Khó gọi vốn đầu tư cho ngành than
Những bài học quản trị dòng tiền
Năm 2019, TKV đã có những bước tiến vượt bậc trong sản xuất kinh doanh, công tác quản trị tài chính, huy động vốn được đánh giá cao. Ngay từ đầu năm 2019, TKV đã tính toán nhu cầu vốn lưu động toàn Tập đoàn khoảng 15,626 tỉ đồng, trong đó, vốn của công ty mẹ lên tới gần 9.000 tỉ đồng. Trên cơ sở đó, TKV đã xây dựng hạn mức tín dụng ngắn hạn với 15 ngân hàng trong nước và quốc tế để thiết lập các hạn mức dự phòng và giải ngân từng tháng, từng quý.
Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II hoạt động hiệu quả |
Do tính toán tốt, TKV đã giải ngân và quản trị nợ vay ngắn hạn hiệu quả, bảo đảm nhu cầu vốn cho chu trình sản xuất kinh doanh mà không vượt định mức được HĐQT phê duyệt dù trong năm 2019 TKV đã vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh hơn 10%. Cụ thể, chỉ có quý I/2019, dư nợ ngắn hạn của TKV tiệm cận định mức khi TKV phải tăng tích lũy tiền mặt để trả nợ trái phiếu (3.000 tỉ đồng), hầu hết các thời điểm còn lại, dư nợ đều dưới định mức 2.000-4.000 tỉ đồng. Con số đó thể hiện việc điều hành dòng tiền hiệu quả của TKV, góp phần giảm chi phí lãi vay. Cũng trong năm 2019, trên cơ sở phân tích, đánh giá thị trường ngoại hối, lãi suất và cân đối tổng thể thu - chi ngoại tệ, TKV đã đẩy mạnh vay ngắn hạn ngoại tệ với lãi suất chỉ tương đương 70-80% lãi suất tiền Việt Nam.
Năm 2019, TKV đã đẩy mạnh nhập khẩu than về phối trộn với than trong nước, cung cấp cho các nhà máy điện, tạo tiền đề để nhập khẩu than phục vụ kinh doanh, kết hợp với sản xuất kinh doanh tại các đơn vị trong TKV. Để bảo đảm nguồn vốn cho nhập khẩu than, TKV đã tích cực dùng thư tín dụng trả chậm có thể thanh toán ngay (UPAS L/C) trong thanh toán than nhập khẩu với doanh số khoảng 75 triệu USD, góp phần bảo đảm nhập khẩu than nhanh chóng, thông suốt.
Trong tháng cuối cùng của năm 2019, TKV đã phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp với kỳ hạn 5 năm, lãi suất khoảng 9,55%/năm để bổ sung vốn hoạt động. Đây là một điểm nhấn trong công tác huy động vốn của TKV sau 5 năm kể từ đợt phát hành trái phiếu gần nhất. Đợt phát hành trái phiếu này thể hiện uy tín của TKV trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Mặt khác, thành công phát hành trái phiếu đã góp phần tái cơ cấu vốn, bảo đảm cân đối nguồn và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của TKV ổn định hơn so với các năm trước, đáp ứng được điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng.
Điểm nổi bật trong quản trị dòng tiền và chi phí của TKV được thể hiện ở chi phí huy động vốn. Hiện nay, TKV có thể huy động vốn với chi phí thấp, lãi suất vay vốn bình quân thấp hơn 1-1,5% so với các doanh nghiệp khác. Cụ thể, tổng chi phí lãi vay của TKV năm 2019 khoảng 3.700 tỉ đồng, năm 2018 là 4.615 tỉ đồng, năm 2017 là 4.881 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2019, mặc dù quy mô sản xuất kinh doanh của TKV tăng đáng kể so với 2 năm trước nhưng lãi vay vốn ngắn hạn lại có chiều hướng giảm, chỉ khoảng 690 tỉ đồng (năm 2017 là 840 tỉ đồng, năm 2018 là 775 tỉ đồng).
