An toàn để sản xuất ổn định mùa mưa bão
Tăng thuế xuất khẩu sẽ kéo theo khó khăn
Theo báo cáo của Ban Kế hoạch - Vinacomin, trong tháng 5, khối lượng đất bóc đã thực hiện là 23,2 triệu m3; đào lò 31.700m, trong đó đào lò XDCB là 4.725m. Đối với các chỉ tiêu sản xuất khác, về than nguyên khai, toàn Tập đoàn đã sản xuất được 3,92 triệu tấn; than tiêu thụ đạt 3,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa là 2,69 triệu tấn, xuất khẩu 1,1 triệu tấn. Nhờ đó, doanh thu than đạt 4.268 tỉ đồng, bằng 8,2% KH năm; sản xuất và bán điện đạt 938 tỉ đồng; cơ khí 306 tỉ, và vật liệu nổ là 300 tỉ đồng...
Nhận xét về tình hình chung 5 tháng đầu năm, Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn cho rằng, năng lực sản xuất của các đơn vị trong Tập đoàn tương đối ổn định. Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, các đơn vị đều chủ động triển khai nhiều giải pháp điều hành SXKD linh hoạt. “Về phía Tập đoàn, các đơn vị có thể cảm nhận rõ sự quyết liệt khi Tập đoàn thường xuyên đưa ra chỉ đạo điều hành kịp thời nhằm đảm bảo kế hoạch sản lượng hằng tháng, hằng quý một cách hợp lý và đảm bảo giá thành sản xuất chung của toàn Tập đoàn. Tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn vẫn được giữ vững. Tuy vậy, trong quý II, có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn trong công tác bảo vệ chống thất thoát than. Đặc biệt là vấn đề tiêu thụ, mặc dù vẫn tiếp tục gặp khó, tuy nhiên, trong tháng 5, nhờ các biện pháp, cơ chế khuyến khích tiêu thụ một số loại than tồn nhiều nên lượng tiêu thụ trong tháng có nhiều cải thiện và đạt sản lượng tiêu thụ cao nhất trong 5 tháng”, Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn thừa nhận.
Khai thác lộ thiên gặp nhiều khó khăn trong mùa mưa bão
Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến hết tháng 5, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 39.000 tỉ đồng, bằng 37,3% kế hoạch năm, và bằng 102% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó doanh thu than là 22.846 tỉ đồng. Doanh thu sản xuất và bán điện tăng cao so với cùng kỳ, đạt 4.000 tỉ đồng, xấp xỉ 50% KH năm. Các chỉ tiêu SXKD chính như sau: Sản lượng than nguyên khai 19,4 triệu tấn, bằng 42% KH năm. Than tiêu thụ ước đạt 17,7 triệu tấn, bằng 41% KH năm, bằng 105% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu 5,82 triệu tấn, tiêu thụ nội địa đạt 11,9 triệu tấn.
Sau khi nghe tổng hợp ý kiến của các ban chuyên môn, Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Minh Chuẩn tiếp tục nhấn mạnh vào các đầu mục trọng tâm của Vinacomin trong thời gian tới. “Khối lượng công việc rất lớn, nhiệm vụ hết sức nặng nề. Về công tác tiêu thụ, dự kiến hết 6 tháng, sản lượng tiêu thụ ước đạt từ 21,8 - 22 triệu tấn, bằng 51% KH năm. Tuy nhiên, do doanh thu không cao như mong muốn, dẫn đến cân đối tài chính tiếp tục khó khăn, nhất là trong điều kiện từ 7/7, thuế xuất khẩu than tăng lên 13%, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bài toán hiệu quả SXKD chung của Tập đoàn. Trước mắt, để hoàn thành tốt KH 6 tháng đầu năm, Tổng giám đốc yêu cầu các đơn vị trong toàn Tập đoàn siết chặt kỷ luật điều hành sản xuất, tiêu thụ”.
Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn cũng kêu gọi các đơn vị cần triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống mưa bão; tăng cường phối hợp với địa phương trong công tác bảo vệ tài nguyên. Trong thời gian sớm nhất, Tập đoàn sẽ có phương án hợp lý để giải quyết cho các đơn vị đang gặp nhiều khó khăn như Cơ khí đóng tàu, Vận tải thủy, mỏ Cromit Cổ Định...
