Dòng chảy phương Bắc gặp sự cố, châu Âu sẽ lấy khí đốt ở đâu?
Khí đốt rò rỉ từ đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 khiến mặt Biển Baltic sủi bọt (Ảnh: EPA-EFE). |
Các giả thuyết về nguyên nhân gây rò rỉ lớn từ hai đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) và Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) vận chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu qua Biển Baltic vẫn đang khiến các giới chức đau đầu.
Từ đầu tuần, 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc từ Nga sang Đức qua biển Baltic đã ghi nhận sụt giảm áp suất do 4 lỗ rò rỉ. Trung tâm Địa chấn Quốc gia Thụy Điển (SNSN) tại Đại học Uppsala cho biết, họ đã ghi nhận 2 vụ nổ tại các đường ống vào hôm 26/9, với một vụ nổ tương đương với 100 kg thuốc nổ được kích hoạt.
Châu Âu hôm 27/9 đã mở cuộc điều tra về nghi vấn các vụ tấn công nhằm vào hai đường ống dẫn khí đốt từ Nga.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng, các vụ rò rỉ là do các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào cơ sở hạ tầng và Berlin hiện biết chắc rằng "chúng không phải do sự cố hoặc sự kiện tự nhiên gây ra hoặc do vấn đề độ bền".
Thủ tướng Thụy Điển và Đan Mạch cũng nhấn mạnh, vụ rò rỉ rõ ràng là do các hành động cố ý gây ra, trong khi thủ tướng Ba Lan đổ lỗi cho hành vi phá hoại nhưng không đưa ra bằng chứng.
Trong khi đó, tình báo Nga nói rằng họ có bằng chứng cho cáo buộc phương Tây dường như có liên quan tới vụ việc này. Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) cho rằng, đây là một vụ tấn công quy mô quốc tế, và cáo buộc phương Tây đang "che giấu những thủ phạm thực sự".
Đáp lại, các chính trị gia trên khắp châu Âu đã cáo buộc Nga "tống tiền" và vũ khí hóa việc cung cấp khí đốt tự nhiên.
Dù sự thật là gì đi nữa, hầu hết châu Âu giờ đây sẽ phải đối mặt với mùa đông năm 2022, và có thể xa hơn nữa, rất lạnh giá vì không có bất kỳ đường ống dẫn khí đốt nào của Nga. Dòng chảy phương Bắc 1 đã bị Nga khóa van vô thời hạn từ cuối tháng 8 với lý do về kỹ thuật, trong khi Dòng chảy phương Bắc 2 chưa đi vào vận hành thương mại.
Hiện nay, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) quyết tâm chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga càng sớm càng tốt, một quá trình có thể được đẩy nhanh bởi thực trạng hiện nay.
Hai mùa đông tiếp theo sẽ rất thách thức đối với tất cả những người tiêu dùng khí đốt của châu Âu: hộ gia đình, doanh nghiệp và ngành công nghiệp. Nhưng các động thái đang được thực hiện sẽ thay đổi cơ bản vị thế của lục địa này trên thị trường khí đốt toàn cầu.
Trước đây, châu Âu đóng vai trò cân bằng: là nơi nhập hàng hóa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), thường là vào những tháng mùa hè, khi nhu cầu ở châu Á thấp. Do đó, LNG xếp thứ hai trong an ninh khí đốt của châu Âu so với khí đốt của Nga vốn đi qua đường ống nhanh, tiện lợi và rẻ hơn.
Đến năm 2027, nếu châu Âu không còn nhập khẩu khí đốt của Nga dưới bất kỳ hình thức nào thì Moscow sẽ phải hướng đến châu Á.
Hiện vẫn chưa rõ mất bao lâu để thị trường LNG tăng nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu mới của châu Âu, nhưng kết quả là thị trường toàn cầu sẽ tái cân bằng.
Một mùa đông ảm đạm ngay trước mắt
Nga cung cấp khoảng 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ tại EU vào năm 2021. Trong đó, Đức đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ này.
Khí đốt chỉ tạo ra khoảng 15% điện năng ở Đức nhưng nhiều người dựa vào nguồn năng lượng này để sưởi ấm, và đây cũng là nguồn năng lượng rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp nặng như hóa dầu sử dụng nhiều năng lượng.
Các biện pháp quyết liệt hiện nay là nhằm đảm bảo nguồn cung thay thế, giảm nhu cầu khí đốt và chuẩn bị cho nguy cơ thiếu hụt trong mùa đông này.
Chương trình "Tiết kiệm khí đốt cho mùa đông an toàn" mà EU đưa ra là nhằm mục đích giảm nhu cầu khí đốt tổng thể xuống 15% trong toàn khối vào mùa đông này, bằng các cách như yêu cầu mọi người tắt máy điều hòa nhiệt độ trong nhà và văn phòng...
Các biện pháp tiếp theo sẽ được công bố trong những ngày tới.
