Vấn đề nóng "hậu khai thác" còn bỏ ngỏ
Triễn lãm Mining 2016 Vietnam được tổ chức từ ngày 29-31/3 tại Hà Nội |
Theo thông tin từ cuộc họp báo giới thiệu triển lãm, các nhà triển lãm chủ yếu giới thiệu, trưng bày các giải pháp công nghệ cho phần khai thác, còn về hậu khai thác (khôi phục tài nguyên) chưa đề cập nhiều.
Mining 2016 Vietnam có thể coi là diễn đàn và cơ hội có ý nghĩa với ngành Than - Khoáng sản Việt Nam, thế nhưng, hầu như không thấy có các giải pháp cho khâu khôi phục môi trường, tài nguyên hậu khai thác được quảng bá, giới thiệu.
Theo số liệu thống kê, năm 2015, chỉ số phát triển ngành công nghiệp Việt Nam tăng trưởng 9,39% so với năm 2014, trong đó, ngành sản xuất khai thác khoảng sản tăng 6,5%. Trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, gần 90% quy mô là công nghiệp khai thác than. Mục tiêu đề ra của ngành Than Việt Nam theo quy hoạch, đến năm 2020, khai thác đạt 60- 65 triệu tấn than, năm 2030 đạt 70-75 triệu tấn.
Lý giải sự thiếu vắng này, ông TB Tee, Phó trưởng đại diện Công ty Dịch vụ triển lãm Singapore tại Việt Nam (đơn vị tổ chức triển lãm) cho rằng: Bảo vệ môi trường là thách thức lớn trong ngành khai thác khoáng sản. Một vế là nhu cầu phát triển kinh tế cần năng lượng, một vế là sản xuất phải đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Điều này rất khó cho sự lựa chọn phát triển của Việt Nam hiện nay.
Đại diện này cũng cho rằng, thế giới đã có công nghệ khai thác than và khoáng sản không gây quá nhiều ô nhiễm môi trường, nhưng chi phí rất lớn. Không biết các doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam và người dân có sẵn sàng trả cho chi phí công nghệ cao và theo đó kéo theo giá năng lượng cao hay không? Bởi vậy, Mining 2016 Vietnam được tổ chức giúp cho các bên liên quan gặp nhau để cập nhật các giải pháp mới, tiên tiến, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn.
“Đối với Việt Nam, hiện nay, than là nguồn năng lượng được cho là rẻ nhất so với phát triển các nguồn năng lượng khác. Nguồn năng lượng sạch có thể thay thế đang cân nhắc là điện hạt nhân nhưng cũng có rủi ro lớn nếu không làm chủ được công nghệ. Cách tốt nhất để bảo vệ môi trường là sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo như than... Về vấn đề hậu khai thác, khôi phục lại nguyên trạng môi trường và tài nguyên vẫn chưa ai có câu trả lời cụ thể” - ông TB Tee cho hay.
Do nhu cầu phát triển kinh tế, năng lượng là yêu cầu tất yếu, việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng nhằm giảm dần sử dụng năng lượng hóa thạch tác động đến môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu đã và đang được chú trọng. Tuy nhiên, các giải pháp đa dạng hóa năng lượng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, vì vậy công nghiệp khai thác than - khoáng sản Việt Nam phải tiếp tục mở rộng về quy mô.
Công nghiệp khai khoáng nói chung và khai thác than nói riêng đều tăng trưởng, cùng với mục tiêu dài hạn được xác định như trên, hệ quả tất yếu sẽ kéo theo nhu cầu về công nghệ, thiết bị và các giải pháp cho sản xuất tăng theo. Đây là lý do các nhà tổ chức triển lãm tiếp tục tổ chức Mining tại Việt Nam và được sự ủng hộ, bảo trợ của nhiều bộ, ngành liên quan.
Theo Ban tổ chức, tại thời điểm này đã có 161 nhà trưng bày triển lãm đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự để trưng bày, giới thiệu công nghệ và các giải pháp cho lĩnh vực công nghiệp khai thác khoáng sản tại Việt Nam.
Minh Châu