Bộ GD&ĐT đề xuất phương án thi, tuyển sinh sau năm 2020
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp |
Tại cuộc họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã báo cáo dự thảo đề xuất phương án thi sau 2020 của Bộ. Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, phương án này được xây dựng trên căn cứ là các quy định trong các Nghị quyết Trung ương số 29, Kết luận số 51-KL/TW (năm 2019) của Ban Bí thư, Nghị quyết số 44 năm 2014 của Chính phủ, Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Nguyên tắc xây dựng phương án đảm bảo tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh, không gây xáo trộn đối với việc dạy và học của giáo viên, học sinh, không gây bức xúc xã hội. Phương án này vừa kế thừa kết quả đã đạt được trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015-2020 vừa đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình GDPT mới và lộ trình tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo. Đề xuất này còn ứng dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục, áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin trong tổ chức thi, từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước trên thế giới.
Mục tiêu của phương án thi mà Bộ GD&ĐT đề xuất là tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy. Kỳ thi dùng để đánh giá kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học, từ đó tác động tích cực trở lại đổi mới quá trình đổi mới phương pháp dạy - học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Kết quả này đồng thời dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp dữ liệu đáng tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Các học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT thì được Hiệu trưởng trường THPT (hoặc giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Ông Mai Văn Trinh báo cáo đề xuất phương án thi THPT quốc gia sau năm 2020 |
Phương thức thi được đề xuất là tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả của đợt thi trên máy tính nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Lộ trình triển khai giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT đề xuất cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi. Đặc biệt giai đoạn này, Bộ sẽ thí điểm tổ chức thi trên máy tính để từng bước áp dụng phương thức thi này phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, phù hợp với điều kiện thụ hưởng giáo dục và cách tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp |
Lắng nghe ý kiến của các đại biểu tham dự phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp thu và chỉnh sửa để hoàn thiện đề xuất phương án thi sau 2020. Phương án này được tính toán cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, có căn cứ chắc chắn và lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Theo đó, ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa sẽ được Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường về số lượng và đảm bảo chất lượng. Giai đoạn ban đầu sẽ thi trên giấy và trên máy tính nhưng từng bước sẽ tăng dần thi trên máy tính để tiệm cận xu hướng thế giới.
Cho rằng, hạ tầng kỹ thuật, phầm mềm không phải điều quá khó trong tổ chức thi trên máy tính. Tuy nhiên, hệ thống vận hành cần được tính toán kỹ lưỡng để tránh các vấn đề có thể xảy ra. “Không máy móc nào thay thế được con người, máy tính tốt, phần mềm tốt nhưng đội ngũ cán bộ không được chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, kỹ thuật tốt thì vẫn có thể dẫn đến những sai sót, sự cố đáng tiếc. Năng lực tổ chức thi của các cán bộ là điều chúng tôi đặc biệt quan tâm và tới đây sẽ tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Toàn cảnh phiên họp |
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam một lần nữa đánh giá cao những điểm đã đạt được của kỳ thi THPT quốc gia sau 5 năm thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29. Cụ thể như việc đánh giá kết quả học tập của học sinh khách quan, trung thực hơn; cơ hội vào học đại học, cao đẳng của thí sinh mở rộng hơn, phù hợp với nguyện vọng hơn; học sinh bớt học tủ, học lệch, bớt lò luyện thi; giảm đáng kể áp lực cho học sinh, gia đình học sinh và xã hội; việc thi trắc nghiệm gắn với đổi mới phương pháp dạy học.
Về xây dựng phương án thi cho giai đoạn sau năm 2020, các ý kiến đều cho rằng, phương án thi hiện nay cơ bản là tốt, nên tiếp tục, nhưng có cải tiến cần thiết để phù hợp với lộ trình tự chủ đại học, đổi mới dạy học ở phổ thông, đổi mới công tác dạy nghề, phân luồng và xa hơn nữa là đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế để làm giảm sự can thiệp không cần thiết của con người.
Với việc thi trên máy tính, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có lộ trình để thực hiện, làm thận trọng trên quy mô nhỏ để đánh giá và có lộ trình mở rộng dần. “Tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho các cháu không có chuyện các cháu chưa quen với máy tính lại phải thi máy tính hoặc hay dùng loại máy tính này nhưng thi trên loại máy tính khác” - Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải bảo đảm tiến độ chuẩn hoá, cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi, không vì lý do này mà trì hoãn lộ trình tổ chức thi trên máy tính. Bộ GD&ĐT cần tiếp tục có các cuộc làm việc, tham khảo, tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng phương án và phải lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Chính phủ.
P.V
-
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị hỗ trợ học phí cho học sinh vùng bị ảnh hưởng bão lũ
-
Tuyển sinh đại học: Càng đơn giản càng tốt
-
Ngày đầu lọc ảo: Dự báo điểm chuẩn tuyển sinh năm 2024 tăng cao
-
Gợi ý đáp án môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
-
Sẵn sàng để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, chu đáo, thân thiện
-
Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
-
Quy định mới về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống
-
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
-
[Video] Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
- Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng