Vì sao mưa lũ ngày càng nghiêm trọng?
Đợt lũ lụt chưa từng có này thậm chí còn gây ngập lụt đối với cả những cộng đồng vốn quen thuộc với thời tiết hạn hán khắc nghiệt, cho thấy những hạn chế của những hệ thống cảnh báo sớm và việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều quốc gia nhằm tránh tổn thất lớn về người.
Các nhà khoa học về khí hậu đã cảnh báo rằng, chu trình nước (vòng tuần hoàn nước) tăng nhanh đang đe dọa khí hậu do lượng khí thải nhà kính trong quá khứ và tương lai, hiện khó có thể đảo ngược.
Những cộng đồng bị thiệt hại nặng nề nhất thường ở các quốc gia nghèo hơn, nơi môi trường dễ bị tổn thương hơn, và có ít nguồn lực hơn để phục hồi sau thảm họa.
Hoạt động tìm kiếm và cứu nạn sau trận lở đất ở Wayanad, Ấn Độ vào ngày 31/7 (Ảnh: Idrees Mohammed/AFP/Getty Images) |
Điều gì đang xảy ra?
Lượng mưa đạt kỷ lục vào tháng 9 đã khiến gần 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và khiến 1.000 người thiệt mạng ở khu vực Sahel của châu Phi và các vùng lân cận, đồng thời gây ra các cuộc sơ tán và việc đóng cửa hàng loạt các cảng biển ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Trung Âu đã hứng chịu trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm do bão Boris gây ra, gây thiệt hại từ 2 tỷ euro (2,2 tỷ đô la) đến 3 tỷ euro. Hơn 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ lụt ở Nepal kể từ cuối tháng 9, phá hủy đường sá và nhà cửa.
Tại Hoa Kỳ, bão Helene đã gây ra trận lũ lịch sử ở phía Đông Nam, khiến ít nhất 166 người thiệt mạng và làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo và sinh thái. Theo dự báo của công ty dự báo thương mại AccuWeather Inc., thiệt hại kinh tế có thể lên tới 160 tỷ USD. Điều đó khiến nó trở thành một trong 5 cơn bão gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Trong khi số người chết vì thiên tai có xu hướng thấp hơn ở các quốc gia giàu có, lũ lụt bất ngờ đã khiến hầu hết các quốc gia không kịp trở tay. Vào năm 2021, ít nhất 220 người đã thiệt mạng ở Đức do mưa lớn và lũ lụt, một thảm họa mà các nhà nghiên cứu cho rằng do biến đổi khí hậu gây ra.
Các khu vực như Nam Á, vốn quen thuộc với những trận mưa lớn dữ dội, cũng đang phải vật lộn để ứng phó. Vào cuối tháng 7, lở đất đã khiến hơn 300 người thiệt mạng ở Wayanad, tiểu bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, sau khi mưa lớn trút xuống các ngọn đồi trong nhiều giờ. Các trận lở đất do điều kiện thời tiết tương tự cũng đã khiến hàng chục người ở miền núi phía Bắc của Ấn Độ thiệt mạng.
Nguyên nhân nào gây ra lượng mưa lớn và thường xuyên hơn?
Trong báo cáo đánh giá mới nhất, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) đã chỉ ra rằng sự nóng lên toàn cầu đang thúc đẩy chu trình nước của hành tinh, khiến thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn.
Nồng độ khí nhà kính cao trong khí quyển khiến nhiệt độ trên đất liền và trên biển tăng lên. Kết quả là, các đại dương ấm hơn giải phóng độ ẩm vào không khí thông qua quá trình bốc hơi, tạo ra những đám mây dày đặc, thẳng đứng nhanh chóng giải phóng lượng mưa lớn. Trong một số trường hợp, lượng mưa thường xảy ra trong một hoặc hai ngày cuối cùng lại trút xuống trong 2 hoặc 3 giờ.
Theo Deborah Brosnan, một nhà khoa học về biển và khí hậu, sở hữu một công ty tư vấn môi trường tại Washington, không khí có khả năng giữ độ ẩm theo cấp số nhân khi nó nóng lên, trung bình có thể hấp thụ thêm 7% nước cho mỗi 1 độ C nóng lên. Brosnan cho biết: "Trường hợp nhiệt độ toàn cầu hiện đang nóng hơn 1,2 độ C, tương đương với việc lượng mưa trung bình tăng hơn 8%".
Tại sao các trận mưa lớn ngày càng trở nên cực đoan hơn?
Nhiều khu dân cư ở cả các nước công nghiệp hóa và đang phát triển không tải được lượng mưa lớn và kéo dài do biến đổi khí hậu gây ra. Nhiều người không bị chết đuối mà bị chôn vùi dưới bùn đất đổ xuống từ các ngọn đồi không thể hấp thụ lượng nước mưa lớn như vậy. Những người khác bị đè bẹp bên trong những ngôi nhà đổ nát.
