Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đừng mù quáng với 'Hậu duệ Mặt trời'

07:55 | 02/04/2016

10,841 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An cho rằng, việc thần tượng nhân vật trong phim "Hậu duệ Mặt trời" không có nghĩa chúng ta mù quáng, khoác lên người bộ quân phục lính Hàn đã từng gây tội ác với nhân dân ta.

Xung quanh cơn sốt của giới trẻ với phim "Hậu duệ Mặt trời", thầy Trần Trung Hiếu đã chia sẻ góc nhìn của mình với PetroTimes:

Khi Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới, sự trao đổi về mặt kinh tế  thì tất yếu sẽ có sự đón nhận và giao thoa về văn hóa. Đó là quy luật của kinh tế thị trường. Chúng ta đã và đang chủ trương xây dựng nền văn hóa “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”, chủ trương “hội nhập” nhưng không “hòa tan”.

Tuy nhiên, điều tôi thấy đáng tiếc rằng lớp trẻ hiện nay đang sống và hưởng thụ khá xô bồ, ào ạt khi đón nhận sự du nhập từ văn hóa các nước khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là văn hóa Hàn Quốc.

htv2 khong nen chieu hau due cua mat troi
Thầy Trần Trung Hiếu và các học trò

Quốc gia, dân tộc nào cũng có nền văn hóa riêng, bản sắc riêng và Hàn Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Điều tôi đáng lo ngại là lớp trẻ hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, từ học sinh cấp 2 đến cả sinh viên đại học có thể nói là “cuồng” văn hóa Hàn Quốc. Và điều mà tôi cảm thấy trăn trở là họ có thể chưa cảm nhận được hay thế nào, nhưng cứ thấy đẹp, lạ, là thích và cuốn theo. Lo lắng bởi khi người ta cuồng tín cái này thì sẽ lãng quên cái kia, say mê một điều gì đó thì đương nhiên sẽ nhạt nhòa cái kia.

Đi dạy học và tiếp xúc hàng ngày nên tôi biết, học sinh bây giờ ảnh hưởng rất nhiều. Biểu hiện cho “cuồng Hàn” rất đa dạng : thích xem phim Hàn, nghe nhạc Hàn, nhảy nhạc KPop, sưu tầm và trang trí nhiều tấm ảnh của các ca sỹ, diễn viên, người mẫu Hàn; nhuộm tóc kiểu Hàn, chụp ảnh “tự sướng” kiểu Hàn để đăng tải trên các trang mạng xã hội....

Thậm chí, nhiều em đi học còn lấy tên và ảnh của các thần tượng đó là địa chỉ email, nick và avartar trên facebook của mình, chọn ảnh của diễn viên Hàn Quốc mà em ấy thần tượng gắn lên thẻ học sinh của mình. Rồi trong nhiều phòng học trên trường, góc học tập, trong phòng riêng của mình dán đầy ảnh diễn viên Hàn Quốc, Trung Quốc… Đó không phải là những điều làm chúng ta phải trăn trở và lo lắng sao ?

Tôi vẫn hay nói với các học trò của mình rằng: “Tại sao ảnh gia đình, ông bà cha mẹ, anh chị em trong gia đình không được trân trọng, nâng niu mà lại đi tìm kiếm qua phim ảnh, báo chí, internet những người xa lạ để đam mê và thần tượng! Các em không cảm thấy như thế là xấu hổ sao”.

Rõ ràng đó là sự tôn sùng thái quá. Còn văn hóa bao giờ cũng có mặt tích cực và tiêu cực, nhưng chúng ta hãy cố gắng tiếp thu có chọn lọc, chứ không thể đón nhận ào ạt, chạy theo thị hiếu nhất thời và đam mê đến mức “cuồng” như thế thì không nên. Với góc độ một người thầy, tôi cảm thấy hơi buồn và xót xa về thị hiếu tiếp thu văn hóa ngoại lai của lớp trẻ.

htv2 khong nen chieu hau due cua mat troi
Cảnh trong phim "Hậu duệ Mặt trời"

Đi dạy Sử, tôi hay nhắc học trò, văn hóa Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước và hơn 1 ngàn năm Bắc thuộc dưới các triều đại phong kiến Trung Quốc. Có những giai đoạn chúng ta mất nước và bị cai trị nhưng dân tộc ta không đánh mất bản sắc, phong tục tập quán. Chúng phải “mượn” chữ Hán trong ghi chép gia phả và thi cử, nhưng chúng ta không mất tiếng Việt, mất nước nhưng chúng ta không mất làng- cội nguồn bền vững của văn hóa dân tộc.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xu thế hội nhập với thế giới, chúng ta phải  xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, nhưng phải tiếp thu có chọn lọc trên cơ sở giữ được bản sắc dân tộc.

