2 tháng đầu năm, tổng thu do cơ quan thuế quản lý ước đạt 24,3% dự toán
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, có được kết quả trên là do ngành thuế đã triển khai quyết liệt các giải pháp giãn giảm thuế, qua đó giúp các DN vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh và quay trở lại đóng góp cho NSNN. Cùng với đó, cơ quan thuế các cấp đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra.
Thu trên 21.000 tỷ đồng tiền nợ thuế
Theo đó, tính đến ngày 16/2/2024, toàn ngành đã thực hiện được 3.830 cuộc thanh tra, kiểm tra, bằng 127,2% so với cùng kỳ; kiểm tra được 8.593 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 3.746 tỷ đồng, trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 1.368 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 134 tỷ đồng; giảm lỗ là 2.244 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế đã nộp vào ngân sách là 464 tỷ đồng. Số thu bình quân qua thanh tra của 63 cục thuế địa phương là 4 tỷ đồng/cuộc. Số thu bình quân qua kiểm tra của 63 cục thuế địa phương là 286 triệu đồng/cuộc. Có 10 cục thuế có số thu bình quân qua kiểm tra lớn hơn số thu bình quân ngành là: Cục Thuế Hòa Bình, Thái Nguyên, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng thu do cơ quan thuế quản lý ước đạt 361.672 tỷ đồng, đạt 24,3% so với dự toán. |
Trong 2 tháng đầu năm, toàn ngành đã thu được trên 21.000 tỷ đồng tiền nợ thuế. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 20.050 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 950 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 28/2/2024, cơ quan thuế đã ban hành 3.017 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 21.687 tỷ đồng. Trong đó, hoàn xuất khẩu là 19.749 tỷ đồng; hoàn đầu tư là 1.726 tỷ đồng và trường hợp khác là 212 tỷ đồng), bằng 126% so với cùng kỳ.
Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các vụ cần bám sát tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới, phân tích, đánh giá những tác động từ những chính sách tài khóa, tiền tệ mà các quốc gia thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước để nhận diện đúng những rủi ro; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế để có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành, cân đối thu chi NSNN.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các vụ, đơn vị cần tập trung nghiên cứu và triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, trong đó cần đánh giá được hiện trạng đang triển khai; đề xuất kế hoạch, lộ trình, phương thức, cách thức tuyên truyền hỗ trợ, có thông điệp rõ ràng để truyền tải tới người nộp thuế theo từng tuần, tháng, quý, năm. Triển khai đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với cơ quan thuế trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế. Tổ chức tốt công tác hỗ trợ người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp quản lý thuế
Trong thời gian tới, ngành Thuế cần tăng cường công tác công tác quản lý hoàn thuế GTGT, đảm bảo thực hiện hoàn thuế đúng đối tượng quy định. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ theo đúng quy định. Khẩn trương tham mưu Tổng cục có văn bản chỉ đạo toàn ngành về thực hiện quản lý hoàn thuế GTGT năm 2024. Nghiên cứu triển khai Đề án tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT (bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu về hoàn thuế GTGT, chủ động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoàn thuế phục vụ cho công tác giải quyết hoàn thuế…). Khẩn trương triển khai và báo cáo tiến độ xây dựng và triển khai Đề án thống kê thuế.
Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị cần tập trung triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt; xây dựng và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề chống thất thu trong các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế như: giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, hoàn thuế GTGT, gian lận sử dụng HĐĐT, khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh dịch vụ (Golf).
Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cần thực hiện phân tích, phân loại các khoản nợ để áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế đảm bảo theo đúng quy trình, quy định. Thực hiện giám sát, kiểm tra các cục thuế trong việc thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến từng phòng, chi cục thuế, từng đội thuế, từng công chức thuế.
Đặc biệt trong thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Rà soát, đôn đốc các NCCNN chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện các nội dung nâng cấp Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần khẩn trương hoàn thiện và triển khai ứng dụng Bản đồ số mỏ khoáng sản trên toàn quốc. Thực hiện đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo đúng quy định.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và các chuyên đề chống thất thu theo chương trình công tác năm 2024.
Minh Châu
-
Sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế
-
Luật sư Trương Anh Tú: Sửa Luật số 69, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước chủ động hơn
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên