Vì sao tạm dừng đầu tư xây dựng Dự án cảng Kê Gà?
Vinacomin đã có Văn bản số 6526/ VINACOMIN-HĐTV ngày 17/12/2012 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn cảng phục vụ các dự án bauxit - nhôm của Vinacomin. Sau khi cân nhắc một cách thận trọng, đặc biệt là với sự tư vấn của Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI), HĐTV Vinacomin đã báo cáo Thủ tướng về việc tạm dừng đầu tư xây dựng Dự án cảng Kê Gà - Bình Thuận với các lý do chủ yếu sau: Trên cơ sở định hướng của Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bauxit - nhôm và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận, Dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà được lập với quy mô công suất năm 2015: 3,5 triệu tấn/năm; năm 2020: 17,5 triệu tấn/năm; năm 2025: 27 triệu tấn/năm; năm 2030: 37 triệu tấn/năm.
Trong quá trình thực hiện Quy hoạch bauxit trên, cho đến nay mới chỉ có 2 dự án thử nghiệm được đầu tư xây dựng theo Quy hoạch là Dự án Tân Rai - Lâm Đồng (công suất 650.000 tấn alumin/năm) và Dự án Nhân Cơ - Đắk Nông (cùng công suất 650.000 tấn alumin/năm) do Vinacomin là chủ đầu tư. Nhà máy Alumin Tân Rai cuối năm 2012 đã chạy thử và ra sản phẩm alumin. Nhà máy Alumin Nhân Cơ dự kiến giữa 2014 sẽ ra sản phẩm.
Toàn cảnh Nhà máy Bauxit Tân Rai - Lâm Đồng
Các dự án sản xuất hydroxit nhôm, alumin, điện phân nhôm khác đều không được đầu tư theo đúng tiến độ dự kiến trong quy hoạch, một phần do kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu tiêu thụ khoáng sản và giá khoáng sản giảm thấp, mặt khác do các vấn đề phức tạp về công nghệ, kỹ thuật, môi trường khi đầu tư xây dựng các dự án này, nên Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Quy hoạch bauxit cho phù hợp.
Dự án xây dựng cảng Kê Gà được lập, trong bối cảnh không có cảng nào phục vụ cho việc xuất nhập hàng hóa tại khu vực Bình Thuận. Đến thời điểm hiện nay, Bình Thuận có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam thì việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là hợp lý và phù hợp với quy hoạch của Chính phủ. Bên cạnh đó, trên thực tế, đến năm 2020 lượng hàng hóa thông qua cảng Kê Gà chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm thấp hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa theo dự án Cảng đã được phê duyệt.
Với lượng hàng hạn chế như vậy, việc sử dụng các cảng hiện có hiệu quả hơn so với đầu tư xây dựng cảng mới. Đây là nguyên nhân dẫn đến đề xuất tạm dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà của Vinacomin. Bên cạnh đó, đề xuất này đã được các bộ Kế hoạch & Đầu tư, Giao thông Vận tải, Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Vinacomin khẳng định, việc dừng đầu tư Dự án cảng Kê Gà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến 2 dự án bauxit - alumin đã và đang đầu tư vì trong giai đoạn đầu, khối lượng sản phẩm cần thông qua cảng của 2 dự án này còn thấp nên Vinacomin thực hiện phương án thuê cảng tại khu vực Thị Vải - Cái Mép (cảng Gò Dầu, cảng Phú Mỹ…). Về lâu dài, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Vinacomin đang phối hợp với TEDI nghiên cứu lựa chọn quy mô và địa điểm xây dựng cảng phù hợp với quy hoạch phát triển bauxit - nhôm, quy hoạch titan và kinh tế khu vực.
Hơn nữa, việc dừng dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà sẽ có tác động tích cực hơn cho doanh nghiệp du lịch và người dân vùng dự án. Các doanh nghiệp du lịch sẽ lại tiếp tục được thực hiện dự án du lịch của mình. Giai đoạn 1 của dự án có liên quan tới 4 doanh nghiệp du lịch, giai đoạn 2 liên quan đến 43 hộ dân và 8 doanh nghiệp du lịch.
Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn 1, Vinacomin đã phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận tiến hành kiểm đếm xong 43/43 hộ dân và 11/12 doanh nghiệp du lịch đồng thời tiến hành tổ chức đền bù giai đoạn 1 cho 4 doanh nghiệp du lịch với giá trị đền bù giải phóng mặt bằng được UBND huyện Hàm Thuận Nam phê duyệt là 4,63 tỉ đồng. Vinacomin đã chuyển 4 tỉ đồng cho địa phương, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 1 doanh nghiệp du lịch đã nhận tiền và bàn giao đất. Vinacomin sẽ tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận trong việc lập phương án xử lý khối lượng công việc còn lại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, Dự án Tân Rai (Lâm Đồng) đi vào vận hành sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm gánh nặng cho Vinacomin. Về việc này, hoàn toàn không thể lấy đánh giá trong thời gian ngắn, mang tính thời điểm được. Cần khẳng định lại rằng, khi lập dự án thử nghiệm bauxit Tân Rai - Lâm Đồng là có hiệu quả kinh tế.
