Mỹ cảnh báo áp lệnh trừng phạt "chưa từng có" với Nga
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (Ảnh: AFP). |
"Chúng tôi đang làm việc với các đồng minh và chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra các lệnh trừng phạt mà họ chưa từng thấy trước đây", Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói trong cuộc phỏng vấn với CBS hôm 26/12.
Trả lời câu hỏi về khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh nóng ở châu Âu trong những tuần tới, bà Harris cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang có "các cuộc đối thoại trực tiếp" với Nga.
"Chúng tôi đang có những cuộc đối thoại trực tiếp với Nga. Tổng thống Biden gần đây đã gặp (Tổng thống Nga) Putin, và chúng tôi đã tuyên bố rất rõ ràng rằng Nga không nên xâm phạm chủ quyền của Ukraine, rằng chúng tôi ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", bà Harris nói thêm.
Khi được hỏi liệu Mỹ có trừng phạt "trực tiếp" Tổng thống Putin không, bà Harris cho biết: "Tôi sẽ không nói về các biện pháp trừng phạt cụ thể, nhưng chúng tôi đã nói rõ điều đó với ông ấy và chúng tôi đã trao đổi trực tiếp. Chúng tôi cũng đang làm việc rất chặt chẽ với các đồng minh của mình. Một lần nữa, chúng ta hãy sử dụng vấn đề này như một ví dụ cho thấy tầm quan trọng của sức mạnh từ các mối quan hệ đó".
Theo người phỏng vấn, trước đây Mỹ và các đồng minh từng áp lệnh trừng phạt với Nga, nhưng vẫn không ngăn cản được Nga hành động. Đáp lại, Phó Tổng thống Mỹ cho biết: "Tôi nhắc lại rằng các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đang nói đến là những biện pháp trừng phạt mà chúng tôi chưa từng đưa ra trước đây".
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Nga điều quân ồ ạt đến khu vực biên giới với Ukraine để chuẩn bị cho hành động quân sự nhằm vào nước này. Đáp lại, Nga tuyên bố họ có thể tự do di chuyển lực lượng đến bất cứ đâu trong lãnh thổ của mình và yêu cầu NATO đảm bảo an ninh.
Ngày 17/12, Nga đã công bố các đề xuất về đảm bảo an ninh chung với Mỹ và NATO. Một văn bản có tên gọi "Hiệp ước giữa Mỹ và Liên bang Nga về đảm bảo an ninh", kêu gọi các cam kết ràng buộc về mặt pháp lý giữa 2 quốc gia về việc không triển khai lực lượng và binh lính, khí tài quân sự ở những khu vực mà họ có thể được coi là mối đe dọa đối với nước khác.
Văn bản trên kêu gọi Mỹ không tiếp tục mở rộng NATO về hướng đông và dừng việc hợp tác quân sự với các nước hậu Liên Xô (trừ các nước đã là thành viên của liên minh).
Đề xuất thứ 2 về đảm bảo an ninh giữa Nga và NATO cũng có những hạng mục tương tự, kêu gọi NATO dừng mở rộng và ngăn kết nạp Ukraine vào khối.
"Chúng tôi muốn mọi người ở Nga và Ukraine cũng như người dân ở châu Âu và Mỹ hiểu rõ quan điểm của chúng tôi, những gì chúng tôi muốn đạt được với các cuộc đàm phán này. Tôi không thấy điều đó có gì sai trái", Tổng thống Putin nói.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 26/10, Tổng thống Putin cảnh báo Mỹ và đồng minh đã dồn Nga vào một vị trí mà họ không còn đường lùi.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 24/10: Thương mại điện tử 9 tháng tăng gần 38%
-
Giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ trong kỳ điều chỉnh ngày 24/10
-
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
-
BRICS hấp dẫn thế nào mà hơn 30 quốc gia "săn đón"?
-
Tổng thống Putin đề xuất chiến lược kinh tế mới cho BRICS