Sửa đổi thuế tài nguyên than - Bao giờ?
Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành và sửa đổi các chính sách tài chính, thuế đối với tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng để đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước, hạn chế khai thác bừa bãi, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản... Tuy nhiên, vẫn có những chính sách thuế, phí đối với tài nguyên còn chưa phù hợp với thực tiễn, cần phải tiếp tục sửa đổi.
Ngành than gặp nhiều khó khăn do thuế tài nguyên cao |
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung chính sách phải đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 2-NQ/TW ngày 25-4-2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 7-NQ/TW ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020; Chỉ thị số 3/CT-TTg ngày 30-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản và tình hình thực tế quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản; đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với tinh quặng sắt manhetit đã qua chế biến, thuế nhập khẩu đối với than và chính sách thuế, phí đối với than theo quy định.
Được biết, chính sách thuế, phí tài nguyên hiện nay đang có hai luồng ý kiến trái chiều. Trong khi cơ quan quản lý cho rằng, cần phải điều chỉnh tăng để hạn chế khai thác bừa bãi, tiết kiệm nguồn tài nguyên cho đất nước, thì các doanh nghiệp lại cho rằng, việc áp thuế, phí cao là bất hợp lý.
Những năm qua, ngành than liên tục kêu khó. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng, than trong nước kém cạnh tranh hơn so với than nhập khẩu chủ yếu do thuế tài nguyên của Việt Nam cao hơn các nước như Indonesia, Australia, Trung Quốc 5-7%.
Trong khi giá than thế giới giảm thì các loại thuế, phí với than trong nước lại tăng. TKV đã gửi văn bản kiến nghị xem xét giảm thuế tài nguyên nói chung và thuế tài nguyên đối với sản phẩm than nói riêng bằng mức các nước trong khu vực. Cụ thể: than hầm lò thuế suất 5%, than lộ thiên 7%; không tính phí môi trường trên đất đá thải ra trong quá trình khai thác.
Theo Nghị quyết số 1084/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế tài nguyên tiếp tục tăng từ ngày 1-7-2016: than khai thác lộ thiên tăng lên 12%, than khai thác hầm lò 10%. |
Theo văn bản kiến nghị, trong các năm gần đây, ngành than gặp nhiều khó khăn, bởi nhu cầu năng lượng cũng như giá than trên thị trường thế giới đều giảm, trong đó giá than giảm trên 30%. Thế nhưng, các loại thuế, phí lại tăng, cụ thể: Thuế tài nguyên bình quân 10%; phí môi trường và thuế môi trường khoảng 2,5%; tiền cấp quyền khai thác 2%; các loại thuế, phí khác 0,5%. Ngoài thuế, phí nói trên, sản phẩm than trong nước phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng.
Thêm vào đó, theo Nghị quyết số 1084/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế tài nguyên tiếp tục tăng từ ngày 1-7-2016. Theo đó, than khai thác lộ thiên tăng lên 12%, than khai thác hầm lò 10%. Theo tính toán, với mức thuế tài nguyên điều chỉnh tăng đồng nghĩa với việc TKV tăng chi phí lên khoảng 1.200 tỉ đồng/năm.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính từng nêu rõ, thuế suất thuế tài nguyên vừa mới ban hành nên cần có thời gian để tổng kết, đánh giá. Việc xem xét sửa đổi thuế suất thuế tài nguyên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước những khó khăn như hiện nay thì thuế phí là một trong những giải pháp chính sách mà TKV mong mỏi Nhà nước có thể tháo gỡ.
Minh Châu