Xử lý nợ xấu đúng hướng
Năng lượng Mới số 372
Công khai, minh bạch và nghiêm túc
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu hiện nay vào khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%). Còn theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tỷ lệ nợ xấu đến nay giảm còn 5,43% so với mức 17% vào năm 2012 (tỷ lệ nợ xấu do NHNN đánh giá cao hơn là do thực hiện phân loại nợ theo thông tin giám sát).
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố bản tổng hợp nhận định của các tổ chức quốc tế và định chế tài chính rằng, kinh tế vĩ mô 10 tháng năm 2014 của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng dù tốc độ thấp, lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, giải ngân FDI duy trì tăng trưởng khá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản ngân hàng đảm bảo, tín dụng có xu hướng tăng tốc, thị trường bất động sản tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV
Bản tổng hợp cho hay, thời gian qua có nhiều báo cáo, bài viết, tin liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam. Điều đáng nói là lượng thông tin trên có đúng, có sai, thậm chí nhiều tin, bài viết của hãng thông tấn, báo đài nước ngoài không thực sự phản ánh sát thực tình hình kinh tế vĩ mô, xu hướng của nền kinh tế cũng như lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam. Chỉ những tổ chức quốc tế, định chế tài chính quốc tế có uy tín hàng đầu như IMF, World Bank, ADB, HSBC... và các chuyên gia kinh tế quốc tế có uy tín đã có những phân tích, đánh giá sát thực, nhận định tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính ngân hàng cũng như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam.
Nhìn chung các nhận định của các tổ chức quốc tế trên là sát thực với tình hình kinh tế của Việt Nam. Báo cáo của ADB, mặc dù dự báo tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn ước tính và mục tiêu của Việt Nam nhưng những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng được chỉ ra phù hợp với thực tế Việt Nam. Năm 2014, Chính phủ vẫn tiếp tục điều hành nền kinh tế theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức hợp lý và nhận định của IMF lạm phát thấp được đánh đổi bằng tỷ lệ tăng trưởng ở mức vừa phải cũng phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. HSBC thường công bố báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam trong nhiều năm, dựa trên nhận định viễn cảnh tích cực về kinh tế Việt Nam, HSBC đã có nhiều chi nhánh và có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận tích cực khách quan về những kết quả bước đầu thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam cũng như nhấn mạnh vai trò của tái cơ cấu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. IMF, WB, HSBC, ANZ cũng chỉ ra được những nhiệm vụ, yêu cầu sát thực để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Báo cáo của IMF, bên cạnh ghi nhận những kết quả của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, thực tế công tác tái cơ cấu doanh nghiệp đòi hỏi các biện pháp cụ thể, quyết liệt hơn để đổi mới mô hình quản trị, tăng năng suất lao động. Báo cáo của HSBC nhìn nhận tái cơ cấu DNNN vẫn còn chậm nhưng cũng cho rằng đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc NHNN đã xác định các ngân hàng yếu kém, ổn định tỷ giá, xử lý nợ xấu. Nhận định của TS Michael Krakowski tương đối chính xác về những kết quả đạt được của tiến trình tái cơ cấu kinh tế trong năm 2014.
Ổn định khả năng thanh khoản
Về thị trường tài chính ngân hàng, Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Sandeep Mahajan cho rằng: Thị trường tiền tệ Việt Nam trong 2 năm vừa qua đã cải thiện nhiều và chính sách tiền tệ hiện nay phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát của NHNN trong thời gian gần đây. Giám đốc WB Việt Nam Victoria Kwakwa cũng cho rằng: Chính sách tiền tệ của Việt Nam nhìn chung đi đúng hướng, ông cũng cho rằng các biện pháp xử lý nợ xấu hiện nay của Việt Nam mà đặc biệt là VAMC đã đi đúng hướng, giúp các ngân hàng sẵn sàng mở rộng cho vay.
Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam phát hành bởi WB vào tháng 7/2014 đã nhận định hiện nay khu vực ngân hàng hiện đang trong tình trạng ổn định tương đối. Đồng thời WB cũng ghi nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý trong tăng cường năng lực hệ thống thời gian qua, trong đó điển hình là: Các cơ quan chức năng đã giải quyết một cách thành công những áp lực về thanh khoản; việc ban hành Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng là một bước đi đúng hướng, Nghị định 01 được ban hành vào tháng 1/2014 hiện đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần với tỷ lệ cao hơn trong các trường hợp đặc biệt và cần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và NHNN đã đề ra chỉ tiêu thực hiện được 6-7 vụ mua lại và sáp nhập trong khu vực ngân hàng vào năm 2014 và giảm một nửa số ngân hàng thương mại trong vòng 3 năm tới.
Báo cáo cũng đưa ra gợi ý để hoạt động của VAMC hiệu quả hơn: VAMC cần xây dựng được một chiến lược rõ ràng nhằm giải quyết những tài sản xấu. Ngoài ra, quy định hiện hành của NHNN và khung tái cấu trúc doanh nghiệp cần được nâng cấp để có thể giải quyết dứt điểm vấn đề nợ xấu một cách hiệu quả.
Mới đây tại báo cáo vào ngày 16-10 của IMF cũng đánh giá: Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là thích hợp miễn là trong điều kiện không có áp lực lạm phát. Cơ sở để Việt Nam thực hiện điều này là nguồn cung hiện đang dư thừa, tăng trưởng dưới mức tiềm năng, lạm phát cơ bản đã giảm và áp lực tiền lương là lành tính. Tại thời điểm này, chính sách tiền tệ nới lỏng không gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính. Về tỷ giá, IMF cũng có đánh giá tương đối tích cực: sự linh hoạt hơn của tỷ giá hối đoái sẽ giúp hấp thụ những cú sốc bên ngoài và tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối.
Về tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng, dự báo trong năm 2015, tình hình thanh khoản của hệ thống NHTM tiếp tục được ổn định do các yếu tố ổn định vĩ mô hỗ trợ và tăng trưởng tín dụng chưa có nhiều bứt phá. Theo đánh giá của Moody’s, một số ngân hàng đã gia tăng đảm bảo an toàn khi đảm bảo được thanh khoản và kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chiến lược phát triển của ngân hàng, điển hình như VIB. Vấn đề về an toàn thanh khoản đối với USD đang có dấu hiệu căng thẳng do các khách hàng đang có xu hướng muốn vay ngoại tệ do khoảng cách lãi suất trong khi lãi suất tiền gửi phải tuân thủ theo quy định của NHNN, tỷ lệ dư nợ, huy động vốn USD đang gia tăng.
Đối chiếu với thực tế diễn ra trên thị trường có thể thấy các nhận định này đã phản ánh khá chính xác, chân thực tình hình và trùng với nhận định của BIDV. Việc đưa VAMC vào hoạt động là tích cực với việc VAMC đã nhanh chóng gom nợ xấu về một mối giúp hệ thống ngân hàng giảm nhanh nợ xấu và có điều kiện sẵn sàng mở rộng cho vay. Thời gian tới, VAMC sẽ tập trung vào công tác xử lý nợ xấu, theo đó dự kiến hoạt động của VAMC sẽ thông suốt từ khâu thu nợ. Đánh giá chung kết quả xử lý nợ xấu đã đạt được đến nay là khả quan trong điều kiện Việt Nam không sử dụng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu (theo kinh nghiệm xử lý nợ của các quốc gia khác trên thế giới như Trung Quốc, Đài Loan đều sử dụng một lượng lớn tiền từ ngân sách để xử lý nợ xấu).
Lê Tùng