TKV hiện thực hóa chủ trương phát triển ngành công nghiệp nhôm Việt Nam
Đặt nền móng cho ngành công nghiệp mới
Thực hiện nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ giao, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tiến hành thí điểm đầu tư dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin vùng Tây Nguyên, gồm Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng (gọi tắt là Dự án Tân Rai) từ năm 2006 và Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ - Đắk Nông (gọi tắt là Dự án Nhân Cơ) từ năm 2007.
Xác định lĩnh vực khai thác bauxite, sản xuất alumin, nhôm là một lĩnh vực công nghiệp mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm cho nên để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, TKV đã nỗ lực triển khai quá trình đầu tư hai dự án, ưu tiên dành các nguồn lực (tài chính, nhân lực, kinh nghiệm quản lý...) để đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng.
Toàn cảnh Tổ hợp Alumin Nhân Cơ |
Trong quá trình thực hiện hai dự án, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song TKV đã hết sức nỗ lực triển khai thực hiện, thường xuyên báo cáo và thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; đã thực hiện đầy đủ 5 nội dung theo chỉ đạo của Bộ Chính trị bao gồm: Đảm bảo môi trường tự nhiên; Giữ vững an ninh quốc phòng; Gìn giữ văn hóa địa phương; Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển hạ tầng giao thông.
Cả 2 dự án, sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại đều mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dự án Alumin Tân Rai - Lâm Đồng có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm, bắt đầu khởi công tháng 7/2006, hoàn thành công tác đầu tư xây dựng và đi vào vận hành sản xuất tháng 10/2013.
Sau 15 năm thực hiện thí điểm 2 dự án khai thác, chế biến bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) đã cho thấy đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần vào việc thay đổi bộ mặt của Tây Nguyên theo nguyên tắc khai thác hiệu quả tiềm năng để phát triển nhanh và bền vững. |
Dự án Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông cũng có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm, khởi công xây dựng ngày 28/2/2010. Nhờ kinh nghiệm thu được từ dự án Tân Rai, dự án Nhân Cơ đ ã nhanh chóng vận hành ổn định, đạt và vượt công suất thiết kế và có l ãi ngay từ khi bắt đầu sản xuất năm 2017.
Chất lượng sản phẩm alumin của dự án đạt theo thiết kế, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, riêng hàm lượng ô xít nhôm Al2O3 đạt 98,7% cao hơn thiết kế là 98,6%. Sản phẩm của dự án tiêu thụ tốt, phần lớn được xuất khẩu (khoảng 97%) vào các thị trường Ấn Độ, U.A.E (Trung Đông), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Song song với việc nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh, TKV luôn chú trọng công tác bảo đảm an toàn lao động, an toàn môi trường, được các cơ quan giám sát, quản lý và cộng đồng dân cư tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao.
Mô hình “Nhà máy - Công viên” cũng đã được triển khai tại các dự án này, đáp ứng tốt các tiêu chí về “Sáng - Xanh - Sạch”.
Tạo giá trị gia tăng mới cho TKV và nền kinh tế đất nước
Đến nay, tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng đã nộp ngân sách trên 5.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động với thu nhập hiện nay trên 16 triệu đồng/người/tháng. Alumin Nhân Cơ cũng đóng góp ngân sách cho địa phương từ 350-400 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 20-25% ngân sách địa phương.
Tổng kim ngạch xuất khẩu alumin bình quân xấp xỉ 634 triệu USD/năm, năm 2022 đạt cao nhất với con số hơn 1 tỷ USD.
Hai dự án góp phần đáng kể trong tăng trưởng GDP, tăng các nguồn thu cho ngân sách, góp phần tạo đà phát triển kinh tế, xã hội của hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước.
Sự ra đời của ngành công nghiệp bauxitealumin đã tạo điều kiện kích cầu, phát triển các ngành công nghiệp VLXD, hóa chất, xây dựng, giao thông vận tải, cơ khí, chế tạo thiết bị điện… cũng như các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm sau alumin và nhôm, các dịch vụ, các ngành công nghiệp liên quan của các địa phương.
Đến nay, Tập đoàn đã hoàn thành Đề án phát triển tổng thể lĩnh vực bauxite - alumin - nhôm của TKV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trước năm 2030, TKV sẽ tập trung triển khai 2 đề án thăm dò, 2 dự án khai thác để mở rộng nâng công suất Tổ hợp alumin Tân Rai lên 2,0 triệu tấn alumin/năm và 1 dự án nhà máy điện phân nhôm với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 79.065 tỷ đồng. |
TKV và các đơn vị còn luôn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Ngay từ khi triển khai dự án (năm 2007), TKV đã hỗ trợ phúc lợi xã hội cho hai tỉnh với kinh phí 465 tỷ đồng (tỉnh Lâm Đồng 320 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông 145 tỷ đồng) để xây dựng các trường học, trạm y tế, làm đường, xây dựng chợ, nhà tái định cư cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo, ủng hộ các quỹ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; xóa đói giảm nghèo; đền ơn đáp nghĩa, khuyến học... Hoạt động này vẫn được duy trì thường xuyên đến nay.
Thực hiện Kết luận số 31-KL/TW về định hướng phát triển ngành công nghiệp bauxite - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và căn cứ nhu cầu thị trường tiêu thụ, hiện trạng trữ lượng tài nguyên…, TKV đã xây dựng định hướng đầu tư phát triển lĩnh vực bauxite - alumin - nhôm của Tập đoàn gắn với Chiến lược Phát triển khoáng sản và Chiến lược Phát triển TKV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Đắk Nông, Tổ hợp alumin Nhân Cơ đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội, định hình rõ nét trụ cột kinh tế của tỉnh. Hiện mỗi năm alumin Nhân Cơ đóng góp gần 40% giá trị sản xuất công nghiệp của Đắk Nông, góp phần định hình rõ nét một trụ cột kinh tế của tỉnh. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông lấy phát triển công nghiệp khai thác bauxite - chế biến alumin - luyện nhôm làm một trong ba đột phá phát triển kinh tế của Tỉnh. Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã đồng ý cho phép đầu tư nâng công suất tổ hợp alumin Nhân Cơ từ 0,65 triệu tấn/năm lên 2 triệu tấn alumin/năm theo kế hoạch đến năm 2030.
Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông: “Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đã nêu rõ 3 trụ cột phát triển kinh tế trong tương lai gần và tương lai xa của tỉnh, một trong số đó là về công nghiệp khai khoáng và luyện kim, cụ thể là khai thác sản xuất alumin và luyện nhôm. Và điều này đã được Bộ Chính trị khẳng định trong Nghị quyết 23 về phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cũng xác định tỉnh Đắk Nông hướng phát triển, mũi nhọn phát triển là khai khoáng và luyện kim”. |
P.V