Cải thiện môi trường kinh doanh - Chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Theo đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã đặt mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Bên cạnh đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh...
Nghị quyết số 02/NQ-CP đã đặt mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển - Ảnh minh họa |
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Đồng thời nhấn mạnh, cần tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Đặc biệt, bên cạnh việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ vai trò đầu mối tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện Nghị quyết, Chính phủ giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thường xuyên rà soát và đề xuất cắt bỏ những quy định, thủ tục pháp luật không có lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thường xuyên chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội ngành hàng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, giải quyết ngay được các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp...
Theo chuyên gia, cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay không chỉ dừng ở tháo gỡ khó khăn mà cần chủ động tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh minh họa |
Từ đó có thể thấy, sự trở lại của Nghị quyết số 02/NQ-CP không chỉ thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi đáp ứng yêu cầu về thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới.
Nhìn nhận về Nghị quyết 02/NQ-CP, không ít ý kiến cho rằng, những chỉ đạo và giải pháp mà Nghị quyết đề ra đúng trọng tâm, đúng mong muốn, đúng thực tế. Nếu khâu thực thi tốt và cơ cơ chế giám sát tốt thì chắc chắn sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ đến nền kinh tế nói chung, và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, từ đó giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt cũng như tích tụ nguồn lực cho dài hạn.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc Chính phủ ban hành trở lại Nghị quyết số 02/NQ-CP sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể. Nghị quyết không chỉ dừng lại ở các kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn tạo nền tảng phát triển cho giai đoạn tiếp theo dựa vào chuyển đổi số, kinh tế số với những kế hoạch dài hạn.
“Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đầu mối thực hiện và yêu cầu phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được đặt thành mục riêng. Như vậy, yêu cầu cải cách đang được đặt ra mạnh mẽ hơn, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc một cách thực chất”, vị chuyên gia này nhìn nhận.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, kiêm trưởng Ban Pháp chế VCCI, cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay không chỉ dừng ở tháo gỡ khó khăn mà cần chủ động tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tháo gỡ khó khăn là chạy theo giải quyết khó khăn một cách thụ động; trong đó vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều.
Điều quan trọng là các cơ quan quản lý các cấp cần đối thoại thực chất với cộng đồng doanh nghiệp, nắm bắt những khó khăn thách thức và đẩy mạnh nâng cao chất lượng thực thi chính sách, tạo không khí mới tăng đầu tư tư nhân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Được biết, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 53/TB-VPCP ngày 15/02/2024 về kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp thứ Bảy ngày 02/02/2024. Trong đó, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung, hoàn thành trong Quý II năm 2024.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
-
Áp thuế GTGT phân bón 5% là hướng đi đúng đắn và cần thiết
-
Cần sửa đổi, hoàn thiện Luật số 69 để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn
-
Tôn vinh Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh năm 2024
-
Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Doanh số bán xe điện toàn cầu tăng 35% trong tháng 10
-
Áp thuế suất 5% với phân bón: Giảm giá thành, tăng thu ngân sách Nhà nước
-
Thị trường vàng sẽ ra sao sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?
-
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra nguyên nhân khiến giá vàng nhẫn tăng cao
-
Indonesia cấm bán điện thoại của Google