Tận dụng triệt để chất thải bùn đỏ
Giải tỏa nỗi lo bùn đỏ
Mấy năm trở lại đây, việc khai thác bauxite ở Tây nguyên và việc tồn chứa, xử lý bùn đỏ được dư luận hết sức quan tâm. Đặc biệt là những tác động đến môi trường luôn là vấn đề nóng trên khắp các diễn đàn chính trị, xã hội cũng như khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Bùn đỏ là loại quặng đuôi được sinh ra đồng thời với alumina trong tiến trình tinh luyện bauxite để sản xuất ra nhôm (công nghệ Bayer). Theo các chuyên gia bùn đỏ là chất thải độc hại nhất của nhà máy alumina khi xử lý bauxite, nó còn vấn đề đau đầu với nhiều quốc gia trên thế giới trong việc xử lý tác hại đến môi trường.
Hồ chứa bùn đỏ tại Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) |
Theo quy hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Dự án a-lumin Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông) có công suất 600 nghìn tấn alumin/năm sẽ thải ra lượng bùn đỏ khô khoảng gần 570 nghìn tấn/năm, cộng với dung dịch bám theo bùn đỏ là khoảng 610 nghìn tấn/năm. Dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng) theo tính toán sẽ thải ra lượng bùn đỏ khô khoảng 637 nghìn tấn/năm và dung dịch bám theo bùn đỏ ước tính là gần 688 nghìn tấn/năm. Như vậy, hai nhà máy alumin ở Tây Nguyên, hằng năm thải ra lượng bùn đỏ khô khoảng 1,2 triệu tấn. Đây sẽ là vấn đề xã hội lớn nếu không có giải pháp xử lý hiệu quả khối lượng bùn đỏ thải ra sau khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Sau nhiều năm nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm từ các nước, kể từ năm 2012, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã triển khai, thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 do TS Vũ Đức Lợi thuộc Viện Hóa học làm chủ nhiệm, đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá loại xuất sắc.
Theo đó, bước đầu đã sản xuất được một lượng sắt xốp làm nguyên liệu cho sản xuất thép và hàng nghìn cân xỉ được sử dụng cho sản xuất clanh-ke và vật liệu xây dựng không nung. Các tính toán về hiệu quả kinh tế cho thấy, các thành phẩm từ bùn đỏ có chi phí thấp hơn so với giá sản phẩm thương mại trên thị trường, chứng tỏ tính khả thi của việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Sẽ có 1 tỉ viên gạch từ bùn đỏ
Từ những kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên” là những đóng góp mới cho khoa học và có thể ứng dụng trong thực tiễn. Một tin vui khi ngày 4-3 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức ký văn bản đồng ý về chủ trương ủng hộ Công ty Cổ phần Lộc Châu thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung từ nguồn thải bùn đỏ của Nhà máy Alumin Tân Rai Lâm Đồng.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Lộc Châu: “Qua khảo sát và làm việc với Công ty TNHH MTV Alumin Nhôm Lâm Đồng, TKV đã đồng ý và giới thiệu địa điểm xây dựng Nhà máy gạch không nung của Công ty từ lượng thải bùn đỏ, xỉ và tro bay của Nhà máy Alumin Nhôm Tân Rai, Bảo Lâm với công suất 1 tỉ viên gạch/năm”.
UBND đã có ý kiến đề nghị Công ty CP Lộc Châu liên hệ chính quyền địa phương để xác định cụ thể vị trí, diện tích quy mô… đồng thời lập thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung theo đúng quy định. Vị trí dự kiến xây dựng nhà máy gạch không nung tại tại tổ 20 và 21, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm với diện tích 22ha. Như vậy, việc chuẩn bị xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung từ bùn đỏ hứa hẹn một hướng đi nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành công nghiệp alumin - nhôm cũng như xử lý tốt hơn vấn đề môi trường bền vững.
Nguyễn Kiên
Năng lượng Mới 504