TKV: Thách thức bảo đảm nguồn than cho điện
Năng lượng Mới số 394
Nhu cầu than tăng mạnh sau 2015
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có truyền thống lâu đời nhất của Việt Nam. Trong suốt quá trình đổi mới đất nước, TKV đã cung cấp đủ than cho nền kinh tế xã hội, trước đây hằng năm còn xuất khẩu được hàng chục triệu tấn than. Đặc biệt là cung cấp đủ than cho điện trong nhiều năm qua cũng như trong tương lai. Ngoài nhiệm vụ chính, ngành than được Đảng, Nhà nước giao đầu tư xây dựng nhiều nhà máy phát điện, đóng góp đáng kể vào hệ thống điện quốc gia sản lượng điện đáng kể. Mặc dù ngành than gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác, bởi than lộ thiên đã gần hết chỉ còn các mỏ than hầm lò, đặc điểm của than hầm lò ngày càng đi sâu xuống lòng đất ảnh hưởng đến sản lượng khai thác, nhưng năm 2014 ngành than vẫn sản xuất được trên 37 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ trên 35 triệu tấn và xuất khẩu đạt gần 6 triệu tấn. Tuy nhiên, về mặt đầu tư, các dự án ngành than đòi hỏi lượng vốn, kể cả việc mở lò mới cũng như cải tạo lò cũ.
Công nhân than Mông Dương
Để đáp ứng nguồn than cho điện, TKV đã đưa ra 3 giải pháp cơ bản để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo nguồn than cho sản xuất trong nước, đó là quyết liệt tái cấu trúc để tập trung nguồn lực cho lĩnh vực mũi nhọn là khai thác và chế biến than. Đẩy mạnh đầu tư, đảm bảo tiến độ các dự án khai thác xuống sâu sẽ triệt để tiết kiệm, tận thu tài nguyên than. Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực thợ lò chất lượng cao, đồng thời tạo các điều kiện để giữ chân lao động thợ lò, đảm bảo yêu cầu phát triển mở rộng quy mô khai thác trong điều kiện mới. Theo TKV, mặc dù Tập đoàn vẫn chủ động đáp ứng đủ than cho nền kinh tế, chưa đến mức phải nhập khẩu than, nhưng để có sự chuẩn bị về lâu dài TKV đã có bước đầu triển khai ký kết nhập khẩu một lượng than nhỏ. Đây là một trong những kế hoạch lâu dài có tính toán của TKV, nhằm chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn than, giảm bớt áp lực than trong nước sau giai đoạn 2018.
Theo tính toán của Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên, do nhiều dự án nhiệt điện chậm tiến độ nên nhu cầu than cho điện năm 2015 vào khoảng 23-24 triệu tấn. So với nhu cầu năm 2014 tăng hơn khoảng 6 triệu tấn. Với nhu cầu này thì nguồn than trong nước vẫn đáp ứng được nên TKV chưa phải nhập khẩu than cho điện. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở đi thì sẽ phải nhập khẩu. Đến năm 2020 sẽ nhập khẩu lên đến 20-30 triệu tấn. Cũng từ năm 2015, TKV sẽ chỉ xuất khẩu loại than trong nước chưa sử dụng được. Theo đúng lộ trình Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2015 về cơ bản TKV không còn xuất khẩu than, lúc đó than tập trung cho phát triển kinh tế trong nước. Còn theo tính toán của Bộ Công Thương, năm 2016, nhu cầu than nhập khẩu cho điện là 1,1 triệu tấn và tăng dần lên đạt 15,3 triệu tấn vào năm 2020, lên 66,6 triệu tấn vào năm 2030. Để đáp ứng tình hình mới, Bộ Công Thương đã tính toán 2 phương án cân đối than cho điện. Thứ nhất, sẽ có Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và Công Thanh được chuyển sang dùng than nhập và giữ nguyên các nhà máy khác như trước đây; thứ hai, một số nhà máy sử dụng than nội được Bộ Công Thương đề xuất chuyển sang dùng than ngoại. Khi đó, nguồn than nội sẽ đủ để cấp cho sản xuất điện của các nhà máy được chỉ định dùng than nội.
Ngành than cần sự trợ giúp tích cực
Lượng than nhập khẩu phục vụ cho nhà máy điện sẽ tăng dần qua các năm, lượng than trong nước không thể đáp ứng được. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, bởi vậy Chính phủ cần có chính sách để tháo gỡ và giúp đỡ cho ngành than. Còn ngành than phải liên kết với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các nhà đầu tư BOT xây dựng các nhà máy nhiệt điện than có đủ vốn cho ngành than xây dựng các kho trung chuyển, các hệ thống hạ tầng để đưa than về các trung tâm điện lực như: Vĩnh Tân, Duyên Hải, Sông Hậu, Long Phú… Lượng vốn đó cũng cần tới nhiều nghìn tỉ đồng, nhưng hiện nay ngành than chưa thu xếp được.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, Trong nhiều năm qua, Hiệp hội đã có nhiều phản biện với các cấp Đảng, Nhà nước, Chính phủ để có các chính sách tháo gỡ về các loại thuế, phí còn quá cao trong khi lợi nhuận của ngành Than hàng năm đạt được không nhiều. “Để đảm bảo cung cấp lượng than cho nền kinh tế, đặc biệt cho ngành điện, ngành than cần mở ra những đột phá mới, đó là đẩy mạnh cơ giới hóa đối với khai thác than, đặc biệt là than hầm lò, nâng tỷ lệ cơ giới hóa lên hàng chục phần trăm, không phải 2,8% như hiện nay. Đặc biệt, để duy trì và tăng được sản lượng than trong nước, ngành than phải thu xếp được vốn để mở thêm được nhiều mỏ mới, cải tạo nhiều mỏ cũ, đạt được mục tiêu như quy hoạch Chính phủ đề ra.”, Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi nhận định.
Theo Quy hoạch phát triển ngành than, năm 2015, lượng than nhập khẩu cho nền kinh tế dự kiến khoảng 28 triệu tấn, khoảng 66 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 126 triệu tấn vào năm 2025. Chỉ tính riêng nhu cầu than cho sản xuất điện (theo Quy hoạch điện VII) đến năm 2020 là hơn 67 triệu tấn, đến năm 2030 là 171 triệu tấn.
Nguyễn Kiên