Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

"Nghe nhạc có ý thức": Vẫn chỉ như muối bỏ bể

14:00 | 09/11/2012

1,036 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dù đã ký kết với các tổ chức thế giới về vấn đề tác quyền từ lâu, nhưng việc vi phạm quyền tác giả trong nền âm nhạc Việt Nam vẫn kéo dài trong những năm qua. Đây đã là một thực trạng đáng buồn. Cách đây hơn một tháng “Nghe có ý thức” được khởi xướng và chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, phong trào được xem là tiếng chuông đánh thức người nghe có tránh nhiệm hơn với sản phẩm âm nhạc nước nhà này, hiệu quả đạt được vẫn còn rất nhạt nhòa.

Không quen “bản quyền”

Đối với những nước phát triển trên thế giới, mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời phải được đăng ký bản quyền là điều tất yếu. Nhưng ở Việt Nam, “bản quyền” vẫn trở nên rất đỗi xa lạ và đang là vấn đề nan giải. Không chỉ riêng trong lĩnh vực âm nhạc mà các lĩnh vực nghệ thuật khác cũng tương tự ở trạng thái “xài chùa”. Rất ít đối tượng tiếp nhận nghệ thuật nghĩ đến việc bỏ tiền túi ra để được “hưởng thụ” một sản phẩm nghệ thuật.

Một động thái được xem là tích cực khi hai nhạc sĩ Quốc Trung và Huy Tuấn đứng lên khởi xướng phong trào “nghe có ý thức”. Ngay từ ban đầu phong trào đã nhận được nhiều quan tâm từ dư luận. Mốc đánh dấu cách đây hơn một tháng (15/8), 5 đơn vị đã đăng ký vớiHiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam về việc cam kết thu phí.Mặt khác, ngày 1/11 được trông chờ khi nhiều người hy vọng đây sẽ là bước chuyển mình trong vấn đề tác quyền của lĩnh vực nhạc số. Tuy nhiên, đến nay đã 6 ngày trôi qua, kể từ khi “nghe nhạc có ý thức” có hiệu lực nhưng kết quả thu được lại không mấy khả quan.

Thí sinh Vietnam Idol mặc áo cổ động cho thông điệp “nghe có ý thức”

Xin chưa nhắc đến hệ lụy của “nghe nhạc có ý thức” mà hãy bàn đến việc đăng ký “bản quyền” cho những tác phẩm nghệ thuật. Bó hẹp trong lĩnh vực của âm nhạc, một tác phẩm ra đời sẽ được “khai sinh” bằng việc đăng ký bản quyền tác giả. Sẽ không là vấn nạn nếu như nhạc sĩ nào cũng ý thức để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình. Hiện trạng thường thấy là do sự “cả nể”, nhiều nhạc sĩ sáng tác dựa trên cảm hứng “xin”, “tặng”, ai yêu quý ca sĩ nào thì sáng tác tặng riêng cho ca sĩ đó. Chưa kể đến trường hợp, các nhạc sĩ trẻ mải mê gây dựng tên tuổi, để khi mỗi tác phẩm ra đời là thả nổi, tự đăng đàn quảng bá thậm chí “cho không, biếu không”, mà không mấy quan tâm đến việc ai là người sử dụng tác phẩm của mình một cách tốt nhất. Còn các ca sĩ thì cũng không khả quan hơn. Họ có thể bỏ ra hàng trăm triệu đồng để làm một abum, hay MV nhưng lại sẵn sàng “up” ngay lên những trang mạng xã hội để mau chóng nhận được phản hồi của người nghe và mong được công chúng biết đến. Tâm lý “ăn xổi” của những người làm nghề vì thế cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng âm nhạc mà họ đem lại. Chỉ riêng bấy nhiêu thôi cũng đủ làm nhũng loạn thị trường âm nhạc, khi mà sự nổi danh trở nên dễ dàng và những tác giả bỗng dưng được gắn mác nhạc sĩ ngày càng tăng. Thiết nghĩ, chưa cần đả động đến đối tượng tiếp nhận là người nghe, trước tiên các nhạc sĩ, ca sĩ nên có trách nhiệm với chính những sản phẩm của mình.  

Nhạc sĩ Quốc Trung khi phát động “nghe có ý thức” cũng khẳng định: “Đối tượng chủ yếu là các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất và tất cả những ai đang tham gia trong đời sống âm nhạc cùng nhau xây dựng thị trường âm nhạc Việt Nam lành mạnh và phát triển”. Điều đó đương nhiên chính xác bởi họ là những người tạo ra nghệ thuật, tại thời điểm này hơn bao giờ hết các nhạc sĩ, ca sĩ, các nhà sản xuất nên biết “nghe nhau” mới là điều quan trọng. Chỉ có như thế, chúng ta mới có quyền hy vọng vào những bước đi tiếp theo để mong “chấn hưng” được tình hình âm nhạc đang ngày càng trở nên nhũng loạn này.