Bây giờ nếu trách học trò, lớp trẻ thì không hoàn toàn đúng. Hãy trách những cơ quan truyền thông, vì lợi nhuận đã vô tình hay cố tình tạo cho lớp trẻ sự tò mò, đua đòi, tạo ra những trào lưu thần tượng, hâm mộ phải nói có phần mù quáng như vậy.

Tại sao cứ nói học sinh bây giờ rất dốt Sử ta, không hiểu gì, không biết gì cũng như không nhớ gì về lịch sử? Chính môn Lịch sử đã từng bị Bộ GD&ĐT “khai tử” trong Dự thảo Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể 2015. Học sinh bây giờ nói tên các anh hùng giải phóng dân tộc, những danh nhân văn hóa của quê hương, đất nước thì  không nhớ nổi nhưng nhắc đến tên các ca sỹ, diễn viên Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc thì biết rất rõ!

Vậy lỗi khởi nguồn này từ đâu?

Tôi thấy buồn khi học sinh giờ còn tìm mua trang phục của quân lính Hàn Quốc của các diễn viên trong phim của họ thể hiện. Các em thích và mặc trên mình bộ quân phục mà chính quân đội Hàn Quốc đã gây ra rất nhiều vụ thảm sát tàn bạo, đẫm máu với đồng bào mình, nhưng các em lại ngu ngơ không hiểu gì cả. Mặc theo cảm tính, cứ hồn nhiên coi đó là thần tượng của mình, thích là mặc thôi!

Tôi thiết nghĩ, muốn “kiểm soát” được đam mê trở thành thói quen này của học sinh thì xuất phát điểm phải đi từ gia đình, rồi sau đó tới nhà trường và xã hội. Tôi tin chắc rằng, không nhà trường nào lại ủng hộ học sinh vận những trang phục khác thường như thế khi đến trường cả. Để thay đổi được điều này là rất khó, nhưng người lớn chúng ta vẫn phải quan tâm và lên tiếng. Cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hôi, để từng bước làm cho các em nhận thức một cách đúng đắn những giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc đích thực, từ đó giúp các em tiếp thu, đón nhận những yếu tố văn hóa bên ngoài một cách có chọn lọc và  phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt.

Nhắc lại quá khứ không có nghĩa chúng ta khơi lại nỗi đau, và lớp trẻ phải luôn nhớ rằng những gì thuộc về quá khứ đau thương chúng ta không thể quên, vì đó là lịch sử.

htv2 khong nen chieu hau due cua mat troi
Một phim Hàn từng chiếu trên HTV7

Văn hóa bao giờ cũng có hai mặt và nó có quan hệ chặt chẽ đến lịch sử. Học lịch sử để hiểu sâu văn hóa và biết trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa. Có những hiểu biết về văn hóa sẽ tác động biện chứng đến lịch sử, sẽ giúp thế hệ trẻ tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa bên ngoài và góp phần làm phong phú thêm văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

Cốt lõi của học lịch sử là: học Sử để làm gì, học cái gì và học như thế nào? Tôi thiết nghĩ, chính các giáo viên dạy các môn khoa học xã hội nói chung, môn Sử nói riêng ở các trường phổ thông đã và sẽ mang trên mình những trọng trách cao cả với các học trò của mình trong vấn đề giáo dục truyền thống quê hương, đất nước, giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân với Tổ quốc. Chúng ta hãy biết “gạn đục khơi trong”, biết chế ngự cái đã từng gây nễn những nỗi đau cho dân tộc, cái chưa phù hợp với lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đón nhận, tiếp thu  mặt tích cực từ bên ngoài.

Đón nhận những yếu tố văn hóa bên ngoài một cách ào ạt, rồi quá đà khi mà chúng ta không hiểu được cốt lõi của vấn đề thì tai họa về mặt văn hóa đối với thế hệ trẻ không thể cân đong đo đếm. Sai sót về mặt kiến thức chưa đáng sợ bằng sai lầm về mặt nhận thức. Thảm họa lớn nhất đối với thế hệ trẻ hiện nay và tương lai là sự vô cảm và đánh mất bản sắc dân tộc mà lịch sử  hàng ngàn năm Bắc thuộc, kẻ thù không thể “Hán hóa”, “đồng hóa nổi”.

Về việc HTV2 - một kênh truyền hình giải trí của Việt Nam mua bản quyền phát sóng bộ phim Hậu duệ mặt trời, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải xem xét thận trọng để các cơ quan truyền thông không vì lợi nhuận trước mắt mà nhập khẩu và phát sóng một cách thoải mái trên các phương tiện truyền thông. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý văn hóa Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông trong công tác kiểm duyệt các ấn phẩm văn hóa.

(Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An )

Thanh Huyền (ghi)