Ngoài ra, tin tốt cho châu Âu là các nguồn cung cấp khí đốt khác của các nước châu Âu như Na Uy, Bắc Phi và Azerbaijan đều đang hoạt động bình thường. Kho lưu trữ mùa đông đã đầy hơn 80%, trước thời hạn mà EU đặt ra là vào cuối tháng 10.
Khả năng vượt qua mùa đông mà không rơi vào khủng hoảng khí đốt của châu Âu sẽ phụ thuộc phần lớn vào thời tiết: không chỉ là vấn đề về nhiệt độ lạnh mà còn cả nắng và gió như thế nào.
Mặt khác, châu Âu cần thu hút các lô hàng LNG linh hoạt đến lục địa này (tức là các nguồn cung cấp không bị ràng buộc vào các hợp đồng dài hạn vốn chiếm ưu thế ở châu Á). Các nước thành viên EU và các thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) dự kiến sẽ nhập khẩu nhiều hơn 41 tỷ m3 LNG so với năm 2021, chiếm 67% mức giảm nhập khẩu dự kiến của Nga.
Tiến bộ đáng kể một phần là nhờ nhu cầu LNG của Trung Quốc giảm gần 25% trong năm nay so với năm ngoái do chính sách "Zero Covid" và sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, điều này vẫn để lại một khoảng chênh lệch đáng kể về nguồn cung và có những dấu hiệu cảnh báo về sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các khu vực khác của châu Á đối với nguồn cung LNG trong mùa đông này.
Cần sự chung tay
Để đảm bảo có thể nhập khẩu lượng khí đó, châu Âu cần có cơ sở hạ tầng LNG tốt hơn (các bến dỡ LNG từ tàu, kho lưu trữ và sau đó chuyển nó thành khí được bơm vào các đường ống để cung cấp cho người tiêu dùng).
Nhưng hiện các cơ sở hạ tầng LNG đang vượt quá công suất do tắc nghẽn ở khắp mọi nơi, điều này gây ra những biến động ngắn hạn về giá khí đốt trong nước.
EU nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để tích trữ khí đốt cho mùa đông này (Ảnh: AFP). |
Việc vận chuyển LNG toàn cầu cũng kéo dài nhiều ngày và giá thuê một tàu chở LNG để vận chuyển khí đốt đến châu Âu đang ở mức cao nhất: 100.000 USD/ngày - tăng 60% trong tháng trước.
Các dự án cảng nhập khẩu LNG mới trên khắp các bờ biển của châu Âu đang được lên kế hoạch. Theo một phân tích trong ngành, tổng công suất nhập khẩu của EU có thể tăng 42% vào năm 2025. Nhưng cần có thời gian để xây dựng các bến LNG lâu dài này.
Trong khi đó, châu Âu đang bận rộn thuê các kho lưu trữ và thiết bị nổi - những con tàu lớn được neo đậu và bốc dỡ LNG từ các tàu sân bay chuyên dụng và chuyển sang các đường ống.
Cũng theo giới phân tích, khả năng nhập khẩu của châu Âu sẽ tăng nhanh hơn so với nguồn cung cấp LNG bổ sung, gia tăng tính cạnh tranh và thị trường thắt chặt trong vài năm tới.
Hồi cuối tháng 9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến công du khắp các quốc gia xuất khẩu LNG như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để lấp đầy các kho năng lượng. Trong khi đó, Italy cầu viện các đối tác châu Phi để bù đắp cơn khát năng lượng, bên cạnh những giải pháp khác như tiết kiệm, cải cách, hỗ trợ giá.
May mắn là vào năm 2026-2027, một làn sóng cung cấp LNG mới sẽ lấp đầy các bến cảng này khi sản xuất mở rộng ở Qatar và các dự án mới đi vào hoạt động ở Mỹ.
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở châu Âu cũng đang thúc đẩy các khoản đầu tư mới, đặc biệt là ở Mỹ, và ngành công nghiệp LNF thậm chí đang nói về nguy cơ cung vượt cầu vào cuối thập kỷ này.
Nhưng EU không chỉ muốn xoay trục khỏi khí đốt của Nga.
Châu Âu đang tìm cách giảm nhu cầu khí đốt bằng cách đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, tăng hỗ trợ với giá nhiên liệu và điện cho người dân. Một số nước đã khởi động lại các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, vốn đóng cửa lâu nay để chống biến đổi khí hậu. Một số khác thì tăng cường đầu tư cho năng lượng tái tạo, hạt nhân, thực hiện tiết kiệm năng lượng.
Họ cũng muốn điện khí hóa hệ thống sưởi trong nước và tìm kiếm các giải pháp thay thế cho việc sử dụng khí đốt công nghiệp, chẳng hạn như hydro. Điều này có nghĩa là nhu cầu LNG của châu Âu có thể đạt mức cao nhất vào cuối thập kỷ này, góp phần gây ra tình trạng dư nguồn cung trên toàn cầu.
Phản ứng của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng khí đốt hiện nay có thể có nghĩa là vào năm 2030, nước này tiêu thụ ít khí đốt hơn nhiều so và thậm chí đang trên con đường đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu cũng như cải thiện an ninh năng lượng.
Theo Dân trí
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024