EVFTA đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam ra sao?
Theo Ban tổ chức, Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đã có tác động đáng kể đến thương mại song phương EU-Việt Nam kể từ khi có hiệu lực vào ngày 01/8/2020, thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong những tháng gần đây.
Các Đại biểu và doanh nghiệp tham dự Hội thảo. |
Bên cạnh đó, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy EVFTA đã và đang mở ra những cơ hội quan trọng cho tiến trình phát triển bền vững của quan hệ thương mại song phương.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo "EVFTA - Cải thiện Môi trường Kinh doanh”, do phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là những tín hiệu phát triển ban đầu về lượng. EVFTA còn được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi về chất cho nền kinh tế Việt Nam như cải thiện thể chế và toàn diện môi trường kinh doanh, đồng thời cân đối cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam. Những thay đổi này bước đầu được minh chứng thông qua sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như dòng vốn FDI lớn từ EU đổ vào Việt Nam.
Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ EU tại Việt Nam cho biết, EVFTA là cơ hội để các nhà sản xuất Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cùng các công ty của châu Âu. Hiệp định đã mở ra "con đường cao tốc” để các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam.
Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ EU tại Việt Nam. |
“Cơ hội là sẵn có. Tuy nhiên, tạo nên môi trường kinh doanh ổn định hơn, dễ đoán định hơn và mang lại những thuận lợi cho các doanh nghiệp là mục tiêu đặc biệt quan trọng. Chúng ta cần nhìn nhận diện mạo mới này một cách rõ ràng và cụ thể hơn, để tận dụng được EVFTA và tạo ra cú hích cho phát triển kinh tế”. Đại sứ Giorgio Aliberti chia sẻ.
Cũng theo Đại sứ Giorgio Aliberti, chỉ sau 1 tháng EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu tôm ở Việt Nam đã tăng 16% và xuất khẩu Thủy sản sang châu Âu tính đến tháng 10/2020 tăng 11,5% bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
“Tất cả các Hiệp định FTA đều cố gắng hướng đến mục tiêu dài hạn, mang lại sự phát triển bền vững bằng mọi phương thức cho nền kinh tế. EVFTA chú trọng đến việc gỡ bỏ hàng rào phi thuế quan ảnh hưởng tới hàng hóa, dịch vụ và cho phép Việt Nam và Châu Âu có thể tiết kiệm chi phí và thời gian bằng cách cắt giảm các thủ tục. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhắm đến việc cải thiện các tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường và bảo vệ các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng” - Đại sứ Giorgio Aliberti chia sẻ thêm.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI/HCM), năm 2020, Ngân hàng thế giới (WB) công bố xếp hạng Việt Nam đứng thứ 70/190 nền kinh tế của thế giới, tụt 01 hạng so với năm 2019. Tuy nhiên, mặc dù bị tụt 1 bậc so với năm 2019, nhưng chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng nhẹ, từ 68,6 lên 69,8/100 điểm, đây là một tín hiệu đáng mừng vì môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có cải thiện hơn so với năm 2019.
Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP HCM (VCCI/HCM) báo cáo tham luận tại Hội thảo. |
Ông Nam cho biết, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng vị trí thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei, đây là một vị trí có thể tự hào, nhưng những dư địa cần cải cách thì vẫn còn nhiều và Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để thúc đẩy cải cách hơn nữa, nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
“WB đánh giá xếp hạng nền kinh tế của chúng ta theo 10 tiêu chí khác nhau gồm: Thành lập doanh nghiệp; Xin giấy phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; tiếp cận tín dụng; bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán. Trong đó, tiêu chí xin giấy phép xây dựng và tiếp cận tín dụng được đánh giá xếp hạng thứ 25/190 nền kinh tế thế giới. Một chỉ số khác là tiếp cận điện năng, Việt Nam đứng thứ 27/190 nền kinh tế” - ông Nam nói.
Đánh giá về khảo sát trên của WB, ông cho rằng, việc khảo sát này chỉ mang tính đại diện, không phản ảnh tổng thế bức tranh chung của cả nền kinh tế, cũng như các vùng, miền của Việt Nam. WB chỉ tập chung vào điều tra tại khu vực TP.HCM, đây là khu vực có nền kinh tế năng động và phát triển nhất cả nước.
“Việc WB lấy một nơi có sự phát triển nhất để khảo sát sẽ mang lại điểm cộng cho chúng ta, tuy nhiên cũng có những điểm trừ. Ví dụ, tiêu chí tiết kiệm điện năng đứng thứ 27/190 nền kinh tế, nhưng vì TP HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, nên điện năng luôn luôn được ưu tiên để thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế. Do vậy, điện năng sẽ bao phủ toàn bộ TP HCM, còn đối với các vùng xa hơn như Lào Cai,Yên Bái, hay Bạc Liêu, thì chỉ số này chắc chắn sẽ có sự thay đổi”. Phó Giám đốc VCCI/HCM Nguyễn Hữu Nam đánh giá.
Trong khi đó, Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) do EuroCham công bố đã và đang nắm bắt được nhịp điệu của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2010. Kể từ năm 2014, BCI đã ghi nhận đánh giá tích cực và nhất quán trên 70%, đặc biệt năm 2018 và 2019 ở mức cao hơn 80%.
Tuy nhiên, tương tự xu hướng chung trên toàn thế giới, khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh toàn cầu, BCI của EuroCham cũng sụt giảm xuống mức thấp nhất từng ghi nhận (26%) vào quý 1 năm 2020. Nguyên nhân trực tiếp cho sự đảo chiều đánh giá tích cực này là đại dịch COVID-19, không phản ánh sự phát triển của Việt Nam hay chính sách của Chính phủ.
Theo enternews.vn
-
Cải thiện môi trường kinh doanh - Chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
-
Nghị quyết số 41-NQ/TW: Liên kết để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo
-
Chỉ số Niềm tin Kinh doanh tại Việt Nam đang trên đà cải thiện
-
Nhìn lại hiệu quả ba năm thực thi EVFTA
-
Thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
-
Nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho các nghề nặng nhọc, nguy hiểm
-
Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Thiếu hụt khung pháp lý - Rào cản giảm tốc hình thành thị trường carbon
-
[Video] "Sức khỏe" đất trồng trọt