Khe Chàm hôm nay
Năng lượng Mới số 355
Trải vượt khó khăn
Trong một lần trò chuyện với lãnh đạo Công ty Than Khe Chàm, ông Bùi Xuân May, Giám đốc công ty đã tự hào cho rằng: “Khe Chàm được như ngày hôm nay phải khẳng định yếu tố đổi mới công nghệ trong khai thác là quyết định nhất. Chúng tôi đã mạnh dạn đổi mới và đổi đời…”. Rồi ông bồi hồi nhớ lại những ngày các đồng chí lãnh đạo thế hệ trước đã phải lăn lộn, vất vả ngày đêm trong các đường lò để quyết tâm đổi mới công nghệ khai thác. “Đi đầu bao giờ cũng vất vả, chịu nhiều áp lực về tư tưởng cho đến cơ sở vật chất, vốn liếng v.v... Đó thực sự là những năm tháng đáng nhớ”.
Giám đốc Bùi Xuân May kể lại, đó là ngày 1-1-1986, mỏ than Khe Chàm, nay là Công ty Than Khe Chàm - TKV được thành lập trên cơ sở tách ra từ một công trường khai thác của mỏ than Mông Dương. Từ một đơn vị sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu nên sản lượng khai thác than những năm đầu thành lập của Công ty Than Khe Chàm chưa vượt quá 150.000 tấn/năm. Khi đó, cơ sở vật chất của đơn vị nghèo nàn, đời sống của cán bộ, công nhân viên (CBCNV) gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chỉ sau đó hơn một thập niên, than Khe Chàm đã vươn lên sánh ngang với đơn vị có bề dày truyền thống thông qua nhiều đổi mới trong khai thác bằng những công nghệ hiện đại, đưa sản lượng mỏ ngày một tăng cao.
Công nhân đi Song Loan xuống mức âm 300 tại mỏ Khe Chàm
Nhìn lại một chặng đường dài của Công ty Than Khe Chàm mới thấy được khát vọng hiện đại hóa trong khai thác mỏ của những người thợ mỏ Khe Chàm mạnh mẽ như thế nào. Điều đó được thể hiện qua việc công ty luôn mạnh dạn và tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, thể hiện tinh thần giám nghĩ, giám làm và chịu trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo và CBCNV Công ty Than Khe Chàm.
Trước năm 1996, hầu như toàn ngành than đều áp dụng công nghệ khai thác than lò chợ bằng khoan nổ mìn, chống gỗ. Sản lượng lò chợ thấp, chỉ đạt 20.000-25.000 tấn/năm; năng suất khai thác cũng chỉ đạt 1,6-1,8 tấn/người/công. Khi đó, công ty là đơn vị đầu tiên áp dụng thử nghiệm công nghệ chống lò bằng vì ma sát bằng sắt thay cho chống gỗ lạc hậu. Khi đó nhiều người hoài nghi, không tin sẽ thành công. Tuy nhiên, kết quả cho thấy đây là một quyết định sáng suốt, mang tính đột phá trong ngành than. Sản lượng khai thác tăng đột biến, từ 50.000-55.000 tấn/năm cho mỗi lò chợ, gấp đôi công nghệ chống gỗ lạc hậu, năng suất đạt 3,0-3,5 tấn/công. Mặt khác, lò chợ đảm bảo hệ số an toàn cao hơn nhiều so với chống gỗ trước đây, người thợ đi lại sản xuất cũng dễ dàng hơn, an toàn hơn, sức lao động của người thợ mỏ đã giảm.
Không dừng lại ở đó, chỉ 2 năm sau, năm 1998, công ty lại áp dụng thử nghiệm công nghệ cột chống thủy lực đơn. Điều kỳ diệu lại đến. Sản lượng khai thác lò chợ tăng vọt, đạt 100.000-130.000 tấn/năm, năng suất đạt 4,2-4,6 tấn/người/công. Người thợ đi lò đã thực sự cải thiện điều kiện làm việc, nhất là công tác thu hồi vì chống giảm hẳn tính nguy hiểm. Chỉ sau đó một vài năm, Tập đoàn đã cho áp dụng rộng rãi tại hầu hết các đơn vị trong TKV. Cũng nhờ vậy mà sản lượng của toàn Tập đoàn tăng từ hơn 11 triệu tấn/năm lên 20 rồi 30 triệu tấn/năm. Năm 2002, công ty tiếp tục đầu tư đưa vào thử nghiệm công nghệ cơ giới hóa khai thác than trong lò chợ bằng máy khấu thay cho nổ mìn trước đây. Lại một lần nữa Khe Chàm lập nên kỳ tích, năng suất đạt 7,0-7,5 tấn/người/công.
