Năm học mới : Lại nỗi lo về “phí” và quá tải
Lạm thu, phụ phí vẫn tồn tại
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức buổi họp báo về tình hình chuẩn bị năm học 2012 – 2013 và cho biết Bộ chưa đặt vấn đề tăng học phí trong điều kiện kinh tế như hiện nay. Tuy nhiên, năm học mới chỉ vừa bắt đầu nhưng tình trạng lạm thu ở một số trường vẫn còn và đang diễn ra.
Ông Lê Khánh Tuấn, Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính thừa nhận, việc một số trường thu thêm khoản ngoài học phí là có thật. Các trường giải thích rằng do thu không đủ chi nhưng đây chỉ là nguyên nhân thứ yếu.
Bộ đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó, quan tâm làm sao để đảm bảo đủ nguồn đầu tư ngân sách theo quy định của Thủ tướng, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn chi thường xuyên để cải thiện nguồn chi tại nhà trường. Trước mắt thực hiện theo nguyên tắc 80% chi cho con người và 20% chi cho hoạt động, tuân thủ nguyên tắc người học được hưởng mức dịch vụ nào thì đóng góp tương xứng với mức ấy.
Tình trạng lạm thu vẫn diễn ra ở các trường tư
Trong thời gian sắp tới, Bộ GD-ĐT cũng sẽ ban hành thông tư quy định việc quản lý thu chi các khoản thu tự nguyện. Theo đó, tất cả các khoản thu tự nguyện phải đưa vào hệ thống sổ sách kế toán của nhà trường, phải có thiết kế, dự toán, làm xong phải có báo cáo công khai các khoản thu chi, sử dụng trên tinh thần tiết kiệm.
"Chúng tôi đang soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện thu tự nguyện, yêu cầu công khai thu chi" - ông Tuấn nói.
Đó là quy định đối với các trường công lập, nhưng tại một số trường tư, việc quy định mức học phí, phụ phí hầu như rất khó quản lý bởi tính chất tự chủ kinh tế. Quyền tự chủ này khiến khoản học phí trở thành nỗi ám ảnh đối với không ít phụ huynh cho con đi học trường tư. Vừa qua, một loạt các trường tư đã công bố thông tin tăng học phí và các loại phụ phí khác.
Trường Tiểu học DL Lê Quý Đôn tăng học phí từ 2,2 triệu đồng năm học 2011-2012 lên 2,8 triệu, tiền ăn tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng. Trường Tiểu học quốc tế Việt - Úc, tăng học phí từ trên 55 triệu (2010-2011) lên trên 60 triệu (2011-2012) và năm học mới 2012-2013, mức học phí là khoảng 70 triệu đồng/năm học...
Nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng công bố tăng học phí trong năm học mới. ĐH Dân lập Phương Đông, học phí năm thứ nhất 2012 - 2013 từ 6,75 triệu đến 8,25 triệu đồng/năm (mỗi năm tăng 10%). Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, học phí là 9 triệu đồng/năm (năm 2011 là 8,4 triệu đồng). Trường ĐH Ngoại Ngữ - Tin học TPHCM mức học phí cũng tăng nhẹ so với năm 2011, theo đó, năm thứ nhất mức đóng từ 12 - 15 triệu đồng tùy theo ngành học…
Mặc dù theo quy định, các trường ngoài công lập phải công khai mức học phí, nhưng không phải trường nào cũng thực hiện nghiêm túc quy định này.
Không thể từ chối học sinh chỉ vì quá tải
Ông Lê Tiến Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học): "Ngành GD muốn tất cả trẻ đều được đến trường"
Một vấn đề “nóng” được nhiều phụ huynh phản ánh, đó là các lớp học đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt là các lớp thuộc trường chuẩn quốc gia, gây khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh.
Các lớp học hiện nay có số lượng học sinh quá đông, trung bình có 50 – 60 em/lớp, trong khi quy định chuẩn chỉ là 35 em/lớp. Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành cho hay, Bộ GD-ĐT biết tình trạng này.
Lý do của tình trạng quá tải này là, ở thành phố lớn, hàng năm đều có lượng dân di cư rất lớn và kéo theo số trẻ từ nông thôn lên thành thị cũng tăng nhanh chóng; điều này gây nên tình trạng số lượng học sinh ngày càng đông, còn ở nông thôn ngày càng ít đi. Trong hoàn cảnh đó, thành phố không xây dựng kịp trường học để đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ và trách nhiệm thuộc về UBND các thành phố.
Tuy nhiên, nếu cứ áp mức chuẩn 35 học sinh/lớp thì cũng giống như nhưng chiếc “xe buýt” chỉ có 30 chỗ, không thể nhét vừa 50 người thì 20 người còn lại sẽ không được đi. Trong khi ấy, mục tiêu của ngành GD là muốn tất cả các trẻ em đều được đến trường, không thể chỉ chấp nhận 30 người mà thẳng thừng từ chối 20 người còn lại được quyền đi học, vì thế, trong tất cả các giải pháp, phải chấp nhận cách tốt nhất là mỗi lớp gánh thêm một chút.
Ông Thành cho hay: "Chúng tôi biết các thành phố đều đã và đang cố gắng xây trường, giảm học sinh trên một lớp, nhưng để đạt được con số mong muốn thì còn phải cố gắng nhiều. Chúng ta rất bức xúc về sự mất cân đối nhưng đó là thực tế mà hiện tại chúng ta phải chia sẻ. Giải quyết nó cần có lộ trình, không thể có một giải pháp tức thì”.
P.V
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống
-
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
-
[Video] Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
-
Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
-
Nam Phi đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng