Sẽ có bộ máy tinh, gọn và mạnh
Năng lượng Mới số 291
Thay đổi tên gọi, khẳng định vị thế
Nghị định mới ban hành sẽ bãi bỏ một số quy định về Điều lệ tổ chức, hoạt động và các quy định khác trước đây trái với nghị định này. Điểm mới trong nghị định là tên gọi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được thống nhất theo tên giao dịch quen thuộc là TKV, thay vì cách gọi Vinacomin như trước. Về cơ cấu số lượng đơn vị trực thuộc công ty mẹ, TKV cũng tăng thêm 5 đơn vị (27 đơn vị) so với Quyết định số 418/QĐ-TTg (22 đơn vị). Số công ty con từ 23 đơn vị thì nay rút gọn còn 17 đơn vị; số lượng công ty cổ phần cũng đã tăng từ 33 đơn vị lên 36 đơn vị nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc nắm quyền chi phối khác. Ngoài ra, nghị định mới cũng quy định TKV có 7 công ty TKV nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ và 7 đơn vị sự nghiệp có thu hạch toán độc lập giữ nguyên mô hình.
Với 100% vốn sở hữu của Nhà nước, TKV được giao nhiệm vụ chính trong việc quản lý, khai thác nguồn tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam; là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên được chuyển đổi thành tập đoàn kinh tế đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ; là 1 trong 3 tập đoàn kinh tế Nhà nước có nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đánh giá tổng quát hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của TKV 19 năm qua, kể từ khi thành lập Tập đoàn, với vốn điều lệ của Nhà nước giao là hơn 4.000 tỉ và sản lượng ban đầu hằng năm là 4 triệu tấn than, đến nay TKV đã sản xuất ra được một lượng than hơn 40 triệu tấn/năm, nâng vốn chủ sở hữu lên gần 35.000 tỉ đồng.
Về vốn điều lệ của TKV, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định theo đề nghị của Bộ Công Thương và thẩm định của Bộ Tài chính điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định của pháp luật đến năm 2015 là 35.000 tỉ đồng. Như vậy, có thể thấy rằng, việc Chính phủ chính thức ban hành nghị định về Điều lệ tổ chức, hoạt động TKV có thể xem là sự thay đổi có ý nghĩa rất lớn góp phần ổn định tổ chức, khẳng định vai trò của TKV trong thời gian qua là hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo
Điều lệ mới của TKV cũng quy định chặt chẽ: Chủ tịch HĐTV, Thành viên HĐTV của TKV không được giữ chức danh quản lý, điều hành ở doanh nghiệp khác và không được làm người đại diện phần vốn của TKV ở doanh nghiệp khác. Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của Chủ tịch HĐTV, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc TKV không được giữ chức danh kế toán trưởng, thủ quỹ tại TKV. Hợp đồng kinh tế, lao động, dân sự với nhân thân của thành viên HĐTV, Tổng giám đốc TKV cũng phải được thông báo cho người bổ nhiệm Chủ tịch, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc được biết, nếu phát hiện có tư lợi thì hợp đồng bị vô hiệu và những lãnh đạo này phải bồi thường thiệt hại và bị xử lý.
Còn về trách nhiệm trong điều hành, Tổng giám đốc TKV do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm có thể bị miễn nhiệm nếu để TKV lỗ 2 năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu được giao trong 2 năm liên tiếp hoặc trong tình trạng lỗ lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được (trừ một số ngoại lệ).
Tái cơ cấu theo chiều sâu
Như đã biết, mục tiêu của tái cơ cấu (TCC) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhằm nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp, tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của khối doanh nghiệp này đồng thời hình thành các doanh nghiệp Nhà nước vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Về vấn đề này, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt việc tái cơ cấu theo đề án đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo, các DNNN phải quyết tâm, nghiêm túc thực hiện việc thoái vốn, chấm dứt đầu tư ngoài ngành mà mục tiêu chính không phải chỉ là để cắt lỗ, giảm lỗ mà là giải pháp sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ lại nguồn lực, làm sống lại một bộ phận nguồn lực hiện đang "chết" ở các tập đoàn, tổng công ty, đưa chúng quay trở lại sản xuất; đưa bộ phận nguồn lực còn lại đang thua lỗ hoặc sử dụng kém hiệu quả thành các tài sản được sử dụng có hiệu quả hơn.
Nhận thức và hiểu rõ đây là một yêu cầu bức thiết đối với ngành than, năm 2013 cũng là năm đầu tiên TKV thực hiện đề án TCC với bước đầu đạt kết quả theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. TKV đã tích cực chỉ đạo thực hiện TCC tập đoàn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, bám sát quan điểm, nội dung và các biện pháp. Kiên quyết chỉ đạo thực hiện TCC tập đoàn thống nhất theo lĩnh vực quản lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt. TKV đã xác định tập trung vào 5 lĩnh vực chính đó là: than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ và cơ khí sửa chữa chế tạo. Kiên quyết thoái vốn tại những ngành nghề không thuộc diện ngành, nghề kinh doanh chính như ngân hàng, tài chính, chứng khoán hoặc bất động sản từ nay đến năm 2015. Hiện nay, TKV đã triển khai chuyển đổi 6 công ty TNHH MTV thành chi nhánh của Tập đoàn.
Cùng đó, TKV cũng đã khẩn trương thực hiện các bước theo quy trình để tiến hành cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Vật tư, vận tải và xếp dỡ, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên. Đồng thời, tập trung chỉ đầu tư các dự án trọng điểm như các dự án than, khoáng sản, điện, hóa chất theo quy hoạch, kế hoạch 5 năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư vào các dự án khai thác, vận chuyển, chế biến than, đấu thầu... nhằm tiết kiệm vốn đầu tư cho ngành than.
Mạnh Kiên