Chuyện khó tin: Nhầm lẫn ảnh tử tù là anh hùng Lê Văn Tám
Theo chính sử thì Lê Văn Tám là tên của một thiếu niên anh hùng trong thời kỳ chiến tranh Pháp chiếm Đông Dương với hành động cảm tử tự thiêu rồi lao vào phá hủy một kho đạn của Pháp gần cầu Thị Nghè, Sài Gòn.
Sau chiến tranh, câu chuyện "Ngọn đuốc sống Lê Văn Tám" trở thành một biểu tượng anh hùng cách mạng, đưa vào sách giáo khoa để các em thiếu nhi học tập tấm gương một thiếu niên xả thân vì nghiệp lớn giải phóng dân tộc.
Tên anh hùng Lê Văn Tám được đặt cho nhiều trường học, công viên, đường phố tại nước ta. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng người chiến sĩ đã hy sinh khi đốt kho đạn Thị Nghè là có thật nhưng tên gọi thì không ai biết chính xác.
Công trình măng non "Trang sử hồng đội ta" gắn hình ảnh tử tù Lê Văn Tấn minh họa cho anh hùng Lê Văn Tám |
Tuy nhiên, theo Giáo sư Sử học Phan Huy Lê thì cái tên Lê Văn Tám là không có thật, và được dựng lên sau sự kiện kho đạn Pháp ở Thị Nghè bị đốt cháy. Chiến công này là có thật nhưng không rõ là của ai. Trên cơ sở sự kiện có thật đó, để tiện cho việc thông tin, người ta đã đặt tên cho người chiến sĩ vô danh đó là Lê Văn Tám.
Còn hình ảnh anh hùng Lê Văn Tám được gắn vào Công trình măng non của Trường Tiểu học - THCS Phú Xuân, xã Phú Đức (Đồng Tháp), qua xác minh, thực chất là Lê Văn Tấn (sinh năm 1978, ngụ tại ấp Kênh 2A, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, Tiền Giang). Tấn là kẻ giết người, hiếp dâm bé gái 7 tuổi hồi tháng 1/1997 và phải nhận án tử hình.
Việc viết về Lê Văn Tám nhưng lại lấy hình ảnh một tử tù để thay thế là không chấp nhận được, quá bất cẩn trong việc dùng tư liệu hình ảnh minh họa nhân vật anh hùng. Sau khi báo chí phản ánh thì lãnh đạo nhà trường thừa nhận, khi triển khai đã nhờ đơn vị in ấn ở địa phương hỗ trợ thực hiện rồi mang về trường treo mà thiếu xác minh lại ảnh anh hùng Lê Văn Tám.
Việc tắc trách của trường tiểu học ở Đồng Tháp lấy hình ảnh tử tù gắn cho nhân vật anh hùng lịch sử thì cần phê phán, tuy nhiên, qua sự việc này chúng ta cũng phải nhìn nhận lại cách viết sử, viết về những anh hùng trong chiến tranh.
Tên đường Lê Văn Tám |
Nếu như thông tin của GS sử học Phan Huy Lê về anh hùng Lê Văn Tám là đúng, một nhân vật hư cấu dựa trên một câu chuyện có thật phục vụ cho mục đích tuyên truyền trong cuộc kháng chiến chống Pháp thì 70 năm sau sự kiện ấy, đủ độ lùi về thời gian để chính sử điều chỉnh, trả sự thật lịch sử trở về với sự thật.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nhân vật Lê Văn Tám có hư cấu hay không, điều đó không quá quan trọng. Quan trọng hơn Lê Văn Tám là một cái tên gọi, biểu trưng cho tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình của người Việt Nam trong kháng chiến. Và vì vậy, việc lấy ảnh kẻ phạm trọng tội, bị tử hình để tôn vinh dù dưới tên người anh hùng là sai sót nghiêm trọng không thể chấp nhận.
Hơn 70 năm qua, không thiếu những tấm gương tuổi trẻ anh hùng có thể tôn vinh. Các nhà giáo dục nên cẩn trọng khi lựa chọn!
Thanh Nguyễn
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí