“Tăng tốc” cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2023
Việt Nam cần đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cơ sở. Như chúng ta đã biết, những tác động rõ nét nhất từ các gói phục hồi tăng trưởng, trong đó có phục hồi kinh tế trong năm 2022 và 2023.
Ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro hoặc những diễn biến không thuận lợi. Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn |
Gói nào liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô đều phát huy tác động và hiệu quả. Cụ thể, giảm các loại thuế, phí xăng dầu từ đầu năm 2022, miễn giảm các loại thuế VAT đã giúp kiềm chế lạm phát.
Ổn định kinh tế vĩ mô làm cơ sở
Các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô cho thấy, lạm phát duy trì từ 3,3-3,4% trong năm 2022, kiềm chế tỉ giá mặc dù trong năm cũng có những biến động, có thời điểm lên trên 8%. Nhưng cho đến hiện nay tỉ giá VNĐ so với USD đã được kiềm chế dưới 4%.
Mặc dù chưa có một nghiên cứu định lượng nào cơ bản nhưng chính việc ổn định kinh tế vĩ mô đã góp phần giúp Việt Nam đạt được đà phục hồi tăng trưởng và tăng trưởng cao nhất trong năm 2022 là 8,02%.
Với ý nghĩa đó, trong năm 2023 tôi đồng tình quan điểm của Chính phủ lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm cơ sở, mặc dù đây không phải là động lực cho tăng trưởng nhưng cơ sở cho tăng trường là ổn định kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, chúng ta cần thận trọng và theo dõi những chỉ số có thể gây ảnh hưởng, như tỉ giá, lãi suất, lạm phát. Phải cập nhất diễn biến của những chỉ số này trong năm 2023 nhằm phục vụ cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho phục hồi tăng trưởng.
Năm 2023, căng thẳng về thanh khoản trong hệ thống tài chính hay tỉ giá có thể “giảm nhiệt”. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp về dịch bệnh và dự báo suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế chủ chốt mà Việt Nam là bạn hàng xuất khẩu lớn thì chúng ta cũng còn rất nhiều khó khăn và thách thức.
Những yếu tố đó đặt ra câu hỏi, chúng ta phải làm sao giám sát, hỗ trợ cho khối doanh nghiệp, từ doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp trong nước có cơ hội phục hồi và phát triển.
Bởi, suy cho cùng động lực tăng trưởng phải đến từ doanh nghiệp, trong đó có khối doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Đây là động lực chính giúp chúng ta vượt qua suy thoái kinh tế trong năm 2021 khi bị COVID-19 “tấn công”, cũng như phục hồi tăng trưởng của năm 2022. Xuất khẩu vượt bậc đã hỗ trợ cho phục hồi tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong năm 2023 sản xuất, xuất khẩu có thể gặp nhiều rủi ro. Hiện nay đã có hơn 660.000 người lao động bị mất việc làm trong khối sản xuất. Từ đầu năm 2022, theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hơn 900.000 người đăng ký rút thẻ bảo hiểm xã hội.
Những con số này cho thấy, chúng ta đang có một số lượng lớn người lao động bị mất việc làm trong khu vực sản xuất. Vậy, phải có cách thức nào để duy trì hoạt động sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong năm 2023 cần tính toán kỹ lưỡng.
Nhưng theo tôi, ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro hoặc những diễn biến không thuận lợi. Những hỗ trợ khác như cạn kiệt thanh khoản do chưa nới room tín dụng của năm 2022, lãi suất tăng cao… Chính phủ cũng đã có những chỉ thị, nhưng cần có sự phối hợp nhiều hơn giữa các bộ, ngành chứ không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính.
Đẩy mạnh cải cách thể chế
Đơn cử, vấn đề này còn liên quan đến rủi ro tín dụng ngân hàng và những chuẩn mực cho vay của hệ thống ngân hàng. Vì dù có nới room tín dụng, nhưng nếu doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng khó khăn thì nợ xấu hoặc chuyển nợ sang nhóm nợ xấu hơn cũng sẽ rất khó để có thể vay thêm.
Doanh nghiệp không dám “đánh đổi” cơ hội từ gói vay 2% với những vấn đề sau này như thanh tra, kiểm toán… Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn |
Hoặc chi phí tuân thủ với các quy định ràng buộc khiến doanh nghiệp không dám vay, ngân hàng cũng không dám cho vay vì rủi ro sẽ rất lớn khi các quy định của pháp luật hiện nay vẫn đang rất chặt chẽ.
Kể cả gói hỗ trợ 2%, rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sau khi nới room gói này sẽ được “bung ra” trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Tuy nhiên, có rất nhiều quan điểm "e ngại”, những gói liên quan đến ngân sách nhà nước vẫn còn có những ràng buộc và rào cản nhất định.
Các rào cản này không những tạo ra chi phí tuân thủ, chi phí thực thi mà thậm chí là những “chi phí chìm”. Doanh nghiệp không dám “đánh đổi” cơ hội từ gói vay 2% với những vấn đề sau này như thanh tra, kiểm toán… Điều đó dẫn đến mất cơ hội và trở thành “chi phí chìm” trong hoạt động tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ của các doanh nghiệp, mặc dù rất chính đáng và cần thiết.
Do đó, để giải quyết được bài toán tìm kiếm động lực giúp doanh nghiệp phát triển, ở đây không chỉ có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Nhìn rộng ra chúng ta sẽ thấy khối dịch vụ mặc dù có cơ hội nhưng vẫn chưa thể phát triển nhanh và mạnh mẽ.
Bởi, trong khối dịch vụ có rất nhiều khu vực phi chính thức. Nhưng việc hỗ trợ người lao động ở khu vực này vẫn chưa đạt yêu cầu. Các gói hỗ trợ người lao động đã được giải ngân, nhưng đối với khu vực phi chính thức phần lớn vẫn chưa được hưởng lợi.
Trong năm 2023, mặc dù Chính phủ có sự quan tâm và yêu cầu các chính sách cũng phải hỗ trợ khối hộ kinh doanh, hợp tác xã… Tuy nhiên, sự chặt chẽ, quy tắc, quy định của pháp luật quá ngặt nghèo, đến doanh nghiệp chính thức còn tiếp cận khó khăn, thì đối với hộ kinh doanh ở khu vực phi chính thức lại càng khó khăn hơn.
Qua đây dẫn đến câu chuyện, mặc dù nền kinh tế đã mở cửa, thương mại dịch vụ có sự “bùng nổ” trên nền tăng trưởng thấp của năm 2021, nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Như vậy, vấn đề cốt lõi ở đây là cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư. Xem xét, đánh giá lại môi trường kinh doanh theo hướng tự do, cởi mở hơn, tránh sự can thiệp “giật cục” của các cơ quan quản lý nhà nước vào thị trường bằng các mệnh lệnh hành chính.
Do đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho thương mại, đầu tư để phát huy cơ hội phục hồi sau COVID-19 trong năm 2023. Nếu vẫn còn những rào cản để làm tăng chi phí tuân thủ, chi phí thực thi chính sách và thể chế quá cao sẽ khiến các doanh nghiệp lại càng khó hơn trong bối cảnh còn có nhiều biến động của tình hình kinh tế thế giới cũng như ở Việt Nam.
Thay đổi nhận thức từ “cú sốc” COVID-19
COVID-19 là “cú sốc” chưa có trong tiền lệ với các nước trên thế giới và Việt Nam. Việc ứng phó và thích ứng từ người dân, doanh nghiệp đến chính phủ đều gặp những “trục trặc” nhất định. Khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, cùng với những biến đổi khác trên thế giới đã làm cho nền kinh tế được dự đoán sẽ còn suy thoái trong năm 2023.
Khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, cùng với những biến đổi khác trên thế giới đã làm cho nền kinh tế được dự đoán sẽ còn suy thoái trong năm 2023. Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn |
Trước đây, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng theo hình chữ V. Đến năm 2020 có nhiều nước “hoan hỷ” cho rằng đã khắc phục xong và kinh tế thế giới quay trở lại với trạng thái bình thường. Tuy nhiên, COVID-19 đã tác động “nặng hơn” đáng kể với những “hiệu ứng phụ”, là những gói chính sách của tất cả các Chính phủ trên thế giới đã khiến cho việc khắc phục hậu quả lâu dài hơn rất nhiều.
Đơn cử, lạm phát tăng cao, đình lạm, suy thoái kinh tế. Các dự báo tăng trưởng đều “hạ điểm” từ 1 đến 1,5 điểm phần trăm, và còn “rất lâu”, thậm chí có nhiều dự báo phải đến hết năm 2025 kinh tế thế giới mới có thể quay trở lại trạng thái bình thường.
