TKV: Chuẩn bị ứng phó trong mùa mưa bão
Sẵn sàng ứng phó
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo và chỉ đạo các đơn vị thành lập Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão đơn vị, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên, chủ động thực hiện các công trình phòng chống lụt bão. Tuy vậy, những diễn biến trong mùa mưa bão rất khó lường, như năm 2013, trong một đợt mưa lớn kéo dài hơn nửa tháng, nhiều đơn vị khai thác lộ thiên trắng nước như: than Khánh Hòa (Công nghiệp mỏ Việt Bắc); than Hà Ráng (Hòn Gai); Hà Tu, Cao Sơn… Các đơn vị phải bơm nước cả tháng mới có thể trở lại sản xuất được bình thường. Các đơn vị sản xuất hầm lò cũng vậy, Công ty Than Mông Dương bị ngập nhiều kilômét đường lò, hàng trăm tấn thiết bị trị giá hàng tỉ đồng bị chìm trong nước. Hay các đơn vị than Cao Thắng, Thành Công (Hòn Gai), Hà Ráng (Hạ Long), Thống Nhất… đều bị nước chảy vào mỏ với lưu lượng quá lớn. Nếu không có những phương án phòng chống kịp thời thì thiệt hại có lẽ sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Nguy cơ lớn nhất với ngành than - khoáng sản trong mùa mưa bão, đó là áp lực lò với khai thác hầm lò và nguy cơ sụt lở bãi thải đối với khai thác lộ thiên. “Mùa mưa địa chất thay đổi, lò chợ thường xuyên xuất lộ nước, bị lún, nén thấp dẫn đến tình trạng không đẩy được tiến độ khấu lò. Tựu chung, năng suất khai thác toàn Tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tỷ lệ khai thác hầm lò hiện tại đã chiếm trên 50%”. Như vậy, công tác thoát nước trong mỏ phải thường xuyên được kiểm tra hơn. Nước ở các khu vực được chảy về khu vực hầm bơm trung tâm sau đó được bơm lên mặt bằng qua tổ hợp bơm trung tâm, lưu lượng nước có thể bơm tối đa ở nhiều đơn vị lên đến 6.000m3/giờ. Công tác thông gió trong mỏ cũng được toàn Tập đoàn thống nhất sử dụng hệ thống thông gió chính từ khu vực trung tâm về các cánh bằng phương pháp thông gió đẩy, sử dụng 22 hệ thống quạt BOK2.4 có lưu lượng gió trên 6.500m3/phút.
Ổn định và an toàn
Theo ông Vũ Thành Lâm, Phó tổng giám đốc, Trưởng ban Phòng chống mưa bão (PCMB) và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo và chỉ đạo các đơn vị thành lập Ban Chỉ huy PCMB đơn vị, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên, chủ động thực hiện các công trình PCMB. Tập đoàn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung xây dựng bản đồ tác nghiệp cụ thể, chi tiết phù hợp với đặc thù đơn vị mình. Tập đoàn tổ chức duyệt phương án, tăng cường công tác kiểm tra trước.
Phủ bạt bảo vệ kho than tại Tuyển than Cửa Ông
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị củng cố mạng lưới thông tin liên lạc; thực hiện nghiêm chế độ trực ban 24/24 giờ và tăng cường công tác kiểm tra tình hình sản xuất trong mùa mưa bão… Đồng thời, tăng cường phổ biến, tuyên truyền, tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai, sự cố cho cán bộ phụ trách công tác PCMB. Trong những ngày gần đây, lãnh đạo Tập đoàn và Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đã trực tiếp đi kiểm tra các hầm lò, các khu vực lộ thiên, sàng tuyển. Với các bãi thải trọng yếu như: Cọc Sáu, Khe Rè, Khe Sim, Quang Hanh, khu vực Chính Bắc, Hà Tu… Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị khơi thông dòng chảy, gia cố các đập chắn tại chân các bãi thải. Riêng khu vực hầm lò đoàn kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, đồng thời đôn đốc các đơn vị chuẩn bị đổ dầu chạy máy phát, phòng sự cố mất điện lưới để khi nước lên cao bơm thoát nước trong lò tránh ngập mỏ.
Đối với các đơn vị thành viên khai thác lộ thiên, Tập đoàn yêu cầu rà soát lại toàn bộ các khu vực xung yếu như: Hệ thống vành đai thoát nước đầu đường bãi thải ở công trường khai thác chính được củng cố và làm mới; Rãnh nước dọc các đường vận tải trong và ngoài khai trường được củng cố, nạo vét thông thoát nhằm mục đích chống xói lở đường vận tải, các mặt tầng sản xuất, kể cả mặt bằng kho và bãi thải. Các tuyến đường điện cao thế, hạ thế, trạm mạng cũng được sửa chữa để hạn chế tối đa các sự cố cháy, chập điện trong mưa bão. Đặc biệt, để ngăn nước mặt do mưa chảy vào khai trường, các đơn vị khai thác lộ thiên của Tập đoàn đã tiến hành đắp đê xung quanh bãi thải, nạo vét suối quanh khai trường nhằm chống sạt lở và dẫn nước chảy theo các mương thoát ra ngoài biên khai trường...
Qua kiểm tra, đa phần các đơn vị đã có sự chủ động trong công tác PCMB tại đơn vị mình. Một số đơn vị làm tốt công tác này như: Công ty Than Nam Mẫu, Kho vận Đá Bạc, Mông Dương, Khe Chàm, Đèo Nai, Cao Sơn v.v... Các đơn vị đã triển khai nhiều bước công việc như tổ chức nạo vét, khơi thông rãnh nước trong các đường lò, bãi chứa than, mặt bằng các cửa lò; dọn đất đá, san lấp tạo mặt bằng thoát nước trên khu vực khai thác hầm lò, các tuyến đường vận tải, vận chuyển than, hệ thống thoát nước mặt, hệ thống thoát nước trong các hầm lò giếng, các thiết bị như bơm nước, bạt che than cũng được các đơn vị trang bị sẵn sàng nếu có mưa lớn xảy ra.
Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Như vậy, có thể nhận thấy mục tiêu cao nhất và thường trực hiện tại của TKV là việc đảm bảo sản xuất ổn định, an toàn trong mùa mưa bão giữ vững và từng bước gia tăng sản lượng than khai thác, từ đó chuẩn bị năng lực cho những năm tiếp theo, khi nhu cầu của thị trường gia tăng nhanh.
Nguyễn Kiên