Xử lý nợ xấu - ngân hàng cần nhiều quyền hạn hơn
Xử lý nợ xấu đúng hướng Trong chuyển động của bất cứ nền kinh tế nào, yếu tố tư vấn, gợi ý và quan tâm đúng mực từ các định chế tài chính, tổ chức quốc đều rất quan trọng. Quá trình tái cơ cấu của Việt Nam cũng không phải ngoại lệ... |
PV: Thưa ông, việc NHNN đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối tháng 9 liệu có khả thi?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Điều này hoàn toàn khả thi. Tại thời điểm này các ngân hàng cũng đã bán rất nhiều nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Các ngân hàng nếu có nợ xấu đủ điều kiện thì chỉ việc bán cho VAMC. Cho nên, đến cuối tháng 9 này chắc chắn tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng trên sổ sách sẽ dưới 3%.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ không chỉ xét đến chỉ tiêu nợ xấu trên sổ sách của các ngân hàng mà phải tính đến nợ xấu của toàn quốc gia, tức là kể cả những nợ xấu đã bán cho VAMC để có hướng giải quyết chung.
TS Nguyễn Trí Hiếu |
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc giải quyết nợ xấu tại VAMC hiện nay?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Xét về tính hiệu quả thì tôi cho rằng, giải quyết nợ xấu tại VAMC hiện nay là chưa hiệu quả. Bởi số nợ họ thu hồi được có tỷ lệ rất thấp so với số nợ họ đã mua từ các ngân hàng thương mại (NHTM). Vấn đề khó khăn nhất của VAMC là mặc dù các tài sản thế chấp đã được chuyển nhượng cho VAMC nhưng khi xử lý tài sản bảo đảm thì VAMC cần có sự cộng tác của người đi vay và trong nhiều trường hợp còn cần có sự cộng tác của cả chủ nợ cũ.
Thành ra, trên thực tế VAMC hầu như có rất ít quyền năng để xử lý nợ xấu. Có những trường hợp bản thân VAMC không thể đứng ra kiện các con nợ của nợ xấu vì một số toà án không chấp nhận việc VAMC là người chủ nợ mới đứng ra kiện… Cho nên, VAMC gặp rất nhiều trở ngại trong vấn đề pháp lý để giải quyết nợ xấu, thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
PV: Như vậy, theo ông tình hình nợ xấu của nước ta cho đến nay như thế nào?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Cho đến thời điểm này theo tôi ngoài việc các NHTM họ tự xử lý bằng cách thu hồi nợ, thanh lý tài sản bảo đảm và bán cho VAMC, thì số nợ xấu ở VAMC vẫn chưa được giải quyết một cách toàn diện. Cho nên, xử lý nợ xấu của toàn quốc gia chưa có nhiều bước tiến khả quan.
PV: Hiện nay, có ý kiến đề nghị cho chứng khoán hóa nợ xấu. Đây có phải là giải pháp khả thi cho vấn đề nợ xấu không thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Chứng khoán hóa nợ xấu thực sự ra không phải là giải pháp hiệu quả. Vì nợ xấu đã không thu hồi được, những con nợ đã không cải tiến được tình hình tài chính thì bây giờ chuyển qua cổ phần cũng không giải quyết được vấn đề gì. Bởi cổ phần đó sẽ không có giá trị gì nhiều. Nó chỉ có mặt tích cực là với chủ nợ thì nợ xấu đó được đưa ra khỏi sổ sách và trở thành tài sản đầu tư, còn với con nợ thì họ không còn nợ xấu, mà đã chuyển thành vốn đầu tư của chủ nợ, tức là các NHTM.
Nói cho đúng là cả hai phía ngân hàng và con nợ sẽ được làm sạch nợ xấu trên sổ sách. Thế nhưng, điều đó cũng không giải quyết được nếu doanh nghiệp nợ không thật sự cải tiến được tình hình tài chính của mình. Thêm vào đó, với chủ nợ điều không tích cực ở chỗ là khi nợ xấu được chuyển sang cổ phần thì các ngân hàng sẽ trở thành cổ đông của một số doanh nghiệp có nợ xấu.
Ngân hàng sẽ phải mất thời gian, năng lực để quản trị doanh nghiệp đó. Bởi nếu trở thành nhà đầu tư, cổ đông của một doanh nghiệp thì phải quản trị doanh nhiệp đó, không thể đứng ngoài như vai trò của một chủ nợ. Trong quá khứ cũng có một số ngân hàng trở thành nhà đầu tư của các doanh nghiệp nhưng đã không thành công.
PV: Theo ông, hiện nay có cách nào để giải quyết vấn đề nợ xấu một cách toàn diện, hiệu quả?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, vấn đề đầu tiên ở đây là khung pháp lý phải được thay đổi để các ngân hàng, người chủ nợ có nhiều quyền năng hơn trong xử lý nợ xấu. Rồi vấn đề thanh lý tài sản bảo đảm phải được thuận lợi, đồng bộ hơn, tòa án và cơ quan thi hành án cũng phải thống nhất trong vấn đề xử lý nợ xấu để có thể bảo vệ được người cho vay.
Ngoài ra, Công ty VAMC cũng cần thay đổi mô hình mua bán nợ. Như việc tăng vốn điều lệ cho VAMC để VAMC có thể mua bán thực theo kiểu mua với giá thị trường và trả bằng “tiền tươi thóc thật” chứ không phải trả bằng trái phiếu đặc biệt như hiện nay.