Tiếp đó, năm 2005 là năm đánh dấu sự thay đổi vượt bậc trong công nghệ khai thác khi công ty triển khai lắp đặt công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than lò chợ: khai thác bằng máy khấu và chống lò bằng giàn chống tự hành. Thợ lò đã giảm lao động thủ công, năng suất lao động đạt 13-15 tấn/công, công suất vượt lên, đạt 400.000 tấn/năm, nếu chuẩn bị tốt khai trường, máy có thể đạt 500.000 tấn/năm. Đây cũng là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất của ngành than với số tiền đầu tư chỉ hơn 45 tỉ đồng. Và cho đến nay, Công ty Than Khe Chàm cũng là đơn vị đạt hiệu quả cao nhất khi áp dụng công nghệ này. Một số đơn vị khác cũng đang triển khai sau thành công của Khe Chàm.
Công nhân than Khe Chàm
An toàn và hiện đại
Công tác an toàn trong khai thác hầm lò luôn được đặt lên hàng đầu. Thông thường, chiếc máy ảnh, điện thoại, hoặc bất cứ thiết bị điện tử nào, có điện, có sóng, có từ trường, là có thể trở thành... kíp nổ. Dưới lò than, không khí lúc nào cũng đậm đặc các loại khí độc, nguy hiểm nhất là mêtan, khí gas. Chỉ cần có sự “kích thích”, các loại khí này sẽ biến thành bom. Vậy mà, mới đây than Khe Chàm thực hiện điều khó tin khi công ty cho “phủ sóng di động” khắp đường lò. Giờ đây ở trong lò, CBCNV có thể liên hệ bất cứ ai, ở đâu. Do vậy, công tác điều hành, nắm bắt thông tin cũng vì thế mà thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời hơn. Chuyện có thật này đã đánh dấu thêm một bước ngoặt trong việc đi đầu áp dụng công nghệ của Khe Chàm vào sản xuất. Ngoài ra, công ty cũng áp dụng quản lý bằng hệ thống tiên tiến định vị nhân sự kết hợp với camera cố định, di động và thẻ từ giúp người điều hành có thể nắm bắt chính xác các hoạt động trong lò bằng hình ảnh, thông tin về nhân sự đang làm việc tại tất cả các vị trí v.v…
Từ nhiều năm nay, Công ty Than Khe Chàm được biết đến là đơn vị luôn đi đầu trong áp dụng các công nghệ chống giữ lò của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV). Chẳng hạn năm 2010, công ty đầu tư công nghệ giá khung thủy lực di động. Năm 2011, công ty đưa công nghệ giàn chống siêu nhẹ vào khai thác tại lò chợ 13.1-3 vỉa 13.1 khu trung tâm. Những dự án trên đều nằm trong chủ trương của TKV là đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, phấn đấu tăng nhanh sản lượng và đưa mục tiêu xây dựng các mỏ “An toàn - Năng suất - Ít người”… Cuối năm ngoái, than Khe Chàm tổ chức lễ khai thác tấn than đầu tiên tại mức âm 300 mỏ than Khe Chàm III. Đây là mỏ than hiện đại, sâu nhất ngành than hiện nay được các kỹ sư, công nhân của ta thiết kế, thi công mới hoàn toàn. Đây cũng là tấn than đầu tiên từ độ âm 300 của ngành than Việt Nam mà những người thợ mỏ Khe Chàm đã trực tiếp khai thác và đưa lên.
Dự án Khe Chàm III có tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 2-2006, bao gồm một cặp giếng nghiêng từ mặt bằng mức +26 xuống -300. Dự án sẽ nâng công suất mỏ Khe Chàm lên 2,5 triệu tấn than nguyên khai/năm và tạo việc làm mới cho hơn 3.000 lao động. Mỏ than này cũng lần đầu tiên trong ngành áp dụng công nghệ giàn chống siêu nhẹ cho năng suất vượt xa các loại giàn, giá trước đây, đáp ứng độ an toàn cao, tiết kiệm chi phí, lại đảm bảo vệ sinh môi trường. Dự án khẳng định bước tiến vượt bậc của thợ mỏ Khe Chàm nói riêng và thợ mỏ TKV nói chung, đã hoàn toàn có thể xây dựng được những mỏ than hầm lò hiện đại, quy mô lớn, khai thác ở mức sâu hơn.
Hà Trang
-
Dự án mỏ Khe Chàm II-IV đang triển khai tốt
-
Petrovietnam, PVOIL, PVFCCo đồng hành cùng Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: "Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh"
-
Việt Nam – Nhật Bản còn nhiều tiềm năng hợp tác trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số
-
Đổi mới công nghệ - Yêu cầu cấp thiết
-
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và đổi mới công nghệ