẫn không thu hút được lao động. Nếu không có lao động, đặc biệt là thợ lò thì TKV khó có thể tăng sản lượng khai thác lên cao, vì cho đến nay máy móc vẫn cơ bản chưa thể thay thế được con người trong khai thác than. Về giá thành khai thác ngày càng cao do phải đưa mỏ xuống sâu hơn. Mỏ càng xuống sâu, giá thành khai thác ngày càng cao. Ngoài ra, các sức ép về các loại phí bảo vệ môi trường và các loại thuế phí khác cũng làm cho hiệu quả đầu tư giảm. Nếu không có lãi, TKV sẽ không thể đủ sức đầu tư tiếp các mỏ mới…
Việc sẽ phải nhập khẩu than là tất yếu và đã được tính toán kỹ trong Quy hoạch ngành điện cũng như Quy hoạch ngành than vì trong cơ cấu sản lượng ngành điện sau này sẽ sử dụng các nhà máy nhiệt điện chạy than trên một nửa. Năng lực sản xuất của ngành than dù có tăng được tối đa như hiện nay cũng như đầu tư phát triển các mỏ tiếp sau này thì cũng chỉ đáp ứng tối đa 2/3, còn lại vẫn phải nhập. Nhưng việc nhập khẩu hiện nay và trong vài ba năm tới sẽ có thuận lợi và giá sẽ không cao.
Dự kiến, năm 2016, ngành than đã bắt đầu nhập khẩu lượng than nhất định cho sản xuất điện. Nếu các dự án điện đúng tiến độ thì sẽ nhập khoảng 3-5 triệu tấn và sẽ tăng dần qua các năm, còn nếu các dự án chậm thì sẽ ít hơn. Để đảm bảo tự chủ nguồn than trong nước, hiện nay TKV đang tiếp tục đẩy mạnh việc thăm dò và khai thác Bể than Đông Bắc vùng Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và các mỏ than vùng nội địa nơi có điều kiện khai thác thuận lợi hơn, chất lượng than tốt và trữ lượng tài nguyên có thể tính đến 8-9 tỉ tấn ở độ sâu 1.000-1.200 m.
TKV cũng đang triển khai nghiên cứu để thử nghiệm khai thác than vùng Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, các mỏ than ngày càng sâu trong lòng đất, khí nhiều, nước nhiều, áp lực mỏ lớn, phải đầu tư nhiều. Hiện nay tại Quảng Ninh khai thác than hầm lò đã xuống đến -300m và -500m so với mặt nước biển, lộ thiên cũng phải bóc 11m3 đất (nhiều nơi đã ở độ sâu -180, -200m, vận chuyển đi 4-6km) mới có được 1 tấn than so với trước kia là bóc 3,5m3 đất.
Cân đối tài chính gặp khó
Theo Quy hoạch Phát triển ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mỗi năm phải đầu tư 18.000-19.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án sản xuất than đúng tiến độ. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều dự án lại bị chậm do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là thủ tục đầu tư, cấp phép thăm dò khai thác bị kéo dài. Thứ hai, nguồn lực cho đầu tư bị hạn chế vì nhiều năm phải bán than thấp hơn giá thành cho một số hộ trong nước, đặc biệt từ năm 2012 do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên lợi nhuận thấp, vốn đầu tư phát triển giảm. Thứ ba là thuế phí mấy năm gần đây tăng cao, so với năm 2007 thì số tuyệt đối các loại thuế phí gấp 10 lần và cao hơn nhiều nước trên thế giới. Ví dụ, thuế tài nguyên hiện là 7-9%, cộng với phí môi trường, tiền cấp quyền khai thác, tiền sử dụng tài liệu... tổng thuế phí trong giá thành vào khoảng 13-14%.
Trước những vấn đề nêu trên, lãnh đạo Tập đoàn kiến nghị cần điều chỉnh các loại thuế phí cho phù hợp cũng như có các giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách, huy động vốn, các thủ tục trong đầu tư xây dựng cơ bản để giải quyết các dự án cấp bách tăng sản lượng than theo quy hoạch đã được duyệt cũng như tạo điều kiện để ngành than có nguồn để cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho thợ lò, nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả kinh doanh mà trọng tâm là giải pháp cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò.
Minh Châu
Năng lượng Mới số 506