TKV trước áp lực thuế phí và tồn kho than
Nặng gánh thuế, phí
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tính đến 30-6-2016, Tập đoàn tồn kho xấp xỉ gần 10 triệu tấn. Nguyên nhân khách quan là do sự sụt giảm của thị trường năng lượng hóa thạch thế giới, khiến nhu cầu dùng nhiên liệu từ than đá giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, giá bán than của TKV vẫn ở mức cao nên sức cạnh tranh yếu, không xuất khẩu được. Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ than trong nước từ đầu năm đến nay tiếp tục giảm do các hộ tiêu dùng lớn trong nước như nhiệt điện, xi măng, phân bón đều giảm sản lượng.
Thợ hầm lò |
Được biết các đơn vị sản xuất như than Nam Mẫu, Uông Bí, Vàng Danh đều có số lượng than tồn khá lớn. Cụ thể Vàng Danh tồn kho khoảng 300.000 tấn, Uông Bí tồn khoảng 310.000 tấn và Nam Mẫu cũng tương đương với số đó. Chưa kể từ ngày 1-7-2016, thuế tài nguyên đối với than khai thác lộ thiên là 12% và than khai thác hầm lò 10%..., (tăng thêm 3% so với trước); phí bảo vệ môi trường tăng từ 6.000 đồng lên 10.000 đồng/tấn than nguyên khai.
Với mức phí này, theo ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó tổng giám đốc TKV, chi phí của TKV sẽ tăng xấp xỉ trên 1.300 tỉ đồng/năm. Chưa kể, tới đây phí môi trường sẽ được tính cộng thêm lượng đất đá thải ra trên tấn than khai thác, nếu vậy TKV sẽ phải nộp thêm 70 tỉ đồng/năm cho loại hình đất đá thải này. Theo tính toán của ngành than, với mức tính thuế này, 6 tháng cuối năm 2016, TKV sẽ phải nộp thuế tài nguyên tăng thêm 731 tỉ đồng và từ năm 2017 sẽ tăng lên 1.500 tỉ đồng/năm. Trong khi điều kiện khai thác của ngành than ngày càng khó khăn do các mỏ lộ thiên đã cạn kiệt. Một trong những mỏ lộ thiên có sản lượng lớn nhất của ngành than là mỏ Núi Béo hiện nay đang khai thác cầm chừng (sản lượng chỉ bằng 1/5 so với năm 2012) để chuẩn bị chuyển sang khai thác hầm lò vào năm 2018, các mỏ than lộ thiên khác hệ số bóc đất đá và cung độ tăng nhanh.
Hiện điều kiện khai thác khối hầm lò cũng đã rất khó khăn do ngày càng xuống sâu, mức khai thác đã ở -300 và còn xuống sâu hơn, áp lực mỏ lớn, nguy cơ bục, cháy, nổ khí là rất cao. Như vậy, với việc thuế, phí tăng, chi phí cho khai thác lớn đã đẩy giá thành than của TKV tăng cao, làm cho sức cạnh tranh của ngành than đã yếu càng thêm yếu “chỉ riêng phí và thuế đã chiếm 25% giá thành than” một cán bộ Tập đoàn cho biết.
Bám sát giải pháp “3 giảm”
Trong 6 tháng đầu năm 2016, các chỉ tiêu về than nguyên khai, than tiêu thụ của Tập đoàn cơ bản đạt kế hoạch đề ra, bằng 94-95% so với cùng kỳ. Doanh thu ước đạt trên 47.000 tỉ đồng, đạt 45% kế hoạch, bằng 98% so cùng kỳ. Lợi nhuận đạt khoảng 150 tỉ đồng. Nguyên nhân cơ bản là giá bán than khoáng sản tiếp tục suy giảm. Than tiêu thụ chủ yếu là loại có giá trị thấp, các loại than tốt không tiêu thụ được. Hơn nữa, hiện nay chi phí đầu vào cho sản xuất than tăng nhanh đã làm cho sức cạnh tranh sản phẩm giảm.
Để vượt qua những khó khăn hiện nay, theo Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, trước mắt TKV sẽ tập trung vào 3 giảm đó là: Giảm lượng than tồn kho, giảm nhân lực phụ trợ và cắt giảm chi phí đầu vào. Để giảm lượng than tồn kho, trong năm 2016 Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị sản xuất điều chỉnh giảm sản lượng, phấn đấu hết năm 2016 sẽ giảm xuống mức tồn kho dưới 9 triệu tấn.
Hiện các đơn vị trong Tập đoàn đã điều chỉnh giảm sản lượng từ 100.000 đến 300.000 tấn/kế hoạch/năm. Đồng thời rà soát lại quy hoạch đầu tư để có thể phải tiếp tục giảm sản lượng trong tương lai. Tiếp theo là tiếp tục giảm nhân lực lao động phụ trợ, bởi hiện nay lực lượng lao động phụ trợ vẫn rất lớn, do đó các đơn vị cần có chiến lược đào tạo, bố trí lại lao động, hướng tới tăng cường lao động chính, lao động trực tiếp. Và thứ ba là cắt giảm chi phí đầu vào, nhất là các chi phí cho công tác vật tư.
Gần đây, toàn Tập đoàn đã giảm được chi phí đầu vào khoảng trên 2.000 tỉ đồng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát để cắt giảm tối ưu hơn nữa, cụ thể những dự án đầu tư chưa thật sự quan trọng cũng sẽ được rà soát để cắt giảm. Bên cạnh việc nỗ lực giảm bớt dư thừa, lãng phí, Tập đoàn sẽ tập trung đặc biệt cho việc đầu tư công nghệ, cơ giới hóa trong khai thác để nâng cao năng suất và giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mỏ và tăng cường quản lý công tác đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường… Điều quan trọng là dù khó khăn đến mấy vẫn phải đảm bảo đời sống cho thợ mỏ, Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải khẳng định. Tin rằng với sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Tập đoàn, sự đồng tâm đoàn kết của thợ mỏ và sự hỗ trợ từ Chính phủ, tỉnh, ngành than sẽ sớm vượt qua khó khăn.
Nặng gánh thuế, phí Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tính đến 30-6-2016, Tập đoàn tồn kho xấp xỉ gần 10 triệu tấn. Nguyên nhân khách quan là do sự sụt giảm của thị trường năng lượng hóa thạch thế giới, khiến nhu cầu dùng nhiên liệu từ than đá giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, giá bán than của TK |
Minh Châu
Năng lượng Mới 548