Phát súng chỉ thiên

Đã 6 ngày kể từ khi “Nghe nhạc có ý thức” có hiệu lực, nhưng sự thật là người nghe nhạc vẫn cứ vô tư tải nhạc mà không mất phí. Xét trên thực tế thì cũng có việc thu phí 1.000 đồng/bài ở 7 trang nhạc trực tuyến gồm: nhaccuatui.com, zing.vn, nhạc.vui.vn, keeng.vn, music.vnn.vn, go.vn, yeucahat.com đã ký hợp đồng. Song sự thật làm nản lòng những người thực sự quan tâm, cổ vũ cho sự kiện thu phí tải nhạc này là hiện chỉ có 100 abum “cũ rích” mà Hiệp hội RIAV bán bản quyền cho Tập đoàn MV là thu phí.

Trên thực tế, đối tượng nghe nhạc trực tuyến và thông thạo Internet chủ yếu là giới trẻ. Nhu cầu của họ là nghe nhạc mới, album mới... thì những sản phẩm này vẫn được tải miễn phí. Hệ lụy tất yếu là những bản nhạc thu phí lại chả mấy ai thèm đả động. Vô hình chung, giới trẻ đang quay lưng với nhạc truyền thống đến nay lại càng chẳng mặn mà. Lý giải về vấn đề này, ông  Phùng Tiến Công, Phó tổng giám đốc MVCrop, cho biết: “Vì Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, đơn vị sở hữu các sản phẩm băng đĩa chỉ mới chuyển 100 album này để thu phí, nên chúng tôi chỉ thu tiền được 100 album này nếu có người tải. Còn các album, bài hát khác của các ca sĩ chưa thỏa thuận bản quyền với hiệp hội, hay với chính MV, thì chúng tôi cũng không thể can thiệp”.

Vấn đề nan giải tiếp theo là trong khi có tới gần 150 trang nhạc kinh doanh nhạc số trên mạng Internet, mà số trang đăng ký vấn đề tác quyền chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi “nghe chùa” đã trở thành một căn bệnh trầm kha ăn sâu vào trong tiềm thức của người nghe nhạc, thì việc thuyết phục được họ bỏ tiền túi ra chi trả cũng là một điều khó khăn. Chính yếu tố này ông Nguyên cũng cho hay: Thực sự là tới ngày 1/1/2013 mới là thời điểm chính thức các trang web thực hiện đồng bộ, triệt để việc thu phí tải nhạc. Bởi lâu nay, nghe free vẫn là hành vi rất đỗi bình thường và đương nhiên xảy ra ở người nghe nhạc Việt. Và xét cho cùng là để đối tượng tiếp nhận quen dần với việc trả phí cho sản phẩm nghệ thuật mình được hưởng cũng phải có thời gian thích ứng. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để hiểu, “nghe nhạc có ý thức” tưởng chừng sẽ là ngày “lịch sử” đánh dấu bước chuyển mình của lĩnh vực nhạc số, nhưng thực tế kết quả thu được lại rất nhạt nhòa.

Sẽ còn nhiều lắm những vấn đề nan giải không thể giải quyết một sớm một chiều. Tuy nhiên vẫn không thể không khẳng định tiếng chuông cảnh tỉnh của “nghe có ý thức” cũng làm chúng ta phải suy nghĩ và quan tâm hơn đến giá trị của mỗi tác phẩm nghệ thuật. Dù chỉ là một hành động như muối bỏ bể, nhưng hy vọng rằng, sau phong trào “nghe có ý thức” thì sẽ còn nhiều nữa những hạt muối như thế thêm vào để nền âm nhạc Việt Nam có quyền hy vọng đẩy lùi được vấn nạn sản suất miễn phí, nghe miễn phí và xem miễn phí.

* Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: Trách nhiệm thuộc về Nhà nước

“Nghe có ý thức” cũng chỉ là phát súng đầu. Việc thu phí 1.000 đồng/bài hát, dường như là viển vông hoặc chỉ để xoa dịu tình thế. Riêng tôi không quan tâm các bạn downloat một bài hát hết bao nhiêu tiền, nhưng tôi nghĩ đã thu phí là phải thu tất cả chứ không nên tách biệt một sản phẩm nào. Nghe như vậy thì thật là nực cười và không hợp lý. Có thể chống chế là đang lập hệ thống nhưng thực sự còn rất nan giải bởi sẽ còn kéo theo cả một hệ lụy phía sau.

Theo tôi thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về Nhà nước, chứ không phải riêng một cá nhân hay tổ chức riêng lẻ nào đứng lên làm việc này. Đây là một vấn đề cần thiết và lâu dài nên tất cả quy trình cần phải có hệ thống, chiến lược rõ ràng và tất nhiên cần có bộ luật riêng”.

* Ca sĩ Hồ Trung Dũng: Đừng “đánh trống bỏ dùi”

Việc phát động “nghe có ý thức” đã phần nào thể hiện sự trân trọng của người nghe đối với sản phẩm âm nhạc, để từ đó tự nó có sự chọn lọc.

Tôi không nghĩ một cá nhân, hay tập thể nào có thể làm việc này một cách trọn vẹn mà đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ. Nếu cứ để tình trạng tự phát thì e rằng không có hiệu quả và tạo được hiệu ứng. Và đương nhiên, đi đầu vẫn phải là những người nghệ sĩ tự đứng lên bảo vệ tác phẩm của mình. 

Hy vọng rằng, sau “nghe có ý thức” thì sẽ còn nhiều nữa những hoạt động tương tự để bảo vệ một cách tốt nhất vấn đề tác quyền cho các nghệ sĩ”.


Huyền Anh