TKV tập trung cơ giới hóa khâu khai thác
Theo báo cáo của TKV, hiện Tập đoàn có 11 dây chuyền CGH được đầu tư áp dụng, nhưng hiện chỉ còn 6 dây chuyền hoạt động. Công tác đào lò, áp dụng chống lò bằng vì neo tiếp tục được nhân rộng, đa dạng về loại hình công nghệ. Kể từ năm 2013 đến nay, tất cả các đơn vị sản xuất hầm lò, xây dựng mỏ đã thực hiện chống lò bằng vì neo. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chống lò bằng phương pháp này còn hạn chế. Cụ thể, năm 2013 (năm đạt cao nhất) thì cũng chỉ mới đạt được 3.015m (tỷ lệ mét lò neo/tổng mét lò đào mới đạt 0,87-2,01%, bình quân 1,08%). Riêng 6 tháng đầu năm 2016, khối lượng mét lò chống neo còn thấp (2.389/5.987m, đạt 39,9% kế hoạch năm, 2,01% tổng số mét lò đào).
Cùng với các giải pháp phát triển sản xuất, việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, thực hiện CGH khai thác, đào lò là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Tập đoàn nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao mức độ an toàn, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, tăng sản lượng than hầm lò, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại, mặc dù TKV đã có nhiều cố gắng trong công tác CGH nhưng kết quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo ông Khuất Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc TKV, để áp dụng thành công CGH cần phải có một số yếu tố như điều kiện áp dụng phù hợp (đối với CGH khai thác than là điều kiện địa chất); có thiết bị, công nghệ hợp lý, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu... Đây cũng là những băn khoăn, trăn trở của Tập đoàn trong việc đầu tư phát triển CGH, đặc biệt là CGH khai thác than, vì tổng quan điều kiện địa chất các mỏ than của Việt Nam nói chung, các mỏ TKV quản lý nói riêng rất phức tạp: Vỉa than biến động về chiều dày, góc dốc lớn; nhiều phay phá, đứt gãy, nếp uốn…; trong nước chưa chủ động được công nghệ, thiết bị; nhân lực cho vận hành các thiết bị đồng bộ CGH phải đào tạo mới từ đầu nên còn thiếu kinh nghiệm xử lý các tình huống thực tế.
Đạt được một số kết quả bước đầu trong công tác CGH, TKV cũng đã trải qua không ít khó khăn, thất bại, trong đó phần lớn là do điều kiện địa chất thực tế phức tạp; công nghệ, thiết bị phụ thuộc nước ngoài, việc lựa chọn dây chuyền công nghệ không sát với điều kiện thực tế Việt Nam; phụ tùng thay thế phải nhập khẩu làm gián đoạn sản xuất, giảm năng suất đồng thời cũng có một phần do công nhân vận hành thiếu kinh nghiệm xử lý các sự cố trong sản xuất. Tất cả những vấn đề tồn tại, vướng mắc đó đã làm bài học kinh nghiệm rất bổ ích cho cán bộ, công nhân của TKV.
Theo chỉ đạo chung của lãnh đạo Tập đoàn, để giải quyết những hạn chế này, trong thời gian tới cần đánh giá lại các tổ hợp, các dự án CGH đã thực hiện, đánh giá lại địa chất mỏ để có giải pháp đầu tư CGH hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng mỏ. Đặc biệt là sự thống nhất quản lý về công nghệ và CGH từ Tập đoàn đến các đơn vị, cũng như sự kết nối, hỗ trợ giữa các đơn vị nghiên cứu, tư vấn, cơ khí với các mỏ, xây dựng những đơn vị mũi nhọn, đầu tàu thực hiện CGH để từ đó nhân rộng mô hình.
Theo kế hoạch CGH khai thác, đào lò đến năm 2020, TKV sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện áp dụng CGH cho các mỏ có trữ lượng công nghiệp lớn, ổn định, điều kiện địa chất phù hợp, sau đó sẽ mở rộng áp dụng. Đối với các mỏ xây dựng mới cần xác định theo hướng áp dụng những công nghệ tiên tiến, ưu tiên CGH đồng bộ cho công suất lớn. Tiếp tục áp dụng chống lò bằng vì neo để giảm giá thành, nâng cao năng suất lao động và tốc độ đào lò, đưa công nghệ đào chống lò bằng vì neo thành công nghệ truyền thống tại các mỏ than hầm lò...
Nguyễn Kiên