Ngành dầu khí của Nga bị ảnh hưởng như thế nào trong năm 2022?
Trong một bài báo đăng tải trên trang mạng của Nga (tên “Chính sách Năng lượng”), Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết, kim ngạch xuất khẩu khí đốt sụt giảm nghiêm trọng vì “các nước châu Âu từ chối mua khí đốt của Nga, cũng như do sự cố phá hoại vào đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2”.
Thông báo này được đưa ra sau gần một năm xảy ra chiến tranh Nga - Ukraine, và sau khi phương Tây ban hành một loạt lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào ngành năng lượng của Nga, nhằm mục đích cản trở Nga tập trung tài lực vào cuộc chiến tranh này.
Liên minh châu Âu (EU) từng là khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga. Nhưng trong năm 2022, họ đã mạnh tay cắt giảm nhập khẩu.
Vì vậy, Nga chỉ xuất khẩu được 184,4 tỷ m3 khí đốt, so với tổng sản lượng khai thác là 673,8 tỷ m3.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga lại hài lòng với “tiềm năng đẩy mạnh nguồn cung khí đốt vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, với Trung Quốc là khách hàng hàng đầu. Trong năm 2022, sản lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc, qua đường ống “Power of Siberia”, đã tăng 48% và đạt mức kỷ lục 15,4 tỷ m3.
Tuy châu Âu hầu như đã ngừng nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống dẫn, họ vẫn tiếp tục khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) với sản lượng ít hơn, từ nhiều kho cảng của Nga. Lô hàng được vận chuyển bằng tàu biển LNG chuyên dụng.
Theo ông Novak, trong năm 2022, Nga đã xuất khẩu được 45,7 tỷ m3 LNG trên toàn thế giới. Như vậy, xuất khẩu LNG tăng 7,9%.
Về mặt dầu thô, trong năm 2022, bất chấp lệnh cấm vận dầu mỏ và cơ chế áp trần của EU - G7 - Úc, Nga vẫn ghi nhận xuất khẩu dầu mỏ tăng 7,6%, tức thêm 242 triệu tấn dầu.
Đặc biệt, cũng trong năm 2022, các quốc gia tiêu thụ năng lượng như Ấn Độ và Trung Quốc đã đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ dầu thô Nga, trong bối cảnh giá dầu Urals giảm mạnh, còn Nga thì tái định hướng chiến lược kinh doanh của mình và hướng đến châu Á nhiều hơn, nhất là đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Phó Thủ tướng Nga cho biết: “Trong năm nay, chúng tôi lên kế hoạch xuất khẩu hơn 80% lượng dầu khai thác được và 75% sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ, cho những quốc gia bạn hữu”.
Ngọc Duyên
AFP
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”
-
Nga dự kiến chi hơn 500 triệu USD xây dựng kho dự trữ kim loại quý
-
Trung Quốc “kiềm chế” mua vàng tháng thứ năm liên tiếp