Đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ
Trong quá trình xây dựng và phát triển, TKV luôn quan tâm nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để nâng cao năng lực quản lý và tăng cường tiềm lực KH&CN của Tập đoàn. Các chương trình KH&CN trọng điểm được xây dựng theo từng giai đoạn 5 năm nhằm xác định phương hướng, mục tiêu phát triển và định hướng các vấn đề trọng tâm trong công tác nghiên cứu KH&CN phù hợp với định hướng phát triển Tập đoàn. Tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước, cấp bộ, Tập đoàn, cơ sở và đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD).
Cùng với đó, TKV nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện quy trình công nghệ, chuẩn hóa mô hình tổ chức và định biên lao động các đơn vị sản xuất than, khoáng sản, kho vận, sàng tuyển; xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở..., hoàn thiện chuẩn hóa và ban hành mới các định mức kinh tế kỹ thuật, lao động, cấp bậc công nhân kỹ thuật lĩnh vực khai thác lộ thiên, hầm lò, sàng tuyển, cơ khí, sản xuất alumin. Một số phòng thí nghiệm được đầu tư, sử dụng nguồn vốn Quỹ phát triển KH&CN của TKV để phục vụ hoạt động nghiên cứu và SXKD như các phòng thí nghiệm về nghiên cứu khả năng tự cháy của than; thử nghiệm hiệu suất động cơ điện ba pha và động cơ phòng nổ; thử nghiệm an toàn điện, từ trường cho các thiết bị công nghiệp và dân dụng...
Đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ |
Hằng năm, TKV đã tổ chức lựa chọn nhiều nhân sự tham gia đào tạo nâng cao năng lực trong và nước ngoài nhằm tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia đầu ngành cho các lĩnh vực SXKD chính của Tập đoàn.
Với tinh thần tiên phong, không ngừng đổi mới, sáng tạo, TKV đã nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp nâng cao hệ số bóc, tăng ổn định bờ mỏ, bãi thải; sử dụng phương pháp nổ mìn tiên tiến với các loại thuốc nổ có hiệu suất cao, thân thiện với môi trường. Từng bước nghiên cứu và đầu tư áp dụng đồng bộ thiết bị công suất lớn, tăng chiều sâu khai thác đến -350m dưới mực nước biển, sâu hơn nhiều so với thiết kế ban đầu.
Giai đoạn 10 năm trở lại đây, TKV đã đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các phần mềm tính toán khối lượng mỏ, thiết kế, quản lý, điều hành mỏ tương đương các nước có ngành công nghiệp mỏ phát triển như HSMo, Surpac, MineSight...; nghiên cứu, thử nghiệm, tiến tới áp dụng hệ thống cấp phát, giám sát nhiên liệu tự động.
Triển lãm về công nghệ khai thác, khôi phục tài nguyên khoáng sản Mining 2022 |
Với khai thác hầm lò, từ chủ yếu sử dụng loại hình cột chống gỗ, TKV đã nghiên cứu, đầu tư áp dụng các loại hình vì chống sắt, cột thủy lực đơn, giá chống, giàn chống cơ giới hóa, giàn chống mềm thay thế gỗ trong các lò chợ buồng, thượng, dọc vỉa phân tầng... để giảm tiêu hao gỗ, tăng năng suất lao động và mức độ an toàn. Nghiên cứu đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa khai thác than, đào lò, nâng sản lượng khai thác than hầm lò và mét lò đào cơ giới hóa, bán cơ giới hóa và mét lò neo toàn TKV lên đáng kể. Các giải pháp khai thác giảm trữ lượng than trong các trụ bảo vệ, khai thác không để lại trụ bảo vệ, khai thác lại các trụ bảo vệ than... được TKV từng bước triển khai giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất khai thác than hầm lò.
Từ chủ yếu sử dụng thiết bị, phụ tùng nhập khẩu, TKV đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo nội địa hóa và lắp ráp các thiết bị, phụ tùng thiết bị mỏ để chủ động một phần thiết bị, phụ tùng thay thế sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời, phát triển lực lượng và tham gia đảm nhận tổng thầu các dự án trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các dự án chế biến khoáng sản như Nhà máy Tuyển quặng bauxite Tân Rai, Nhân Cơ, Nhà máy Sàng tuyển than Vàng Danh 2, Khe Chàm.
