“Giữ chân” thợ lò thế nào đây?
Chăm lo hết mức
Trong những năm qua, TKV và các doanh nghiệp thành viên luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc chăm lo phát triển đội ngũ công nhân mỏ hầm lò. Từ thu nhập, phúc lợi, điều kiện làm việc, nơi ăn chốn ở… nhằm thu hút và “giữ chân” thợ lò. Thực tế cho thấy, tập đoàn đặt trọng tâm vào cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao tiền lương, thu nhập cho người lao động, để họ yên tâm gắn bó lâu dài.
Để giảm tải sức lao động vất vả của người thợ, các đơn vị đã không ngừng đổi mới công nghệ, cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu sản xuất, nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh được triển khai trên nhiều lĩnh vực. Các mỏ lộ thiên đã sử dụng thiết bị cơ giới hóa công suất lớn trong các khâu khoan, xúc bốc và vận tải; các khâu sàng tuyển, nhiệt điện, luyện kim đều có sự đầu tư đáng kể nhằm từng bước cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.
Thợ lò than Dương Huy |
Đồng thời, để đảm bảo tiền lương thu nhập cho người lao động, Tập đoàn đã tăng cường công tác quản lý, quản trị chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ năm 2010 đến nay, HĐTV Tập đoàn đã có nghị quyết về lộ trình tăng tiền lương cho người lao động theo từng giai đoạn; đặc biệt với thợ lò thực hiện lộ trình tăng lương bình quân hằng năm từ 5-10%.
Tại các trường đào tạo nghề của TKV, học sinh khi đến học 3 ngành nghề chính là kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò sẽ được miễn phí 100% tiền học; được bố trí ăn, ở, ngủ nghỉ miễn phí tại ký túc xá. Trong thời gian thực tập tại các doanh nghiệp, học viên cũng được trả lương và hưởng các chế độ đãi ngộ như công nhân và khi ra trường được bố trí ngay công ăn việc làm tại các DN trong Tập đoàn.
Tuy nhiên, dù cơ chế ưu đãi đối với học sinh nghề mỏ là rất lớn, đồng thời bản thân các trường cao đẳng nghề mỏ, các công ty than đã rất nỗ lực trong việc tuyển sinh, song kết quả thu hút học viên không đạt kế hoạch, nhất là trong khoảng 3 năm trở lại đây. Đơn cử như năm 2013, kết quả tuyển sinh là kém nhất từ trước đến nay, bằng 69,6% so với năm 2012 và chỉ đạt 51,3% so với kế hoạch. 9 tháng đầu năm 2014 cũng ước tính chỉ đạt 32% so với kế hoạch dự kiến (2720/8600). Tỷ lệ học sinh bỏ học ngay trong quá trình học tại trường cũng ngày càng gia tăng (năm 2010 là 12,8%, thì năm 2013 là gần 17%).
Một điều đáng chú ý nữa là địa bàn tuyển sinh được xem là nhiều nhất là các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ thì nay rất khó, việc tuyển dụng phải mở rộng lên nhiều nơi vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước. Về nguyên nhân của tình trạng này, theo một cán bộ trong Tập đoàn, hiện nay người lao động có nhiều lựa chọn trong thị trường lao động, sức hút lao động tại chỗ của nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng mạnh hơn. Vì lẽ đó, người lao động có tâm lý chọn công việc mặc dù lương thấp nhưng đỡ vất vả hơn so với lao động hầm mỏ. Trong khi đó, công tác tuyển sinh, đào tạo còn nhiều hạn chế do việc tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp chưa sâu, khiến nhiều học viên còn “lơ mơ” dễ dẫn tới tâm lý chán nản, bỏ học giữa chừng…
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, với đà này, nếu không sớm có chiến lược và các giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này thì chắc chắn sắp tới, TKV sẽ không có đủ nguồn nhân lực đáp ứng cho quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, nhất là theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn từng thẳng thắn chia sẻ, bên cạnh các giải pháp nâng cao đời sống thợ lò về chế độ lương thưởng, đời sống vật chất, tinh thần, phương tiện đi lại, làm việc cho công nhân, TKV đã suy nghĩ đến việc đầu tư nhà ở cho cả gia đình thợ lò. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đã đề nghị với Chính phủ xem xét, kiến nghị Quốc hội điều chỉnh những quy định về thâm niên, tuổi nghỉ hưu của người thợ lò…
Bởi vậy, để giải quyết “tận gốc” vấn đề này rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, bộ, ngành và toàn xã hội. Đặc biệt là việc tháo gỡ những nút thắt từ cơ chế, chính sách hay những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ ngành than. Từ đó mới tìm ra lời giải bài toán nhân lực hóc búa tồn tại đã nhiều năm nay.
Minh Châu
Năng lượng Mới số 500