Ngành than 2014: Vượt khó từ nội lực
Năng lượng Mới số 295
Khó khăn trước mắt còn nhiều
TKV bước vào năm 2014 với nhiệm vụ, kế hoạch nặng nề hơn và nhiều khó khăn, thách thức cam go, phức tạp hơn. Ngoài những khó khăn khách quan do suy giảm kinh tế tiếp tục kéo dài, Tập đoàn còn phải đối mặt trước những khó khăn nội tại nhất là về thị trường, điều kiện tài nguyên, tình hình tài chính, thu xếp vốn, sức ép lao động... Như đã biết, tài nguyên khoáng sản (TNKS) là một trong hai nguồn lực nền tảng của TKV. Có người đã ví rằng, nguồn tài nguyên này đã qua giai đoạn “Thiên thời, Địa lợi” các mỏ than có tài nguyên màu mỡ, điều kiện khai thác - kinh doanh thuận lợi ngày càng cạn kiệt trữ lượng, phải chuyển dần sang khai thác các mỏ nhỏ lẻ có điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp.
Mỏ Cọc Sáu (Cẩm Phả, Quảng Ninh)
Tài nguyên đã thăm dò còn ít và kết quả thăm dò có mức độ chính xác thấp, rồi việc cấp phép thăm dò và khai thác gặp rất nhiều vướng mắc. Đa phần các mỏ khoáng sản (ngoài than) phân bố rải rác ở vùng miền núi, trình độ phát triển KT-XH, trình độ dân trí thấp, kết cấu hạ tầng chưa phát triển, khó tuyển dụng lao động có chất lượng cao; hầu hết các mỏ có trữ lượng nhỏ, không đủ điều kiện để đầu tư cơ sở chế biến quy mô lớn, đảm bảo hiệu quả. Nhìn chung nguồn lực này gặp nhiều bất lợi cho việc đầu tư phát triển mỏ, thu hút lao động và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tiếp đó, tổng mức đầu tư phát triển than theo quy hoạch được duyệt cho giai đoạn 2011-2020 khoảng 317,7 nghìn tỉ đồng (bình quân trên 31 nghìn tỉ đồng/năm).
Ngoài ra, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp và một số ngành kinh doanh khác của Tập đoàn cũng rất lớn, chỉ tính đến năm 2020 đã lên đến hàng mấy chục ngàn tỉ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn hiện có khoảng 32 ngàn tỉ đồng. Việc huy động vốn trong nước rất khó khăn do nguồn vốn rất hạn chế; việc huy động vốn trên thị trường quốc tế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên ngày càng khó khăn hơn và với lãi suất cao hơn. Trong khi hiệu quả kinh doanh, nhất là than, khoáng sản suy giảm và tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn, do: Giá thành than ngày càng tăng cao, giá và sản lượng than xuất khẩu giảm, nên khả năng có lãi để tích lũy và tái đầu tư là rất hạn chế, một số dự án lớn than, điện, khoáng sản, v.v...
Điều kiện làm việc trong khai thác than hầm lò rất nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm đã gây nhiều tác hại đến an toàn, sức khỏe của người lao động cũng như kinh tế - xã hội. Mặc dù thời gian qua Tập đoàn và các đơn vị thành viên có nhiều biện pháp quyết liệt tăng cường công tác an toàn lao động song tình hình tai nạn lao động trong khai thác than hầm lò vẫn còn diễn biến phức tạp. Rõ ràng đây sẽ là thách thức nghiêm trọng đối với Tập đoàn trên mọi phương diện: nâng cao sản lượng than, hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn và phát triển nguồn nhân lực.
Giải pháp hay, quyết tâm phải lớn
Mới đây nhất, tại Hội nghị triển khai kế hoạch và ký hợp đồng phối hợp kinh doanh năm 2014, Tổng giám đốc TKV Lê Minh Chuẩn đã nhấn mạnh, mục tiêu điều hành kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn là: Duy trì sản xuất ổn định, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đổi mới cơ chế quản trị phù hợp; tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo tăng trưởng hợp lý, bền vững; cải thiện đời sống, điều kiện làm việc và phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là đội ngũ thợ lò. Trong đó, cần tập trung thực hiện ba nhóm giải pháp chủ yếu.
Nhóm giải pháp thứ nhất là đẩy mạnh tiêu thụ, yêu cầu các đơn vị thành viên bám sát diễn biến thị trường, tập trung chỉ đạo điều hành sản xuất theo khả năng hấp thụ của thị trường, chuẩn bị sẵn sàng cho việc tăng sản lượng khi thị trường thuận lợi, nhu cầu trong nước tăng, giữ tồn kho ở mức hợp lý. Cùng đó là tập trung nâng cao chất lượng than, linh hoạt cơ cấu sản phẩm để đáp ứng các loại than cám 3c, 4, 5a cho nhu cầu nội địa tăng cao trong năm 2014 và phục vụ xuất khẩu. Điều hành phẩm cấp than của các đơn vị năm 2014 đảm bảo tốt hơn năm 2013...
Trong các lĩnh vực như khoáng sản, giữ ổn định chất lượng Alumin của Tổ hợp Bauxite Nhôm Lâm Đồng với sản lượng năm 2014 tối thiểu 540 ngàn tấn, tập trung nâng cao sản lượng sản xuất kẽm, thiếc và các khoáng sản khác; với điện lực, vận hành ổn định, phát huy công suất các nhà máy điện Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả 1 - 2, Mạo Khê và đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành thương mại Nhiệt điện Nông Sơn; với vật liệu nổ công nghiệp, sớm hoàn thiện quá trình đầu tư để đưa dự án sản xuất amon nitrat vào vận hành, cung ứng chủng loại thuốc nổ hợp lý…
Nhóm giải pháp thứ hai, lãnh đạo Tập đoàn coi việc tăng cường áp dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm là giải pháp quyết định tăng trưởng của Tập đoàn. Theo đó, TKV đã chỉ đạo quyết liệt việc áp dụng cơ giới hóa phù hợp với từng điều kiện khoáng sản ở các mỏ hầm lò như: cơ giới hoá khấu than ở các lò chợ, khâu bốc xúc và vận tải mỏ, áp dụng các sơ đồ công nghệ khai thác mới trong các điều kiện địa chất phức tạp; nghiên cứu áp dụng công nghệ đào lò tiên tiến, chống lò vì neo ở những nơi có điều kiện sử dụng.
Nhóm giải pháp thứ ba là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các mặt quản lý như tăng cường quản lý tài nguyên, kỹ thuật cơ bản, an toàn, bảo vệ môi trường… Mặt khác, Tập đoàn đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo phát triển nguồn nhân lực, nhất là vấn đề tuyển dụng, giữ chân thợ lò và đào tạo cán bộ quản lý cấp cao, chuyên gia.
Để thực hiện thành công kế hoạch tiêu thụ 35 triệu tấn than trong nước và xuất khẩu, thời điểm này TKV đã bắt đầu triển khai các giải pháp đồng bộ.
Nguyễn Kiên