Tin Thị trường: Giá dầu ở mức thấp nhất trong hai tuần
Ảnh: Internet |
Giá dầu ở mức thấp nhất trong hai tuần
Tính đến đầu giờ chiều nay 17/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 70,75 USD/thùng - tăng 0,51%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 74,55 USD/thùng - tăng 0,44%.
Kể từ đầu tuần, giá dầu liên tục giảm do triển vọng nhu cầu yếu hơn. Ngoài ra, thông tin Israel sẽ không tấn công các cơ sở hạt nhân và dầu mỏ của Iran cũng đã giúp "hạ nhiệt" lo ngại gián đoạn nguồn cung. Cả hai chuẩn dầu thô đã giảm khoảng 7% trong 3 ngày gần đây và đều đang ở mức thấp nhất kể từ ngày 3/10.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2024, nguyên nhân phần lớn do nền kinh tế suy thoái của Trung Quốc. IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 ở mức dưới 102 triệu thùng/ngày và sau đó giảm xuống còn 99 triệu thùng/ngày vào năm 2035.
Các biện pháp kích thích tài khóa được công bố gần đây tại Trung Quốc chưa cho thấy hiệu quả và đã không hỗ trợ nhiều cho giá dầu. Trung Quốc cho biết họ có thể huy động thêm 6.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 850 tỷ USD) từ trái phiếu kho bạc đặc biệt trong 3 năm để kích thích nền kinh tế đang suy thoái.
Nền kinh tế châu Âu đang cho thấy một số dấu hiệu phục hồi, có khả năng tránh được tình trạng suy thoái trong hơn một năm mặc dù các chỉ số cho thấy mức tăng trưởng vẫn còn yếu. Trong khi đó giá nhập khẩu của Mỹ giảm mạnh nhất trong 9 tháng vào tháng 9 khi chi phí sản phẩm năng lượng giảm mạnh, báo hiệu triển vọng lạm phát ổn giúp Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất. Các tín hiệu tích cực từ các nền kinh tế lớn này đã phần nào hạn chế đà trượt của giá dầu.
Giá khí đốt quay đầu tăng nhẹ
Trên thị trường thế giới, ghi nhận vào đầu giờ chiều 17/10 (giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tăng 0,25% lên mức 2,373 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2024.
Giá khí đốt tự nhiên chuẩn của Châu Âu biến động mạnh trong phiên giao dịch sáng 16/10 tại Amsterdam, khi những lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đang được bù đắp bằng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tăng trước mùa sưởi ấm mùa đông.
Giá khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan, chuẩn giao dịch khí đốt của châu Âu, đã giảm 1% xuống còn 43,10 USD (39,55 euro) cho mỗi megawatt-giờ (MWh) vào lúc 12h13' chiều 16/10 tại Amsterdam trong phiên giao dịch đầy biến động, sau khi giảm 1,4% vào một ngày trước đó.
Khi châu Âu chuẩn bị cho mùa đông trong bối cảnh thực tế việc vận chuyển LNG của Nga đến khối này đang tăng trong những tháng gần đây.
Tuần này, lượng LNG nhập khẩu tại các nhà ga nhập khẩu ở Tây Bắc Âu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4, theo dữ liệu lưới điện do Bloomberg tổng hợp .
Giá khí đốt ở Châu Âu tăng trong những tuần gần đây do lo ngại về nguồn cung khi căng thẳng ở Trung Đông bùng phát trở lại vào đầu tháng 10 sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel.
Giá khí đốt cao hơn ở Châu Âu đã thúc đẩy một số chuyến hàng chuyển hướng từ Châu Á và đi đến Châu Âu. Như vậy, Lục địa già có thể tạm an tâm về nguồn cung, nhưng sự cạnh tranh gia tăng có thể đẩy giá LNG giao ngay của cả Châu Âu và Châu Á lên cao hơn.
Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt Châu Âu, kho dự trữ khí đốt của Châu Âu hiện đã đầy 95%.
Tâm lý thị trường bi quan giống cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008
Giá dầu ít thay đổi trong các phiên giao dịch ngày 16/10 sau khi giảm hơn 4% xuống mức thấp nhất trong hai tuần do lo ngại gián đoạn nguồn cung của Iran giảm bớt. Theo Washington Post, Thủ tướng Israel Netanyahu đã tuyên bố với chính quyền Biden rằng Israel sẵn sàng tấn công cơ sở hạ tầng quân sự của Iran thay vì các cơ sở dầu mỏ hay hạt nhân, đồng thời Israel sẽ xem xét ý kiến của Mỹ.
Áp lực lên giá dầu càng tăng thêm bởi những diễn biến khác sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 trong tháng thứ ba liên tiếp xuống 862 nghìn thùng/ngày, giảm so với quan điểm trước đó là 903 nghìn thùng/ngày. Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 680 nghìn thùng/ngày trong Quý III, tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ Quý IV năm 2022 khi Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa thời kỳ Covid-19. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi nhu cầu của Trung Quốc giảm 500 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ trong tháng 8, cao hơn gấp đôi mức giảm trung bình 190 nghìn thùng/ngày kể từ tháng 4. Trong khi đó, IEA đã điều chỉnh ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 lên 998 nghìn thùng/ngày, từ mức 954 nghìn thùng/ngày trước đó.
Theo quan sát của các chuyên gia hàng hóa Standard Chartered, giá dầu từ tháng 10 đến nay cũng thất thường như những biến động trong tháng 9. Đường cong kỳ hạn Brent vẫn rất bằng phẳng, với sự dịch chuyển xuống gần như song song trong tuần qua. Theo StanChart, tâm lý thị trường phổ biến, đặc biệt là trong số các nhà giao dịch đầu cơ, vẫn chủ yếu là giảm giá, ngang bằng với giai đoạn cuối năm 2008 khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
StanChart lưu ý rằng các chủ đề chính hiện đang thống trị thị trường dầu mỏ là kỳ vọng về tình trạng hạ cánh cứng của nền kinh tế vĩ mô, nhu cầu dầu cực kỳ yếu và lo ngại dai dẳng về thị trường dầu thừa cung vào năm 2025. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng hóa đã lập luận rằng lo ngại về tình trạng dư cung có thể bị thổi phồng quá mức do sự không rõ ràng của nguồn cung.
Bình An