Áp trần giá khí đốt và những lựa chọn khó khăn của châu Âu
Pháp, Italy, Ba Lan và 12 quốc gia châu Âu khác đã gửi thư cho Ủy ban châu Âu đề xuất áp giá trần đối với toàn bộ giao dịch khí đốt trên toàn châu Âu nhằm kiềm chế lạm phát tăng vọt.
Tuy nhiên, Đức - nước mua khí đốt nhiều nhất châu Âu, Hà Lan và một số quốc gia khác lại phản đối đề xuất này. Không rõ liệu đề xuất có được thông qua khi không có đủ sự tán thành của tất cả các thành viên hay không.
Ủy ban châu Âu cũng lưỡng lự về vấn đề này và thay vào đó đề xuất EU tiến hành những phiên bản hạn chế hơn trong việc áp giá trần đối với khí đốt.
Liên minh châu Âu đang cân nhắc các lựa chọn để áp trần giá khí đốt nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu (Ảnh: Reuters). |
Dưới đây là một số cách mà châu Âu có thể áp giá trần đối với khí đốt.
Áp giá trần đối với tất cả khí đốt
Đây là điều mà 15 quốc gia thành viên của châu Âu đã kêu gọi Ủy ban châu Âu khẩn trương áp dụng. "Mức giá trần này là một biện pháp để giúp mọi quốc gia thành viên EU giảm thiểu được áp lực lạm phát", bức thư cho biết.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu hoài nghi về điều này. Trong một báo cáo phân tích các lựa chọn khác nhau để điều chỉnh giá khí đốt, cơ quan điều hành EU cho rằng việc áp giá trần khí đốt có thể phức tạp khi áp dụng và gây rủi ro cho an ninh năng lượng.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng cho rằng việc áp giá trần khí đốt đối với tất cả giao dịch mua bán, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng lẫn nguồn cung từ đường ống, có thể làm gián đoạn dòng chảy nhiên liệu giữa các quốc gia châu Âu. Bởi trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung như hiện, việc áp trần giá sẽ không thu hút được dòng chảy khí đốt đến các khu vực có nhu cầu khẩn cấp.
Ủy ban châu Âu cho rằng, việc giới hạn giá như vậy chỉ có thể thực hiện được khi có một thực thể mới được thành lập nhằm phân phối và vận chuyển nguồn cung nhiên liệu ít ỏi giữa các nước.
EU cũng sẽ cần "nguồn tài chính đáng kể" để đảm bảo thu hút nguồn cung khí đốt từ các thị trường cạnh trạnh trên toàn cầu, nơi người mua sẵn sàng trả giá cao hơn giá trần của EU. Cơ quan này cũng cảnh báo, động thái này có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Áp giá trần đối với riêng khí đốt Nga
Ủy viên năng lượng châu Âu Kadri Simson ủng hộ kế hoạch này hơn. Ông cho rằng: "Tôi cho rằng chúng ta nên áp giá trần đối với tất cả lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga".
Với khối lượng khí đốt ít ỏi mà Moscow gửi cho châu Âu hiện nay, một số nhà ngoại giao EU cho rằng, việc áp giá trần cũng không làm hạ nhiệt được giá khí đốt ở châu Âu (Ảnh: Shutterstock). |
Thực tế, hồi đầu tháng 9, Ủy ban châu Âu cũng đã đề xuất áp giá trần đối với khí đốt Nga nhưng sau đó lại gác lại ý tưởng này sau khi vấp phải sự phản đối từ các nước Trung và Đông Âu. Bởi họ lo ngại Moscow sẽ trả đũa bằng cách cắt luôn nguồn cung khí đốt ít ỏi mà họ đang cung cấp cho châu Âu.
Trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, châu Âu phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng của Nga khi nhập khoảng 40% khí đốt Nga. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc chiến, lượng khí đốt Nga sang châu Âu chỉ còn 9%, do Nga giảm dần nguồn cung cho lục địa này.
Do đó, với khối lượng khí đốt ít ỏi mà Moscow gửi cho châu Âu hiện nay, một số nhà ngoại giao EU cho rằng, việc áp giá trần cũng không làm hạ nhiệt được giá khí đốt ở châu Âu, mà nó chỉ có tác dụng như một động thái chính trị nhằm cắt giảm nguồn thu của Moscow.
Áp giá trần với khí đốt sản xuất điện
Ủy ban châu Âu cho rằng họ cũng tính đến việc áp giá trần đối với riêng khí đốt dùng để sản xuất điện.
Giá điện ở châu Âu được thiết lập nhờ giá điện tại các nhà máy, điển hình là nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Do đó, giảm chi phí năng lượng khí đốt có thể làm giảm giá điện nói chung. Mặc dù vậy, các chính phủ sẽ phải bù đắp cho các nhà máy điện khoản chênh lệch giữa giá trần và giá thị trường cao hơn.
Từ hồi tháng 6, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã thực hiện kế hoạch tương tự và đã giúp kéo giá điện ở nước này xuống. Tuy nhiên, điều đó đồng thời cũng làm gia tăng việc sử dụng khí đốt của Tây Ban Nha.
Ủy ban châu Âu cho rằng bất kỳ sự can thiệp nào nhằm hạ giá khí đốt phải đi đôi với các biện pháp tránh làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ khí đốt, do các nước đang trong thời điểm phải tăng cường tiết kiệm nhiên liệu.
Đặt ra mức giá chuẩn mới
EU cũng đang nghiên cứu đưa ra một mức giá chuẩn mới cho khí đốt hóa lỏng (LNG) mà các quốc gia châu Âu đang đua nhau mua từ các thị trường quốc tế để thay thế cho khí đốt Nga.
Lâu nay, giá khí đốt tại sở giao dịch TTF của Hà Lan được sử dụng để làm giá chuẩn cho các đơn hàng LNG vào châu Âu. Nhưng nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh làm cho giá TTF biến động mạnh và trở nên đắt đỏ hơn so với giá LNG ở các khu vực khác.
Giới trong ngành cho rằng thị trường châu Âu cần phải có một mức giá phản ánh được cung cầu LNG thực tế. Song, một số người cho rằng ngành này nên triển khai một mức chuẩn mới cho riêng mình. Và sự thành công của mức giá chuẩn này phụ thuộc vào việc liệu ngành công nghiệp này có sử dụng nó hay không.
"Mức giá chuẩn LNG cho các giao dịch mức sẽ cung cấp thêm một mức tham chiếu có giá trị cho các thành viên tham gia thị trường trên cơ sở tự nguyện", Ủy ban châu Âu cho biết.
Các bộ trưởng năng lượng châu Âu sẽ thảo luận về khả năng áp giá trần khí đốt trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới. Ủy ban châu Âu, nơi soạn thảo các chính sách của EU, sau đó sẽ đưa ra các chi tiết về các biện pháp bổ sung cho tháng tới mà họ đang xem xét để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.
Khi Ủy ban đưa ra đề xuất, 27 quốc gia thành viên của EU sẽ thảo luận và đi đến thỏa thuận cuối cùng. Cùng với việc áp giá trần, Brussels đang lên kế hoạch hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các công ty năng lượng.
Theo Dân trí
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Apple bị “soán ngôi” công ty giá trị nhất thế giới
-
Tin tức kinh tế ngày 26/10: Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm nhanh