Theo báo cáo của nhiều hãng kiểm toán và tư vấn quốc tế, doanh thu khai thác mỏ toàn cầu năm 2012 đứng ở mức 731 tỉ USD, với lợi nhuận ròng chỉ còn 68 tỉ USD, giảm 49% so với năm 2011. Xét tổng vốn hóa thị trường, ngành khai thác vàng bị thiệt hại nhiều nhất, với 29 tỉ USD trong năm 2012 và 58 tỉ USD chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm 2013. Nếu như trong năm 2012, giá cổ phiếu của ngành khai khoáng chỉ sụt giảm nhẹ thì trong 4 tháng đầu năm 2013 đã giảm tới gần 20%. Báo cáo cũng chỉ ra rằng lần đầu tiên trong lịch sử, hiện đã có tới 50% trong tổng số 40 công ty khai khoáng hàng đầu thế giới thuộc các thị trường phi truyền thống. Trung Quốc tiếp tục là khách hàng quan trọng nhất của ngành than khoáng sản, cho dù tốc độ tăng trưởng của chính nước này cũng đang chậm lại.
Thận trọng trong mùa mưa bão
Bên cạnh khó khăn do chính sách thuế thay đổi, Vinacomin còn phải đối mặt với một khó khăn nữa - đó là mùa mưa bão. Trao đổi với Petrotimes, một lãnh đạo Vinacomin cho biết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo và chỉ đạo các đơn vị thành lập Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão đơn vị, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên, chủ động thực hiện các công trình phòng chống lụt bão. Tập đoàn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung xây dựng bản đồ tác nghiệp cụ thể, chi tiết phù hợp với đặc thù đơn vị mình. Tập đoàn tổ chức duyệt phương án, tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau mưa bão và chỉ đạo các đơn vị còn tích cực phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và với chính quyền địa phương trong việc xử lý các tình huống, tìm kiếm cứu nạn do mưa bão gây ra theo phương châm “3 trước” - Chủ động phòng chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư trước và “4 tại chỗ” - Lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ… nhằm tận dụng tối đa nguồn lực để chủ động phòng chống kịp thời trước mọi tình huống do mưa bão gây ra.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguy cơ lớn nhất với ngành than trong mùa mưa bão, đó là áp lực lò với khai thác hầm lò và nguy cơ sụt lở bãi thải với khai thác lộ thiên. “Mùa mưa địa chất thay đổi, lò chợ thường xuyên xuất lộ nước, bị lún, nén thấp dẫn đến tình trạng không đẩy được tiến độ khấu lò. Tựu chung, năng suất khai thác toàn tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tỉ lệ khai thác hầm lò hiện tại đã chiếm trên 50%,” vị này chia sẻ. Như vậy, công tác thoát nước trong mỏ phải thường xuyên được kiểm tra hơn. Nước ở các khu vực được chảy về khu vực hầm bơm trung tâm sau đó được bơm lên mặt bằng qua tổ hợp bơm trung tâm, lưu lượng nước có thể bơm tối đa ở nhiều đơn vị lên đến 6.000m3/h. Công tác thông gió trong mỏ cũng được toàn Tập đoàn thống nhất sử dụng hệ thống thông gió chính từ khu vực trung tâm về các cánh bằng phương pháp thông gió đẩy, sử dụng 22 hệ thống quạt BOK2.4 có lưu lượng gió trên 6500m3/phút.
Đối với các đơn vị thành viên khai thác lộ thiên, Tập đoàn yêu cầu rà soát lại toàn bộ các khu vực xung yếu như: Hệ thống vành đai thoát nước đầu đường bãi thải ở công trường khai thác chính được củng cố và làm mới; Rãnh nước dọc các đường vận tải trong và ngoài khai trường được củng cố, nạo vét thông thoát nhằm mục đích chống xói lở đường vận tải, các mặt tầng sản xuất, kể cả mặt bằng kho và bãi thải. Các tuyến đường điện cao thế, hạ thế, trạm mạng cũng được sửa chữa để hạn chế tối đa các sự cố cháy, chập điện trong mưa bão. Đặc biệt, để ngăn nước mặt do mưa chảy vào khai trường, Công ty đã tiến hành đắp đê xung quanh bãi thải, nạo vét suối quanh khai trường nhằm chống sạt lở và dẫn nước chảy theo các mương thoát ra ngoài biên khai trường... Như vậy, có thể nhận thấy mục tiêu cao nhất và thường trực hiện tại của Vinacomin là việc giữ vững và từng bước gia tăng sản lượng than khai thác, từ đó chuẩn bị năng lực cho những năm tiếp theo, khi nhu cầu của thị trường nội địa tăng vọt.
Tùng Lê