Song ở thời điểm hiện nay, do kinh tế thế giới suy giảm và giá các mặt hàng khoáng sản trong đó có alumin cũng giảm theo dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế của dự án. Vì thế, Vinacomin sẽ đề xuất với Chính phủ một số cơ chế chính sách trong giai đoạn đầu của dự án để tăng tính hiệu quả. Đến nay, Dự án Tân Rai - Lâm Đồng đã hoàn thành đầu tư, nhà máy alumin của dự án đang trong giai đoạn chạy thử, ngày 26/12/2012 đã có sản phẩm alumin đầu tiên, kết quả phân tích bước đầu cho thấy chất lượng sản phẩm alumin đạt yêu cầu theo hợp đồng EPC đã ký kết.
Hiện nay Tập đoàn đang tích cực chỉ đạo việc hoàn thiện quá trình chạy thử để đưa Nhà máy vào sản xuất trong quý II/2013. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả kinh tế của dự án chưa đạt theo mục tiêu là vốn đầu tư tăng, trượt giá, chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng và đặc biệt giá alumin tại thời điểm hiện nay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lại giảm xuống mức dưới 340USD/tấn. Kết quả tính toán trên là áp dụng theo mặt bằng giá hiện nay trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và giá các mặt hàng khoáng sản nói chung trên thế giới đều giảm.
Chúng tôi cho rằng, sẽ không công bằng nếu đánh giá hiệu quả kinh tế dự án chỉ căn cứ vào hiệu quả kinh tế đơn thuần của dự án đối với chủ đầu tư mà không tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội lan tỏa, cũng như ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng của dự án đối với địa phương và khu vực Tây Nguyên. Dự án sẽ thu hút khoảng 1.500 lao động địa phương, có đóng góp cho ngân sách Trung ương và địa phương, tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như hạ tầng kỹ thuật, văn hóa xã hội cho địa phương và khu vực.
Một trong những yếu tố quan trọng, quyết định mức độ hiệu quả của dự án là giá bán alumin, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, sản xuất nhôm bị chững lại, vì vậy giá alumin cũng giảm theo và hiện nay đứng ở giá thấp dưới 340USD/tấn. Với xu thế nền kinh tế thế giới đang phục hồi, chúng tôi tin chắc rằng ngành công nghiệp sản xuất nhôm sẽ tăng trở lại và việc giá alumin sẽ gia tăng là hiện thực (có thời điểm năm 2008 giá alumin đã đạt mức 500USD/tấn). Theo dự báo của các chuyên gia phân tích thuộc Citigroup Inc, Morgan Stanley và Societe General SA, giá alumin trên thị trường thế giới giai đoạn 2010-2020 dự báo dao động trong khoảng 300USD/tấn đến 640USD/tấn, trung bình ở khoảng 450USD/tấn.
Với các yếu tố thuận lợi nêu trên cùng các biện pháp tăng cường công tác quản lý, tiết giảm chi phí và cơ chế chính sách thuế, phí hợp lý, về lâu dài, chúng tôi tin rằng Dự án Tân Rai - Lâm Đồng, mặc dù với tính chất là dự án thử nghiệm, nhưng sẽ có hiệu quả kinh tế, đặc biệt là hiệu quả kinh tế - xã hội tổng thể.
Petrotimes
-
Than Hà Tu nâng cao hiệu suất lao động từ các phong trào thi đua thiết thực
-
Vinacomin tham gia triển lãm quốc tế Mining Vietnam 2024
-
Công đoàn TKV kiểm tra và tặng quà tại Công ty CP Than Cọc Sáu
-
Than Cọc Sáu phấn đấu phủ xanh 16 hecta bãi thải đất đá trong năm 2022
-
Than Mông Dương: Về đích trước kế hoạch
-
Tin tức kinh tế ngày 24/10: Thương mại điện tử 9 tháng tăng gần 38%
-
Giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ trong kỳ điều chỉnh ngày 24/10
-
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
-
BRICS hấp dẫn thế nào mà hơn 30 quốc gia "săn đón"?
-
Tổng thống Putin đề xuất chiến lược kinh tế mới cho BRICS