Tức là phải trả bằng tiền mặt hoặc trả bằng trái phiếu mà có thể giao dịch trên thị trường chứng khoán và các ngân hàng nắm trái phiếu đó họ có thể chiết khấu, chuyển nhượng hoặc bán trên thị trường thứ cấp. Chứ như trái phiếu đặc biệt hiện nay thì chỉ có thể đến chiết khấu, tái cấp vốn với NHNN thôi. Đó không phải là một loại trái phiếu có tính thanh khoản.
Không những chỉ có giải pháp tăng vốn điều lệ mà VAMC nên có thêm khả năng đi vay vốn ở bên ngoài để mua bán nợ một cách thật chất với NHTM. Chỉ những cái đó mới giải quyết được chứ còn hiện tại khung pháp lý của mình có rất nhiều thiếu sót, khả năng mua bán nợ hiện tại của VAMC cũng rất giới hạn, thành ra vấn đề nợ xấu đang trong tình trạng ý chí thì muốn giảm mạnh mẽ nhưng tình hình chung vẫn chưa có nhiều cải thiện.
PV: Liên quan đến vấn đề tỷ giá, một vấn đề rất thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian gần đây, ông đánh giá như thế nào về áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Áp lực sẽ còn rất nhiều vì đồng nhân dân tệ tiếp tục có thể mất giá, khi đó các đồng bảng khác cũng sẽ tiếp tục phá giá theo để đối phó. Và đồng Việt Nam nếu không điều chỉnh sẽ rất bất lợi bởi khi đó so với thị trường đồng Việt Nam bị tăng giá, ảnh hưởng đến xuất khẩu và nền kinh tế.
Về phía Mỹ, dự đoán Mỹ có thể tăng lãi suất do đó sẽ đẩy giá trị của đồng đôla lên. Nếu giá trị đồng đôla bị đẩy lên mà ta vẫn tiếp tục neo theo đồng đô la không điều chỉnh thì tự động giá trị của đồng Việt Nam cũng tăng lên.
Thêm vào đó, cũng từ việc phá giá đồng nhân dân tệ từ đây đến cuối năm vấn đề nhập siêu dự kiến sẽ tăng lên, do đó ta lại cần một lượng ngoại hối lớn để thanh toán quốc tế. Nếu không điều chỉnh tỷ giá thì NHNN phải bán ra một nguồn dự trữ rất lớn để giúp các doanh nghiệp thanh toán hàng nhập khẩu. Rồi vấn đề nợ công tăng lên, NHNN cũng phải bỏ ra một lượng ngoại tệ lớn để trả nợ nước ngoài. Tất cả những yếu tố đó là áp lực tiếp tục đặt lên trên tỷ giá đồng Việt Nam.
PV: Với dự đoán về khả năng tỷ giá sẽ còn biến động, liệu có làm xuất hiện tình trạng đầu cơ ngoại tệ hay không?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Thứ nhất, theo quy định của Nhà nước chỉ có những doanh nghiệp được phép kinh doanh ngoại tệ thì mới có thể kinh doanh, còn nếu các doanh nghiệp, cá nhân nào không được phép kinh doanh ngoại tệ mà mua bán ngoại tệ là trái pháp luật thì có rủi ro về pháp lý rất lớn.
Thứ hai, đối với những công ty có thể kinh doanh ngoại tệ hoặc những công ty xuất nhập khẩu có thể mua bán ngoại tệ với ngân hàng thì dĩ nhiên những doanh nghiệp đó họ cần có công cụ để bảo vệ cho khả năng thanh toán của mình. Như doanh nghiệp nhập khẩu có thể mua một hợp đồng mua ngoại tệ trong tương lai với giá mà doanh nghiệp thoả thuận được với ngân hàng để phòng tỷ giá có thể tăng lên.
Ngược lại các doanh nghiệp xuất khẩu có thể mua một hợp đồng bán ngoại tệ cho ngân hàng với tỷ giá mà hai bên thoả thuận với nhau. Theo tôi, đây là điều cần thiết để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bảo vệ tài sản của mình.
PV: Qua những đợt điều chỉnh tỷ giá vừa rồi, liệu NHNN có làm mất lòng tin của doanh nghiệp hay không khi từ đầu năm NHNN đã đưa ra cam kết điều chỉnh tỷ giá trong biên độ +/- 2%?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Dĩ nhiên, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá cho đến bây giờ là 4 lần tất cả thì việc điều chỉnh này có thể làm cho các doanh nghiệp dao động sự tin tưởng vào chính sách ngoại hối của NHNN vì NHNN đã phá vỡ cam kết ban đầu.
Thế nhưng, nếu không có tình trạng đồng nhân dân tệ phá giá thì có lẽ NHNN sẽ giữ được cam kết ban đầu. Nhưng vì tình hình trên thế giới biến động quá mạnh, quá nhanh nên NHNN bắt buộc phải đối phó. Đó là điều hoàn toàn hợp lý mà tôi nghĩ các doanh nghiệp cũng hiểu được.
PV: Xin cảm ơn TS!
Mai Phương
-
Giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ trong kỳ điều chỉnh ngày 24/10
-
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
-
BRICS hấp dẫn thế nào mà hơn 30 quốc gia "săn đón"?
-
Tổng thống Putin đề xuất chiến lược kinh tế mới cho BRICS
-
[Infographic] Vì sao nói áp thuế VAT phân bón 5% nông dân được thụ hưởng?