Công nghệ tuyển, chế biến sâu than - khoáng sản được TKV phát triển thông qua nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, nâng cao tỷ lệ thu hồi than - khoáng sản, xử lý bùn nước, tuyển than cục trong than don xô, tuyển tận thu các loại quặng, kẽm, kim loại khác từ quặng đuôi hoặc bãi thải; nghiên cứu, áp dụng công nghệ phù hợp để pha trộn than nhập khẩu với than sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng của khách hàng.
Nhân rộng việc sử dụng sàng đa mặt dốc tại các cơ sở sàng tuyển tập trung để nâng cao hiệu suất tách cám, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân. Đầu tư cải tạo nâng cao năng lực sàng tuyển và tự động hóa tại các nhà máy sàng tuyển than. Áp dụng công nghệ trong xử lý độ ẩm than bùn.
Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp giảm thiểu những ảnh hưởng của hoạt động khai thác, chế biến than - khoáng sản và các hoạt động SXKD của TKV tới môi trường; hoàn thiện giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường các bãi thải; sử dụng vật liệu mới đắp đê, đập cho hồ chứa thải quặng đuôi. Phát triển một số loại vật liệu nền để sản xuất các loại thuốc nổ tiên tiến không sử dụng TNT, sản xuất thành công các loại thuốc nổ ít độc hại, thân thiện với môi trường, một số sản phẩm phân bón từ nguyên liệu Nitrat Amon, bột chữa cháy ABC. Xây dựng phương án sử dụng, kinh doanh đất đá thải, tro xỉ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng, san lấp, chế tạo tấm chèn lò.
Ngoài ra, nắm bắt kịp thời xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các quy định của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, TKV đã tích cực triển khai nghiên cứu và chuẩn hóa quy trình quản lý, vận hành hệ thống công nghệ thông tin; ứng dụng một số phần mềm chuyên dụng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại TKV.
Nhờ áp dụng KH&CN, năm 2023, sản lượng khai thác than hầm lò của TKV đạt 27,4 triệu tấn, trong đó tỷ lệ áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ đạt 4,3 triệu tấn, chiếm 15,7%. Tỷ lệ tổn thất khai thác than hầm lò từ 25-30% xuống dưới 20%. |
Xác định phát triển KH&CN, trong đó có đổi mới, ứng dụng KH&CN vào sản xuất là động lực bảo đảm tăng năng suất lao động, tăng sản lượng, tiết kiệm chi phí, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả SXKD, tăng cường bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường... góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TKV tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và các địa phương liên quan để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các hoạt động nghiên cứu KH&CN gắn liền với hoạt động SXKD của Tập đoàn.
Đầu tư đổi mới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường tiềm lực KH&CN; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện quy chế quản lý KH&CN của TKV nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển có hiệu quả hoạt động nghiên cứu KH&CN. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN.
Đẩy mạnh nghiên cứu KH&CN trên tất cả các lĩnh vực. Các sản phẩm, kết quả nghiên cứu KH&CN phải bảo đảm có tính ứng dụng cao. Chú
trọng nghiên cứu đổi mới, ứng dụng các thành tựu KH&CN và giải pháp kỹ thuật công nghệ mới, hiện đại, phù hợp theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển dịch năng lượng công bằng, khai thác chuỗi giá trị gia tăng để hướng đến hình thành hệ sinh thái phát triển của TKV phù hợp với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số... nhằm nâng cao hiệu quả SXKD, bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững. Đầu tư phát triển và hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu KH&CN.
Nghiên cứu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào một số đơn vị để xây dựng hình mẫu các doanh nghiệp KH&CN trong thời kỳ mới; kế thừa các thành tựu KH&CN đã đạt được và xây dựng các chương trình nghiên cứu dài hạn, đồng bộ để tạo ra các sản phẩm KH&CN có tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển bền vững TKV.
Việc triển khai nghiên cứu và áp dụng các giải pháp công nghệ đã góp phần nâng cao hệ số thu hồi than sạch qua các công đoạn chế biến đạt ngưỡng 90%, cải thiện cảnh quan môi trường, điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động. |
P.V