“Dày” không có nghĩa là “trắng”
Học giả An Chi: Trên facebook là “Lời bàn” của tác giả KBD. Chúng tôi được biết ông KBD là một nhà khoa học đang làm việc tại Pháp, rất quan tâm đến những vấn đề văn hóa, ngôn ngữ của Việt Nam. Điều này khiến chúng tôi thật sự mến mộ và riêng “Lời bàn” này đã chứa đựng những cứ liệu tìm tòi công phu, càng khiến chúng tôi mến phục thêm. Ông KBD đã nêu ra ba điểm mà điểm đầu tiên là điểm quan trọng nhất. Chúng tôi xin kính đáp như sau. Ông viết:
“Cuốn tự điển Hán - Nôm cổ Chỉ Nam Ngọc Âm (NXB KHXH, Hà Nội, 1985) có:
“Bạc bính = bánh dày”.
“Vậy “dày” ở đây nghĩa là trắng, “bánh dày” nghĩa là bánh trắng, chớ không phải là bánh giày xéo?”.
Rất tiếc là ông KBD đã nhầm lẫn ngay từ đầu vì trong lĩnh vực Hán Việt hiện đại thì không có chữ “bạc” nào có nghĩa là “trắng” còn chữ “bạch” [白] là trắng thì lại không được đọc thành “bạc”! Huống chi việc ông chỉ căn cứ vào lời đối dịch “Bạc bính = bánh dày” trong “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa” mà kết luận rằng “bánh dày = bánh trắng” là một điều rất nguy hiểm về mặt phương pháp. Làm như vậy chẳng khác nào căn cứ vào đẳng thức ngữ nghĩa “pomme de terre = khoai tây” mà kết luận rằng giới ngữ “de terre” có nghĩa là “của Pháp” hoặc “đến từ châu Âu” còn “pomme” là “khoai”! Nhưng ngay cả khi “dày” dứt khoát có nghĩa là “trắng” trong một số trường hợp thì ta cũng chưa có lý do chắc chắn để khẳng định rằng “bánh dày” là “bánh trắng”. Cũng như ta không thể chỉ dựa vào cái nghĩa “khách sạn” của “hôtel” mà dịch “hôtel de police” (đồn cảnh sát) thành “khách sạn cảnh sát” hoặc “hôtel du département” (cơ quan hành chính tỉnh) thành “khách sạn của tỉnh”!
Ông KBD đã nói rằng bánh dày không phải là “bánh giày xéo”. Ông còn nói thêm ở đoạn 2 (của ông): “Chưng trong “bánh chưng “ không thể là chưng cách thủy; vì luộc bánh chưng phải cần 10-12 giờ (ngày xưa không có nồi hầm), chưng cách thủy bánh chưng phải cần 100-120 giờ!”.
Không biết ông KBD có đọc kỹ bài của chúng tôi hay không chứ chúng tôi không hề nói bánh giày (theo cách viết của An Chi) là “bánh giày xéo”. Chúng tôi đã viết rõ ràng như sau: “Ngày nay, ta chỉ còn biết giày có nghĩa là giẫm đi giẫm lại nhiều lần cho nát. Nhưng đây chỉ là cái nghĩa hiện đại, đã được chuyên biệt hóa để chỉ một động tác thực hiện bằng bàn chân; chứ vị từ giày vốn còn có một cái nghĩa rộng hơn là làm cho nát, không cứ bằng chân, mà cả bằng tay hoặc bằng một công cụ bất kỳ”. Làm gì có chuyện “bánh giày (dày) là bánh giày xéo”!
Mà chúng tôi cũng không hề nói rằng, bánh chưng được chưng cách thủy. Chúng tôi đã viết rõ ràng như sau: “Vương Lực cổ Hán ngữ tự điển (Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2002) đã ghi cho chữ chưng 烝 chín cái nghĩa mà nghĩa thứ hai là “dụng hỏa hồng khảo” 用火烘烤, nghĩa là dùng lửa mà nung, sấy. Sự bổ sung cho nhau về nghĩa của các từ chưng 烝, hồng 烘, khảo 烤 cho thấy chữ chưng trong bánh chưng dùng rất đắc địa, nếu ta liên hệ đến một “công đoạn” đặc biệt trong quy trình làm bánh là khâu luộc”. Đấy, rõ ràng chúng tôi đã nói là “luộc” mà!
Nhưng để củng cố cho lập luận của mình về nghĩa của chữ “dày”, ông KBD còn đưa ra thêm những dẫn chứng sau đây từ “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa”:
• Bạch đằng mây nứt trắng dầy;
• Thanh tinh cơm trắng khéo đơm dầy dầy;
• Bạch lăng lĩnh trơn dầy dầy;
• Bạch đạo nếp trắng dầy dầy;
• Thủy Tuyền bún trắng dầy dầy.
