Tầm vóc trên những công trình
Năng lượng Mới số 369
Khôi phục mỏ giếng đứng đầu tiên ở Việt Nam
Cách đây gần nửa thế kỷ, Xí nghiệp Xây lắp VI được giao nhiệm vụ khôi phục mỏ giếng đứng Mông Dương. Vừa là vinh dự nhưng cũng không ít gian lao, bởi đây là công trình có lịch sử lâu đời và đầu tiên ở nước ta được thực dân Pháp đào vào năm 1934, có đường kính 6m, sâu hơn 100m, ngoài ra còn có 1 giếng nghiêng và các đường lò khác đều ở mức -97m. Tuy nhiên, do công nghệ thời kỳ đó còn lạc hậu và xảy ra nhiều biến cố trong những năm chiến tranh, giếng này bị xuống cấp nặng, một thời gian dài rơi vào quên lãng.
Phải đến năm 1965, Chính phủ ta có chủ trương khôi phục lại mỏ Mông Dương (nay là Công ty Cổ phần Than Mông Dương). Công việc đào giếng đứng được tiến hành trở lại, khi đó, người ta phải bơm ra từ lòng giếng Mông Dương 1 triệu m3 nước, việc phục hồi giếng đứng gặp rất nhiều khó khăn do giặc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt. Năm 1967, Bộ Điện - Than tuyển chọn hơn 100 công nhân giỏi của các mỏ đưa sang Liên Xô học công nghệ hầm lò giếng đứng. Sau đó, các công nhân này đã trở về cải tạo giếng đứng Mông Dương. Ngày 9/11/1969, Xí nghiệp Xây lắp VI ra đời trong bối cảnh đất nước bước vào nhiệm vụ mới vừa khôi phục phát triển kinh tế miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam.
Trụ sở Công ty Xây dựng hầm lò 1
Từ năm đầu tiên thành lập, xí nghiệp bắt tay ngay vào nhiệm vụ khôi phục, xây dựng mỏ Mông Dương. Xí nghiệp đã cho cải tạo giếng theo các công đoạn bơm nước, cắt phá toàn bộ hệ thống giếng cũ chỉ để lại thành giếng và lắp đặt các thiết bị mới. Các công đoạn được làm rất thận trọng, bởi giếng đã bị bỏ hoang từ lâu dễ dẫn đến bục nước hoặc nổ khí mê tan. Trong lòng giếng khi ấy phải chứa tới hàng triệu m3 nước, việc bơm nước không thể hút trực tiếp từ miệng giếng mà phải thông qua một lỗ khoan lớn song song với giếng chính và phải bơm liên tục, nếu ngơi nghỉ nước lại ập vào ngay. Cùng lúc đó, lòng giếng chính phải làm nhiều việc khác như: Dỡ bỏ các vật liệu của giếng cũ, ghép cốp pha và đổ bê tông thành giếng. Những công đoạn còn lại là đào các đường hầm rộng lớn như đường tàu điện ngầm hay xây các hầm trạm sau đó cũng được tiến hành v.v...
Giai đoạn 1975-1978, khi đồng chí Phạm Thế Duyệt (nguyên Ủy viên Thường trực Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) làm giám đốc được xem là thời kỳ “tăng tốc - về đích”. Lúc này xí nghiệp đang dốc sức cho hạng mục giếng phụ và sân ga đáy giếng ở mức -97m. Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương vẫn nhớ như in không khí trên công trường xây dựng mỏ Mông Dương diễn ra hết sức gấp gáp, công cuộc khôi phục các đường lò này vấp phải vô số khó khăn do nhiều đường lò bị sập đổ vì ngập nước từ những năm 40 của thế kỷ trước. Nhưng bằng quyết tâm, ý chí, cộng với tính kỷ luật cao của tập thể CBCNV Việt Nam và sự giúp sức của các chuyên gia Liên Xô các đường lò dần được khôi phục.
