Cơ giới hóa khai thác than của Vinacomin: Còn nhiều việc phải làm
Cơ giới hóa đồng bộ chưa đạt yêu cầu đề ra
Báo cáo tổng kết 2 năm về công tác kỹ thuật cho thấy, công tác cơ giới hóa (CGH) đồng bộ trong khai thác những năm gần đây chưa thật đạt được hiệu quả. Tỷ lệ sản phẩm do CGH đồng bộ mang lại đạt thấp và có xu hướng giảm. Các công nghệ khai thác buồng, cột; đào lò lấy than, lò chợ chống gỗ tỷ lệ khai thác chưa giảm.
Cụ thể, một số loại hình công nghệ phù hợp tiếp tục được áp dụng tại các đơn vị với sản lượng khai thác cao như: giá thủy lực di động dạng khung, xích chiếm khoảng 21% sản lượng khai thác (áp dụng nhiều tại: Thống Nhất, Vàng Danh, Nam Mẫu); giá thủy lực di động XDY chiếm 27-29% sản lượng khai thác (áp dụng nhiều tại: Mông Dương, Dương Huy, Hòn Gai, Hà Lầm, Mạo Khê), cột thủy lực đơn chiếm 21-24% sản lượng than khai thác (áp dụng nhiều tại: Đông Bắc, Uông Bí, Mạo Khê).
Sản lượng khai thác than năm 2012 phân theo công nghệ của Vinacomin
Công nghệ khai thác CGH đồng bộ tiếp tục được nghiên cứu áp dụng và hoàn thiện. Trong đó, dây chuyền CGH đồng bộ tại Công ty Than Khe Chàm vẫn được duy trì ổn định (sản lượng năm 2011: 233.000T, năm 2012: 238.000T). Một số dây chuyền CGH đồng bộ sử dụng dàn chống Vinaalta (Nam Mẫu, Vàng Danh), dàn 2ANSH (Uông Bí, Mạo Khê) chưa đạt được công suất thiết kế do điều kiện địa chất phức tạp, thiết bị vật tư thay thế còn chưa kịp thời. (Thời điểm hiện tại lò chợ CGH của Nam Mẫu đã hoạt động ổn định với sản lượng đạt khoảng 35.000 tấn/tháng). Sản lượng than CGH đạt tỷ lệ thấp.
Đối với vỉa dốc hiện nay chủ yếu khai thác bằng công nghệ lò dọc vỉa phân tầng, công nghệ chia lớp ngang nghiêng sử dụng giá thủy lực di động dạng khung, giá XDY, chiếm khoảng 15% sản lượng khai thác than (áp dụng nhiều tại: Đông Bắc, Hạ Long, Uông Bí, Mạo Khê, Vàng Danh). Công nghệ khai thác bằng đào lò lấy than và khấu buồng áp dụng đối với các khu vực có điều kiện địa chất phức tạp do không sử dụng được các công nghệ khác, sản lượng các công nghệ này chiếm khoảng 5-6% sản lượng khai thác.
Hiện nay, các công nghệ đang áp dụng thử nghiệm như: Khai thác vỉa dốc đứng bằng dàn chống tự hành KDT-2 tại Xí nghiệp Than Hà Ráng - Công ty Than Hạ Long; dàn chống tự hành siêu nhẹ tại Công ty Than Khe Chàm; khai thác cột dài theo phương, điều khiển đá vách bằng dải lưu than tại Công ty Than Quang Hanh, Công ty Than Hồng Thái, Công ty Than Uông Bí. Hay thử nghiệm kíp vi sai phi điện trong hầm lò tại Xí nghiệp Than Hà Ráng - Công ty Than Hạ Long, Công ty Than Đồng Vông - Công ty Than Uông Bí...
Khối lượng mét lò đào bằng máy chưa được như mong đợi
Cho đến nay, thống kê tại các đơn vị thuộc Tập đoàn cho thấy, khối lượng mét lò đào máy còn thấp, các đơn vị chưa tích cực và chủ động để đưa máy combai vào hoạt động. Công tác chống lò bằng vì neo đã được áp dụng ở hầu hết các đơn vị nhưng số lượng chưa nhiều và thực hiện không liên tục. Tỷ lệ mét lò đá ở một số đơn vị tăng nhiều như: Mạo Khê, Nam Mẫu; mét lò chống sắt tăng nhiều: Mạo Khê, Hạ Long. Chỉ một số đơn vị đã đưa máy combai vào đào lò: Mông Dương, Dương Huy, Vàng Danh. Các đơn vị không có mét lò đào máy trong năm 2011 và 2012 như: Đông Bắc, Thống Nhất, Nam Mẫu, Hạ Long, Mạo Khê, Hạ Long, Mạo Khê; nguyên nhân do máy hỏng và một số đơn vị không bố trí được diện sản xuất. Công tác phá vỡ than, đất đá hiện nay chủ yếu vẫn bằng khoan nổ mìn, sử dụng máy khoan điện cầm tay hoặc máy khoan khí nén. Các đơn vị đã sử dụng combai vào đào lò than nhưng khối lượng mét lò đào bằng máy còn ít; đối với đào lò đá sử dụng các loại xe khoan 1-2 cần để cơ giới hóa trong công tác khoan lỗ mìn. Bốc xúc than đá bằng máy xúc kiểu lật hông, máy xúc 1PPN-5, máy cào đá P60-B...
Sản lượng than nguyên khai theo kế hoạch của Vinacomin (ĐVT: triệu tấn)
Điều đáng nói là hiện nay, công tác chống giữ lò phân theo vật liệu chống giữ lò thì mét lò chống bằng vì sắt chiếm đa số trong tổng số mét lò đào (khoảng 80%) và có xu hướng tăng từ 77,5% năm 2011 lên 80,4% năm 2012. Mét lò chống gỗ có xu hướng giảm, từ 21,9% (năm 2011) xuống 18,6% (năm 2012). Mét lò chống bằng vì neo có xu hướng tăng nhanh từ 0,6% năm 2011 lên 1,0% năm 2012 (tăng 1,6 lần). Một số đơn vị đã tích cực đào chống lò bằng vì neo như: Đông Bắc, Khe Chàm, Hòn Gai, Hà Lầm, Uông Bí, Vàng Danh, Nam Mẫu.
Giải pháp nào cho CGH?
Để ổn định sản xuất và duy trì sản lượng khai thác khi có điều kiện tiêu thụ sản phẩm, hướng đi trọng tâm của Vinacomin vẫn là đẩy mạnh cơ giới hóa trong đào lò và khai thác những diện sản xuất có điều kiện phù hợp.
Theo đó, trong lĩnh vực khai thác hầm lò, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị tiếp tục áp dụng các công nghệ hiện đang là phù hợp với điều kiện địa chất mỏ, với vật liệu chống giữ như: giá thủy lực di động dạng khung, xích; giá XDY; cột thủy lực đơn; giảm dần công nghệ buồng, cột; đào lò lấy than; loại bỏ công nghệ lò chợ chống gỗ (trừ các lò chợ phá hỏa ban đầu). Hoàn thiện các công nghệ CGH đồng bộ đã đầu tư tại Vàng Danh, Nam Mẫu, Khe Chàm, Uông Bí, Mạo Khê. Hoàn thiện một số công nghệ đang áp dụng thử nghiệm ở các đơn vị và có báo cáo tổng kết sau khi kết thúc thử nghiệm. Đồng thời sẽ triển khai áp dụng thử nghiệm một số mô hình cơ giới hóa đào lò, khai thác tại các mỏ hầm lò trong giai đoạn 2013-2015.
Cụ thể: Công nghệ khai thác CGH đồng bộ sử dụng dàn chống tự hành có kết cấu hạ trần than kết hợp với máy khấu áp dụng cho điều kiện vỉa dày, dốc thoải đến nghiêng tại Thống Nhất hoặc Hà Lầm, Dương Huy. Công nghệ khai thác CGH đồng bộ khấu hết chiều dày vỉa sử dụng dàn chống tự hành kết hợp với máy khấu cho điều kiện vỉa có chiều dày 2,0-3,5m, dốc thoải đến nghiêng tại Dương Huy hoặc Khe Chàm. Công nghệ khai thác CGH đồng bộ khấu hết chiều dày vỉa sử dụng dàn chống tự hành kết hợp với máy khấu cho điều kiện vỉa có chiều dày < 2,0m, dốc thoải đến nghiêng tại Quang Hanh hoặc Nam Khe Tam. Công nghệ khai thác sử dụng dàn cơ khí với sơ đồ công nghệ khai thác theo hướng dốc vỉa cho điều kiện vỉa dày trung bình, góc dốc 35-550 tại Hồng Thái. Công nghệ khai thác với chèn lò cho các vỉa than khu Cánh Nam, Mạo Khê…
Trong lĩnh vực đào lò, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị chủ động có các biện pháp, chỉ đạo công tác đào chống lò bằng vì neo, đào lò bằng máy combai theo kế hoạch hằng năm đã được phê duyệt. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu đầu tư máy combai đào lò đá để áp dụng thử nghiệm tại một số đơn vị trong Tập đoàn; nghiên cứu hoàn thiện, xây dựng sơ đồ và quy trình công nghệ về cơ giới hóa đào lò mẫu, nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong công tác đào lò.
Hùng Hải