Năm câu dẫn chứng trên cũng không thể có tác dụng củng cố cho lập luận của ông. Ta dễ dàng thấy rằng, trong những cấu trúc như “trắng dầy” hoặc “trắng dầy dầy” thì “dầy” hoặc “dầy dầy” hiển nhiên là thành phần thêm nghĩa cho “trắng” mà thành phần thêm nghĩa thì dứt khoát không thể đồng nghĩa với thành phần được thêm nghĩa. Đây thực chất còn là chuyện luận lý (logique) trước khi là chuyện ngữ pháp nữa. Trong tiếng Pháp cũng vậy thôi. Khi người ta đã nói “très blanc” (rất trắng), “trop blanc” (rất trắng), “assez blanc” (hơi trắng), v.v… chẳng hạn thì “très”, “trop”, “assez”, v.v… không thể đồng nghĩa với “blanc”. Cũng vậy, “dầy” hoặc “dầy dầy” không thể đồng nghĩa với “trắng” nên tất nhiên không có nghĩa là “trắng”.
Nhưng ông KBD lại căn cứ vào những dẫn chứng không có hiệu lực trên đây mà viết tiếp:
“Vậy “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” nghĩa là “Thân thể Kiều như một pho tượng trắng”. Câu trước “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà” cũng có nghĩa trắng”.
Chúng tôi mạn phép nhấn mạnh rằng, điều này không đúng với phong cách ngôn ngữ của Nguyễn Du. Với một hoặc hai liên lục bát tả người, Nguyễn Du không bao giờ nhắc lại trong câu sau một khái niệm đã nói trong câu trước vì như thế là vừa dài dòng, vừa lãng phí. Cho nên khi câu sáu nói “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà” (đã có “trắng” rồi) thì hai chữ “dày dày” trong câu tám không thể cũng có nghĩa là “trắng” nữa được!
Ông KBD còn nhầm lẫn ở chổ đã nhập làm một hai chữ “dày” và “dầy”. Trong “bánh dày” thì “dày” viết với chữ “a” nhưng trong “trắng dầy (dầy)” thì “dầy” viết với chữ “â”. Trong một quyển tự điển (ông KBD đã sẵn sàng gọi Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa là tự điển) thì đây phải là hai chữ ghi hai từ khác nhau. Vậy không thể lấy “dầy” làm căn cứ mà suy ra nghĩa của “dày” được. Thực ra, chỉ ngay trong một chương nói về bánh là “Bính bộ đệ bát” của Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (tr.115-117), nhà phiên âm Trần Xuân Ngọc Lan cũng đã phân biệt rõ ràng trên chính tả:
“Tư bính vành vạnh bánh dày” và
“Giao Đào bánh loọc dầy dầy” (tr.115).
“Đường Khiển bánh đột đỏ dầy” (tr.116)
“Thủy Tuyền bánh trắng dầy dầy” và
“Từ Bính, bánh dày” (tr.117).
Rõ ràng là “dày” trong “bánh dày” viết với “a” còn “dầy” trong “dầy dầy” thì viết với “â”. Bà Trần Xuân Ngọc Lan còn cho tại cước chú (1), tr.117: “Trắng dầy dầy: rất trắng”. Bà còn chuyển chú sang cước chú (1), tr.111; tại đây bà viết: “Dầy dầy: Hình dung màu sắc tốt đẹp của sự vật hoặc sức sống mãnh liệt của cây cỏ. Ví dụ: Dầy dầy hoa nở tốt hòa tươi (QÂTT)”. Điều này cho thấy rõ ràng hơn nữa rằng, “dày” không có nghĩa là “trắng”. Tuy tại cước chú (7), tr.115, bà có viết: “Dầy dầy: trắng muốt” nhưng ở đây ta có thể suy luận rằng, cái ý “trắng” đã được hiểu ngầm còn “muốt” mới thực sự là khái niệm được diễn đạt bằng hai tiếng “dầy dầy”.
Trở lên là những gì chúng tôi xin kính đáp về mục 1 của ông KBD. Còn tại mục 2, ông viết:
“Cuốn sách Huỳnh Công Thạnh, Quan hôn tang tế, tôi chép để tôi xem, Sàigòn 1947, trang 36, có ghi:
“…Lấy đủ bốn mùa thì kêu là Xuân-từ, Hạ-dược, Thu-thường, Đông-chưng. Từ là vật dâng đầu năm, Dược là vật dâng đầu mùa, Thường là tiễn vật chánh mùa gặt hái, Chưng là tế đủ các vật góp để cuối năm”.
Vậy “bánh chưng” có lẽ là bánh tế lễ vào dịp cuối năm?
Nhưng thực ra thì bánh chưng là bánh tế lễ vào dịp tết, nghĩa là dịp đầu năm.
Tại mục 3, ông KBD viết:
“Có lẽ “tét” là một biến âm của “tề”, “tày” như trong bài viết của ông (An Chi), thay vì là một biến âm của “tết”, “tiết”, như nhiều người khẳng định?”.
Theo kinh nghiệm của mình, chúng tôi thấy những từ có phụ âm cuối ZERO (tức không có phụ âm cuối) như “tề”, “tày” không thể là biến âm của những từ có phụ âm cuối T như “tét”.
Xin phúc đáp ông KBD như trên với tất cả lòng kính trọng.
A.C
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng