Cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản: Vì sao hiệu quả chưa cao?
Năng lượng Mới số 288
Doanh nghiệp thờ ơ
Khai thác lộ thiên và khai thác hầm lò là 2 phương pháp chính của ngành công nghiệp khai khoáng ở nước ta. Nếu xét về trình độ công nghệ khai thác, thực tế cho thấy nước ta còn rất lạc hậu so với các nước, còn nặng về thủ công. Sau quá trình khai thác mỏ thường để lại những hậu quả rất khó khắc phục như: ô nhiễm môi trường, thay đổi địa mạo cảnh quan khu vực; diện tích cây xanh bị thu hẹp v.v... Trong khi đó công tác hoàn nguyên, phục hồi môi trường bị bỏ quên. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2008 đến nay Bộ và các tỉnh, thành phố đã duyệt trên 1.400 dự án cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền ký quỹ trên 1.360 tỉ đồng.
Doanh nghiệp thực hiện việc cải tạo, hoàn nguyên môi trường chỉ đếm trên đầu ngón tay
Nhưng trên thực tế nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa quan tâm thực hiện. Nguyên nhân là do vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về cải tạo, phục hồi môi trường cho từng loại hình khai thác khoáng sản. Do đó, việc triển khai thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 18/2013 về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản của Chính phủ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản gặp rất nhiều khó khăn. Thủ tục hành chính để rút khoản tiền mà chủ đầu tư đã ký quỹ phục hồi môi trường phức tạp, nên nhiều doanh nghiệp không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường như đã cam kết và cũng không lấy lại tiền ký quỹ.
Mặt khác, nhiều địa phương chưa có Quỹ CT PHMT, gây khó khăn cho việc ký quỹ và cho cả cơ quan quản lý Nhà nước trong theo dõi tình hình ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản. Đồng thời cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy mô, loại hình tổ chức và hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường ở các địa phương. Vì vậy, các quỹ bảo vệ môi trường tại các địa phương hoạt động không thống nhất, kém hiệu quả và chưa phát huy được vai trò hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.
Điều chỉnh mức phí cụ thể
Mục đích của việc ký Quỹ CT PHMT là yêu cầu các chủ dự án khai thác khoáng sản phải ký một khoản tiền tối thiểu bằng chi phí thực tế để cải tạo, phục hồi môi trường, nhưng lại không có quy định về yếu tố trượt giá trong tính tổng kinh phí phải thực hiện. Do đó làm phát sinh rủi ro về nguồn tài chính cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác khoáng sản. Chính vì những nguyên nhân nêu trên, nên việc tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động khoáng sản nói riêng là rất cần thiết. Theo đó, nên điều chỉnh quy định phí bảo vệ môi trường có tính đến mức độ ô nhiễm môi trường như hệ số bóc đất đá trong khai thác lộ thiên, tỷ lệ thu hồi tinh quặng từ quặng nguyên khai, thành phần chất gây ô nhiễm trong quặng. Bên cạnh đó, việc quy định cũng cần được cụ thể trong cách tính toán khoản tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với các trường hợp thời gian khai thác mỏ.
Một giải pháp rất cần thiết nữa là tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; có chương trình triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất sạch hơn cho cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản và phục hồi môi trường...
Đề án cải tạo, phục hồi môi trường phải nêu cam kết về các chỉ tiêu chất lượng môi trường, hệ sinh thái sau khi cải tạo, phục hồi. Mặt khác có cả ý kiến tham vấn cộng đồng về phương án cải tạo, phục hồi này. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khai thác khoáng sản mới phải lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định đề án cải tạo, phục hồi môi trường cùng với thời điểm lập, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường.
Trách nhiệm quản lý
Để hoạt động khoáng sản phát triển ổn định và bền vững, tạo đà phát triển cho kinh tế - xã hội, trước hết phải rà soát, thống kê việc đăng ký hoạt động khoáng sản theo đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân bổ sung đầy đủ những nội dung còn thiếu trong hồ sơ đăng ký hoạt động khoáng sản; thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành liên quan trong việc cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản cho các doanh nghiệp; thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý các vi phạm. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước và việc giám sát của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội; ưu tiên quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chế tài phải đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
Quyết định số 18/2013 của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành, do vậy nội dung và cấu trúc của đề án cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác và chế biến khoáng sản cần được nghiên cứu thấu đáo, khoa học, toàn diện để đảm bảo tính khoa học và thực tế áp dụng của các mỏ sau khai thác, đáp ứng phát triển bền vững sau này. Theo quy định này, yêu cầu khi xin cấp phép khai thác khoáng sản, các tổ chức, cá nhân phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được duyệt.
N. Kiên