Đối với những thể chế của những nước có nền kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh, còn nhiều bất cập về môi trường kinh doanh thì sự tác động của COVID-19 đã làm bộc lộ ra những yếu kém trong môi trường thể chế, cũng như cách quản lý điều hành.
Từ trong đại dịch COVID-19 cho chúng ta thấy rất rõ, những phương án quản lý điều hành, khả năng ứng phó của các doanh nghiệp có bề dày nền tảng tốt về năng lực cạnh tranh thì mới có thể khắc phục được một phần rủi ro, cũng như “cú sốc” từ bên ngoài.
Với nền kinh tế của Việt Nam, chúng ta mới xây dựng và phát triển kinh tế thị trường, thể chế, chính sách chưa hoàn chỉnh theo đúng cơ chế kinh tế thị trường tự do. Như vậy, cả phía nhà nước và doanh nghiệp ứng xử khi có dấu hiệu bất ổn chưa theo cơ chế thị trường đã bộc lộ điểm yếu. Chính điểm yếu này là nguy cơ tiềm ẩn gây ra rủi ro đổ vỡ.
Ví dụ, năm 2022 là sự bất ổn thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản… Đây là biểu hiện của sự quản lý thế chế của chúng ta còn nhiều điều chưa theo kịp với kinh tế thị trường. Hành vi của doanh nghiệp chưa thích ứng được và chưa theo đúng “chuẩn” của nền kinh tế thị trường.
Như vậy, trong thời gian tới bên cạnh việc chú trọng đến những chính sách trực tiếp hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng. Để nhìn về tương lai lâu dài thì cải cách thể chế và tạo dựng môi trường kinh doanh theo đúng kinh tế thị trường là nền tảng tốt để Việt Nam phát triển bền vững.
Thích ứng linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành
Đặc biệt, COVID-19 đã làm thay đổi nhận thức rất rõ, đó là Chính phủ quyết tâm đồng hành, lắng nghe và thích ứng với những diễn biến, không “cứng nhắc” trong chỉ đạo điều hành. Chính phủ đã chuyển hướng rất kịp thời từ chủ trương "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ngay trong năm 2021. Năm 2022, để triển khai được các gói hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, Chính phủ đã liên tục có những chỉ đạo sát sao, lắng nghe báo cáo.
Chính phủ đã chuyển hướng rất kịp thời từ chủ trương "Zero COVID-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ngay trong năm 2021. Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn |
Đã có nhiều đoàn kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ đến từng địa phương nhằm đốc thúc, tiếp thu và giải quyết những bất cập, khó khăn của những đối tượng bị tác động, như người lao động, các địa phương bị dịch bệnh tấn công nặng nề, nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng…
Một vấn đề khác Chính phủ cũng đã nhận ra từ đại dịch là khả năng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Nếu chúng ta không chủ động, không có tư duy phát triển đồng bộ và hệ thống, đặc biệt với doanh nghiệp trong nước “mạnh về chất” để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Từ đó, đã có chủ trương xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ để chống lại những cú sốc từ bên ngoài, trong đó có dịch bệnh như COVID-19. Đây là sự thay đổi lớn về mặt nhận thức. Dựa trên cơ sở đó, chúng ta cũng đã có sự kế thừa từ thành quả cách mạng 4.0, những xu thế kinh tế và tăng trưởng kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số…
Nhận thức đã có, nhưng triển khai còn chậm và chưa cùng “vòng quay” nhận thức. Trên thực tế vẫn còn “khoảng cách”, có thể do COVID-19 hoặc một vấn đề yếu kém nội tại nào đó làm “nảy sinh” sự “chậm chạp”. Trong năm 2023, tôi kỳ vọng sớm giải quyết được vấn đề này. Bên cạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì cũng phải tạo được hành lang để triển khai nhận thức mới, chính sách mới đi vào cuộc sống.
(*) Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
-
Cần kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường
-
Cải thiện môi trường kinh doanh - Chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
-
Nghị quyết số 41-NQ/TW: Liên kết để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo
-
Chỉ số Niềm tin Kinh doanh tại Việt Nam đang trên đà cải thiện
-
Thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
BP bán cổ phần trong hoạt động kinh doanh gió ngoài khơi
-
Giá dầu hôm nay (21/10): Dầu thô giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 21/10: Giá dầu sáng nay tăng nhẹ