Hơn 92.000 tỷ đồng bị “thổi bay”, giới đầu tư vẫn tin bầu Đức
Phiên giao dịch hôm qua (19/6) đã kết thúc đầy bất lợi khi cả 3 sàn TPHCM (HSX), Hà Nội (HNX) và UPCoM đều chìm ngập trong sắc đỏ.
Áp lực bán tháo khiến các chỉ số lao dốc mạnh vào phiên chiều. Riêng VN-Index (chỉ số chính của thị trường) mất 29,17 điểm tương ứng 2,87%, thủng mốc 1.000 về 987,34 điểm. Vốn hoá sàn HSX chỉ trong 1 phiên bị “thổi bay” 92.036 tỷ đồng.
Trên sàn HSX ghi nhận có tới 217 mã giảm giá (11 mã giảm sàn) trong khi số mã tăng chỉ là 74 mã. Trong đó, GAS, VNM, VCB, TCB, BID, VRE… là những mã có tác động tiêu cực nhất lên thị trường chung.
Trong khi nhiều tỷ phú lớn mất tiền đầu tuần thì cổ phiếu công ty bầu Đức vẫn tăng giá mạnh |
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc Vietjet Air, người phụ nữ giàu nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay (theo thống kê của Forbes), ngay ngày đầu tuần đã mất tới 1.348 tỷ đồng tại tài khoản cổ phiếu VJC, đồng thời mất khoảng 83 tỷ đồng do HDB giảm mạnh.
Cụ thể, phiên hôm qua, HDB thoát sàn nhưng vẫn giảm sâu 2.300 đồng còn 36.800 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, VJC giảm 8.000 đồng tương ứng 4,6% còn 165.000 đồng/cổ phiếu.
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC Faros mất gần 688 tỷ đồng do ROS mất 1.800 đồng/cổ phiếu. Tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát mất 1.496 tỷ đồng tại tài khoản cổ phiếu HPG.
Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai chỉ mất 600 đồng nhưng so với thị giá của mã này, biên độ giảm lên tới 6,2% còn 9.100 đồng. Qua đó khiến gia đình ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Tổng giám đốc công ty này mất hơn 85 tỷ đồng chỉ trong 1 ngày.
Một điều rất bất ngờ là HAG và HNG lại có cú ngược dòng đầy ngoạn mục. Bất chấp thị trường diễn biến xấu nhưng HAG vẫn tăng giá kịch trần, đóng cửa tại mức giá 5.010 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 12,37 triệu đơn vị, không có dư bán. HNG tăng nhẹ lên 9.220 đồng/cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán đầu tuần chao đảo giữa bối cảnh tâm lý nhà đầu tư bị tác động tiêu cực bởi thông tin thị trường mới nổi trên toàn thế giới đang bị rút vốn ồ ạt và dòng tiền đang tháo chạy khỏi các thị trường châu Á, bất chấp đó là những nền kinh tế có triển vọng sáng sủa.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, kể từ đầu năm đến nay các quỹ ngoại đã rút khỏi 6 thị trường mới nổi lớn nhất ở châu Á một lượng vốn lớn chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Thị trường Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan đã bị rút tổng cộng 19 tỷ USD.
Điểm đáng lo ngại nhất của thị trường đến thời điểm này chính là vấn đề về thanh khoản. Phiên 19/6, các chỉ số lao dốc mạnh về chiều khi lực bán ồ ạt nhưng lực đỡ của dòng tiền bắt đáy lại khá yếu.
Thanh khoản toàn sàn HSX chỉ đạt 181,4 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị giao dịch dừng ở mức hơn 4.600 tỷ đồng. Còn HNX-Index cũng chỉ có 37,5 triệu cổ phiếu giao dịch tương đương 584 tỷ đồng.
Phiên này, khối ngoại vẫn bán ròng mạnh. Tổng giá trị bán ròng đạt 429 tỷ trên HSX. HPG, DXG và SSI là các cổ phiếu bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi áp lực bán của khối ngoại. Quỹ ETF nội cũng bị rút ròng 15 triệu chứng chỉ quỹ trong 2 tuần đầu tháng Sáu.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thanh khoản và tâm lý thị trường trong 2 tuần trở lại đây đều không tốt. Do vậy, lực bán là tương đối mạnh ngay khi thị trường cho thấy dấu hiệu giảm điểm. Tuy vậy, VDSC vẫn lạc quan rằng, điều này có thể cải thiện khi mà chỉ số giảm về ngưỡng hấp dẫn.
Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 24/10: Thương mại điện tử 9 tháng tăng gần 38%
-
Giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ trong kỳ điều chỉnh ngày 24/10
-
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
-
BRICS hấp dẫn thế nào mà hơn 30 quốc gia "săn đón"?
-
Tổng thống Putin đề xuất chiến lược kinh tế mới cho BRICS