Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Trách nhiệm trong bảo vệ môi trường
Năm 2008 là dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý, kinh doanh than của tỉnh Quảng Ninh. Một loạt quy trình từ khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than được siết chặt, buộc phải từng bước thay đổi, gắn liền với Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường.
Trồng cây hoàn nguyên tại bãi thải Nam Đèo Na |
Thời gian này, TKV “mạnh tay” đầu tư hàng loạt các công trình xử lý chất thải rắn trị giá nhiều trăm tỉ đồng để chủ động trong việc thu gom và xử lý toàn bộ chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất của các đơn vị thành viên TKV. Đến nay, về cơ bản tại các vùng Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, việc vận chuyển than đã được đưa vào đường chuyên dùng. Cẩm Phả có tuyến đường chuyên dùng Bắc Cọc Sáu, Khe Dây, Hạ Long có tuyến riêng ra Cột 8, Uông Bí có tuyến đường sắt Vàng Danh, Điền Công và Mạo Khê có tuyến băng tải ống Mạo Khê, Bến Cân v.v... Trên tuyến đường 18 đã không còn việc vận chuyển than bằng ôtô. Tập đoàn cũng tiến hành nạo vét các suối, mương trong ranh giới mỏ như cải tạo hệ thống thoát nước Khe Chàm - Dương Huy, cải tạo cảnh quan môi trường sông Vàng Danh (TP Uông Bí), sông Mông Dương (TP Cẩm Phả)…
Bên cạnh đó, Tập đoàn còn đầu tư trên 800 tỉ đồng cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải, khai trường đã kết thúc sản xuất như: Bãi thải Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong - Hà Tu, Ngã Hai - Dương Huy, vỉa 7-8 Hà Tu. Đồng thời xây dựng hệ thống kè, đập chắn đất đá tại các vị trí trọng yếu của các bãi thải đang hoạt động như: Bãi thải Chính Bắc Núi Béo, Đông Cao Sơn, Khe Rè... Công trình cải tạo môi trường 4 hồ Đông Triều với tổng mức đầu tư 141 tỉ đồng đang được thực hiện. Ngoài ra, TKV vẫn tiếp tục đầu tư vào các hệ thống kè, đập chống trôi lấp đất đá như kè mức +75 bãi thải Chính Bắc, kè chắn Giáp Khẩu bảo vệ khu dân cư Hà Khánh (TP Hạ Long)…
Trong công tác cải tạo môi trường tại các bãi thải mỏ, theo thống kê của Ban Môi trường TKV, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng trên 3.000ha cần phải phục hồi. Chủ yếu là các bãi thải trong khai thác lộ thiên, tập trung ở Hạ Long, Cẩm Phả như: Bãi thải Chính Bắc - Núi Béo, Nam Lộ Phong, Ngã Hai - Quang Hanh, Mông Gioăng - Đèo Nai, Đông Cao Sơn - Cọc Sáu… Các bãi thải lại có diện tích lớn, nằm ở độ cao 250-300m, được phân tầng khác nhau có độ nghiêng 30-40 độ, nằm xen kẽ với các khai trường, có dân cư sống bao quanh. Về lâu dài, những bãi thải sẽ làm biến động về mặt địa chất và gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên ở khu vực lân cận.
Trách nhiệm không riêng ngành Than
Hiện nay, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn về tài chính, nhưng TKV vẫn đầu tư khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó khoảng 60-70% dành cho các dự án sử dụng nguồn Quỹ Môi trường tập trung, phần còn lại sử dụng cho các công việc bảo vệ thường xuyên và các dự án bảo vệ môi trường của các đơn vị thành viên. Nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và tổ chức quan trắc môi trường theo định kỳ. Đồng thời không vận chuyển than trên đường bộ, làm mới và cải tạo các tuyến vận chuyển than chuyên dùng nhằm tách việc vận chuyển than ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu bụi và tiếng ồn đối với khu dân cư.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác và triển khai các dự án bảo vệ môi trường của TKV cho thấy, còn có nhiều bất cập về cơ chế chính sách khiến nhiều dự án chưa được khai thông, đặc biệt là rất cần có cơ chế khuyến khích của Nhà nước. Hệ thống các văn bản pháp quy pháp luật về hoạt động khoáng sản dường như mới phù hợp trong giai đoạn ngắn từ 5 năm đến 10 năm, trong khi các hoạt động về khoáng sản thường có chu kỳ kinh tế rất dài, từ 30 năm đến 50 năm. Phí bảo vệ môi trường mới được tính theo quặng nguyên khai mà chưa tính đến các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, trên thực tế, tiến độ ban hành các văn bản pháp quy về công tác bảo vệ môi trường của cơ quan Nhà nước chậm, chất lượng văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đảm bảo tính thống nhất và khả thi, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động khoáng sản.Về các chính sách pháp luật về thuế, phí và lệ phí liên quan đến quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, trong quá trình triển khai, thực hiện đã phát sinh một số tồn tại, vướng mắc như việc xác định trữ lượng mỏ làm căn cứ quy định mức thuế suất lại tính tại thời điểm cấp phép, trong khi trữ lượng khai thác có thể sẽ biến động, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện, tạo cơ chế xin - cho, đánh đồng, không khuyến khích được doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường…
Minh Châu
Năng lượng Mới số 533