Đến năm 1978, xí nghiệp được đổi tên thành Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương, trực thuộc Công ty Xây lắp Cẩm Phả, với nhiệm vụ tiếp tục thi công các công trình xây dựng cơ bản, các đường lò, các hầm trạm mỏ… ở mức -97m, đồng thời các hạng mục trên mặt bằng như hệ thống rót than, nhà sinh hoạt, hệ thống đường sắt, khu nhà ở thợ mỏ… đến cuối năm 1982 đã cơ bản hoàn thiện đồng bộ đưa vào sản xuất giai đoạn 1, xí nghiệp tiếp tục thi công các đường lò xây dựng cơ bản giai đoạn 2. Như vậy, nếu tính từ năm 1965, khi Chính phủ ta ra chủ trương khôi phục lại giếng đứng Mông Dương, cộng cả những năm tháng gián đoạn bởi chiến tranh, cán bộ công nhân xí nghiệp phải mất 17 năm khôi phục công trình này, trở thành một niềm tự hào trong suốt 45 năm qua.
Chiến công nối tiếp chiến công, giai đoạn 1978-1998, xí nghiệp tiếp tục thi công thêm nhiều công trình mỏ quan trọng như: Hầm thoát nước mỏ than Cọc 6, mỏ Khe Bố ở Nghệ An, mỏ than Tân Lập (Công ty Than Hòn Gai), các tuyến băng tải mỏ Đèo Nai, Cọc 6, Cao Sơn, khu nhà sàng 1,2 cho Tuyển than Cửa Ông, kho cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng, công trình đào lò Tuy Nen Tây Khe Sim - Lép Mỹ cho Công ty Than Dương Huy...
Cánh chim đầu đàn trong xây dựng cơ bản
Những năm gần đây, công ty tiếp tục được TKV giao nhiệm vụ thi công nhiều công trình trọng điểm, hiện đại, quy mô lớn của Tập đoàn như giếng nghiêng, giếng đứng, các hầm trạm, đường lò cơ bản. Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, hàng năm công ty đều tăng sản lượng mét lò và khối lượng xây dựng các công trình mặt mỏ, đủ năng lực xây dựng hoàn chỉnh một mỏ và có thể đảm nhận nhiều mỏ cùng lúc. Bên cạnh đó, công ty tập trung vào đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến nhằm cơ giới hóa nâng cao tốc độ đào lò, trước mắt là lò bằng và giếng nghiêng, dần tiếp cận với công nghệ đào giếng đứng. Do vậy, tốc độ đào lò và sản lượng mét lò hằng năm luôn nâng lên, điều kiện làm việc cho công nhân cũng được cải thiện rõ rệt.
Cũng phải nói rằng, phía sau thành tựu của cuộc hành trình 45 năm thấm đẫm mồ hôi, công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ lao động Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 là những năm tháng không ngừng vươn lên, không ngừng tự sàng lọc để chọn lấy cho mình một hướng đi đúng đắn, quả quyết, đầy sức mạnh nội lực, trong đó phải nói đến “Chiến lược xây dựng con người”. Trong những năm qua, Đảng bộ công ty luôn coi nguồn nhân lực và trí thức là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển. Bởi vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được chú trọng để đáp ứng trình độ, quản lý và vận hành thiết bị, công nghệ mới trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài các hoạt động đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ thi công các dự án trọng điểm như: Dự án giếng đứng hầm lò Công ty Cổ phần Than Núi Béo, Khe Chàm II - IV, Công ty Than Hạ Long, hay các dự án Khe Chàm III, Thống Nhất, Mông Dương, Hà Lầm... Công ty còn đầu tư nhiều nhiều công trình chăm lo đời sống người lao động như: Xây dựng nhà văn phòng khang trang, sửa chữa nâng cấp khu tập thể công nhân Cầu II; đầu tư hệ thống lò bánh mỳ tự làm cho công nhân; đào tạo công nhân cấp dưỡng phục vụ thợ lò và các chuyên gia nước ngoài… Nhờ những hoạt động cải thiện điều kiện làm việc và chăm lo đời sống người lao động, thợ lò ngày càng gắn bó hơn với công ty.
Nhìn lại chặng đường 45 năm xây dựng và trưởng thành cùng với sự lớn mạnh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), đã có nhiều tập thể, cá nhân công ty đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể Trung ương, bộ, ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý, gồm: Huân chương Lao động hạng Nhất vào năm 2009; Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba vào các năm 1981, 1982, 1985, 1999; 1 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 1 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 7 Chiến sĩ thi đua cấp Bộ…
Với những thành tích đạt được, hôm nay CNVC-LĐ Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 - TKV có thể tự hào tiếp bước nhiều thế hệ đi trước, khẳng định vai trò của mình là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực đào lò, XDCB trong ngành than.
Tùng Kiên