Bên cạnh những thuận lợi trong huy động vốn ngắn hạn, việc huy động vốn dài hạn cho các dự án đầu tư khai thác, kinh doanh than đang gặp khó khăn rất lớn khi các ngân hàng thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel 2, việc cho vay được đánh giá rất kỹ lưỡng trên nhiều phương diện, kể cả thủ tục pháp lý, danh tiếng của doanh nghiệp… Đối với TKV, việc huy động vốn dài hạn đầu tư cho các dự án gặp nhiều khó khăn khi một số thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư vẫn đang phải chờ các bộ, ngành phê duyệt như Dự án xuống -150m tại mỏ than Mạo Khê, Dự án than hầm lò Khe Chàm II - III - IV…
Khai thác các nguồn vốn từ xã hội
Theo Ban Kế toán - Tài chính TKV, công tác huy động vốn trong năm 2020 và các năm tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính sách tín dụng chặt chẽ hơn khi tăng trưởng tín dụng năm 2020 dự kiến chỉ ở mức 14%. Quy định về cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng cũng chặt chẽ, doanh nghiệp cân đối được ngoại tệ từ xuất khẩu mới được phép nhập khẩu, cũng gây khó đối với các doanh nghiệp như Công ty CP Xuất nhập khẩu than (Coalimex), Công ty CP Kinh doanh than Miền Bắc, thậm chí là cả TKV trong việc thu xếp nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu than.
Cần đẩy nhanh phê duyệt dự án than hầm lò tại mỏ Khe Chàm |
Cân đối nguồn vốn ngoại tệ cũng gặp khó khi giá alumin giảm trong khi nhu cầu ngoại tệ thanh toán nhập khẩu than khá lớn. Đặc biệt, các vướng mắc chưa được giải quyết liên quan đến hồ sơ pháp lý (giấy phép khai thác…) của các dự án khai thác than như Mạo Khê, Khe Chàm cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn tín dụng dài hạn. Bên cạnh đó, các thủ tục liên quan đến vay vốn nước ngoài phải báo cáo, chờ sự phê duyệt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước khác làm TKV mất rất nhiều thời gian chờ đợi, bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.
Lường trước được những khó khăn đó, TKV đã đưa ra các giải pháp huy động vốn tối đa cho năm 2020, trong đó có vốn ngắn hạn cho hoạt động kinh doanh và vốn dài hạn để đầu tư.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2020, sản lượng than nhập khẩu của TKV dự kiến khoảng 10,5 triệu tấn, trị giá khoảng 800 triệu USD, trên cơ sở lượng than xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. TKV đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đang chờ phê duyệt.
Bên cạnh khoản vay đó, trong năm 2020, TKV và các doanh nghiệp nhập khẩu, phối trộn than sẽ tiếp tục đẩy mạnh sử dụng các công cụ tài chính cho thanh toán than nhập khẩu và nghiên cứu áp dụng các công cụ bảo hiểm tỷ giá để hạn chế rủi ro biến động tỷ giá khi nhập khẩu than bằng đồng Việt Nam. Trong thời gian tới, TKV sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại trong nước để xây dựng các gói tài trợ cho hoạt động nhập khẩu than nhằm khai thác được các sản phẩm ưu đãi, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh than nhập khẩu.
Về vốn dài hạn phục vụ đầu tư, TKV đang tính toán huy động từ 4 nguồn, gồm vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng, vốn từ phát hành trái phiếu và vốn xã hội. Trong đó, TKV đặt trọng tâm vào vốn huy động từ việc cổ phần hóa, trên thị trường chứng khoán thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.
Tuy nhiên, hiện nay, các công ty cổ phần đã niêm yết của TKV hầu như chưa phát huy được lợi thế, cổ phiếu bị định giá tương đối thấp, không thu hút được nhà đầu tư. Do đó, trong năm 2020 và các năm tiếp theo, các doanh nghiệp trực thuộc TKV xây dựng giải pháp cụ thể để nâng cao giá trị doanh nghiệp, nâng cao tiềm lực tài chính, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đây là những cơ sở để huy động nguồn vốn lớn từ thị trường chứng khoán thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư các dự án khai thác than, khoáng sản.
Hiện nay, TKV còn 2 dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Na Dương II có tổng nhu cầu vốn đầu tư lên tới 54.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, năm 2020, giá trị đầu tư của TKV lên tới 15.686 tỉ đồng, nhu cầu vốn tín dụng dài hạn hơn 10.000 tỉ đồng. |
Thành Công