Mưa lớn thường kết hợp với các tác động khác của biến đổi khí hậu khiến các thành phố và khu vực canh tác dễ bị tổn thương hơn. Một nghiên cứu lập bản đồ các điểm “nóng” dễ bị tổn thương do khí hậu ở Ấn Độ phát hiện ra rằng các khu vực chịu nhiều đợt nắng nóng hơn cũng có xu hướng xảy ra nhiều trận mưa lớn hơn. Trong những trường hợp như vậy, nếu đất khô do đợt nắng nóng kéo dài, đất sẽ trở nên rắn hơn, khiến nước mưa khó thấm qua và làm trầm trọng thêm nguy cơ lũ lụt.
Đất ngập nước và nền nhiệt trên đường đi của một cơn bão có thể khiến nó tăng cấp sau khi đổ bộ vào đất liền. Các nhà khoa học đã gọi hiện tượng này, trong đó đất bão hòa giống như bề mặt biển, là "hiệu ứng đại dương nâu". Điều này lý giải tại sao bão Helene lại tàn khốc đến vậy.
Khoa học khí quyển có thể giúp ứng phó với biến đổi khí hậu?
Những tiến bộ gần đây trong khoa học khí quyển giúp chúng ta có thể đánh giá chính xác vai trò của biến đổi khí hậu trong các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong quá khứ và lập mô hình các hình thái mưa trong tương lai để các khu vực dễ bị tổn thương có thể đối phó tốt hơn với mưa lũ.
Khả năng ứng phó với lũ lụt vẫn phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ xói mòn của đất và nạn phá rừng, sức chống chịu của các cây cầu, các con đập, hệ thống phòng chống lũ lụt, và mức độ nghèo đói. Vẫn chưa có cơ sở thống nhất tất cả các yếu tố này cùng các lỗ hổng về khí hậu để xác định các tình huống rủi ro nhất.
Ai sẽ phải trả giá cho tình trạng mưa lớn thường xuyên hơn?
Khi những rủi ro liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng rõ ràng và tốn kém hơn để giải quyết, một số chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi, đang nghiên cứu các sản phẩm tài chính mới để tài trợ cho chi phí phục hồi.
Một là bảo hiểm tham số, chi trả một số tiền cố định dựa trên quy mô của thảm họa, chứ không phải quy mô tổn thất - như trường hợp của các hợp đồng bảo hiểm liên quan đến thời tiết.
Trái phiếu thảm họa, được chi trả sau khi thảm họa thiên nhiên được tuyên bố, đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây.
Một số chính phủ ở các quốc gia đang phát triển cũng đang quan tâm đến các sản phẩm tài chính được kích hoạt trong các trường hợp thời tiết bất thường ít khắc nghiệt hơn. Khối lượng giao dịch trung bình đối với các "sản phẩm phái sinh thời tiết" được niêm yết này đã tăng hơn 260% vào năm 2023, theo CME Group.
Mối đe dọa từ lượng mưa cực lớn
Các nhà khoa học cho biết, các mô hình hiện tại của họ có thể đã đánh giá thấp mức độ của sự nóng lên toàn cầu gây ra lượng mưa cực lớn, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới. Trong khi một số ít khu vực có khả năng tránh được tác động trong những năm tới, IPCC chỉ ra rằng châu Phi và châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu là những nơi bị đe dọa nhiều nhất.
Ngoài nguy cơ thiệt hại về người, lượng mưa dư thừa cũng có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất lương thực vì nó đóng vai trò chính trong quá trình xói mòn đất, làm cạn kiệt các chất dinh dưỡng cần thiết cho nông nghiệp và cô lập carbon. Một nghiên cứu cho thấy, đến năm 2070, tình trạng xói mòn đất trên toàn thế giới có thể tăng tới 35%.
Ngay cả khi mưa đã tạnh và những người sống sót được đưa đến nơi an toàn, lũ lụt vẫn gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Các hồ chứa nước sạch có thể bị ô nhiễm bởi nước thải, do đó mang theo dịch bệnh như tả, kiết lỵ, thương hàn và bại liệt. Các vùng nước tù đọng có thể trở thành điểm nóng của bệnh truyền nhiễm, lây lan bệnh sốt rét hay sốt xuất huyết qua muỗi.
IPCC cảnh báo rằng khi hành tinh nhanh chóng tiến gần đến ngưỡng tăng 1,5 độ C, các trận lũ lụt sẽ trở nên thường xuyên hơn và các kế hoạch hành động về sức khỏe bao gồm phân phối vắc-xin và cải thiện khả năng tiếp cận nước uống cùng các biện pháp khác nên được đưa ra.
D.Q
Bloomberg
-
Hội thảo phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đảo và khu vực ven biển
-
Quảng Nam: Trong 8 phút xảy ra 3 trận động đất
-
Vì sao mưa lũ ngày càng nghiêm trọng?
-
Quảng Nam đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
-
Kinh nghiệm phòng chống lũ ống, lũ quét