Than Khánh Hòa - Thái Nguyên: Gặp khó cuối năm
Nỗi buồn ngập nước
Trong cái nắng hanh khô của mùa đông, kỹ sư Đặng Xuân Lý, Phó giám đốc Công ty Than Khánh Hòa (Đại Từ, Thái Nguyên) dường như đã thấm mệt với những thách thức mà công ty đang gặp phải sau một ngày dài dẫn chúng tôi lên thăm khai trường, xuống lòng moong và thăm cửa lò trong dự án hầm lò. Kỹ sư Lý cho biết, hiện moong than lộ thiên của Khánh Hòa đã khai thác đến mức -170, tức là sâu hơn cả mỏ than Cọc Sáu (Cẩm Phả, Quảng Ninh) đến 20m. Nhưng moong than Khánh Hòa có diện tích bề mặt hẹp hơn, nhìn xuống không khác gì một miệng giếng khổng lồ giữa thiên nhiên, lòng moong uốn lượn, sâu hun hút.
Máy bơm hoạt động hết công suất tại mỏ than Khánh Hòa
Mùa mưa vừa qua, do mưa lớn, kéo dài, mực nước lên đến mức -130, tức sâu quãng độ 40m nước. Những cái phà bơm dưới moong như những chiếc lá, mong manh và tỏ ra quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Chính vì vậy, sản xuất của công ty bị hoàn toàn tê liệt suốt quý III. Để khắc phục, có những đợt cao điểm, công ty phải huy động đến 4 bơm có tổng công suất hàng ngàn m3/giờ liên tục bơm được nước từ đáy moong lên chia làm 3 mức +38; +87 và +10 để bơm tăng bo. Cứ như thế trong 3 tháng trời huy động tất cả các loại máy bơm công suất lớn, phải đến đầu quý IV, sản xuất mới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục trở lại.
Trước đó, trong hầm lò của dự án khai thác, xuất hiện thêm một rốn nước với lưu lượng lên đến 400m3/giờ và liên tục tuôn chảy. Ở vào thời điểm hiện tại chúng tôi có mặt (đầu tháng 12) nước tại vị trí này vẫn tuôn ra với lưu lượng 300m3/giờ. Nước trong lò cũng được đưa ra cửa lò và phải bơm ngay, nếu không nước sẽ phóng xuống lòng moong, khi đó cũng sẽ phải bơm lên và dĩ nhiên là chi phí sản xuất sẽ tăng cao.
Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
Đó là những khó khăn về “thủy”. Còn về “hỏa”, Khánh Hòa phải đối diện với những vỉa than tự cháy âm ỉ trong hầm lò. Do có vỉa than tự cháy nên quá trình triển khai dự án hầm lò phải đình trệ. Hiện công ty đang phối hợp cùng Viện Khoa học Công nghệ mỏ tìm biện pháp phòng cháy để có thể tiếp tục khai thác. Tuy nhiên, dự án lại ngốn của Khánh Hòa hàng trăm tỉ đồng cho công tác này. Nhưng theo kỹ sư Đặng Xuân Lý, vấn đề kỹ thuật phòng chống thủy - hỏa lại không đáng ngại, vì chỉ cần có sự đầu tư, giải pháp kỹ thuật là có thể khắc phục được. Còn cái khó hơn cả vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Từ năm 2010 đến nay, than Khánh Hòa đã bồi thường giải phóng mặt bằng 99,6ha và đã bồi thường cho các hộ dân theo đúng chính sách của Nhà nước với số tiền lên đến 375.898 triệu đồng.
Trong năm 2012, do cần cấp bách di dời các hộ dân ở gần khu vực bãi thải Nam của mỏ nên công ty đã tập trung các nguồn từ vốn sản xuất, kinh doanh để phục vụ cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, gần đây nhất công ty đã làm một con đường bê tông riêng, sạch sẽ, có điện chiếu sáng cho nhân dân đi lại, chi phí hàng mấy chục tỉ đồng. Nhưng bất cập ở chỗ, vẫn còn nhiều khu vực giải phóng mặt bằng, dân tự ý xây nhà tạm bợ, trồng cây để đòi đền bù giá cao khiến cho việc giải phóng mặt bằng càng trở nên phức tạp. Chưa hết, để tạo điều kiện cho nhân dân sớm có nước sạch của thành phố, công ty đã phối hợp cùng công ty nước sạch và vệ sinh môi trường thành phố Thái Nguyên cấp nước sạch cho toàn bộ khu vực. Mỗi hộ dân được lắp một đồng hồ nước nhưng khi thu tiền nước thì người dân không trả. Những khó khăn nêu trên ở than Khánh Hòa đang là những thách thức lớn đối với bộ máy lãnh đạo và công nhân, cán bộ công ty.
Tất cả vì người lao động
Để đảm bảo miếng cơm manh áo cho người lao động, bằng mọi giá công ty vẫn phải giữ nhịp sản xuất để hạn chế một cách thấp nhất những thiệt thòi cho người lao động. Theo tính toán, trong quý IV, sản xuất của công ty căng hơn, mỗi ngày bình quân công ty bốc xúc và vận chuyển 23 ngàn m3 đất đá. Kết thúc năm, công ty ước đạt 7,5 triệu m3 đất đá, sản xuất và tiêu thụ 630 ngàn tấn than sách cấp cho nhà máy điện và xi măng…
Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp khắc phục những khó khăn hiện nay, lãnh đạo công ty cho biết, trước tình hình khó khăn như hiện tại để ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động, hoàn thành các chỉ tiêu cuối năm, công ty đã đề ra các giải pháp như: đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm vào những tháng mùa khô, phát huy tối đa công suất của các thiết bị bốc xúc, sàng tuyển, vận tải; triệt để tiết giảm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời công ty sẽ tiếp tục huy động và phát huy tốt mọi nguồn lực tăng cường phát triển thị trường tiêu thụ cả chiều rộng và chiều sâu, hoàn thiện khâu giám sát, quản lý để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm chỉ có như vậy mới có thể giữ ổn định được việc làm và thu nhập, ổn định đời sống cho hơn 1.000 lao động của công ty.
Hải Hà